Cả nước thiếu 40.000 giáo viên mầm non, tiểu học

(Dân trí) - Theo thống kê mới nhất của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện thiếu 40.000 giáo viên mầm non, tiểu học. Tuy nhiên, ở bậc THCS, THPT lại thừa tới 17.000 người. Đây là bài toán nan giải đối với ngành giáo dục.

Thiếu giáo viên tin học, ngoại ngữ

Bộ GD&ĐT cho biết, theo thống kê của các địa phương, thừa 12.165 giáo viên trung học cơ sở và 4.260 giáo viên trung học phổ thông.

Nguyên nhân là do phát triển đội ngũ nhà giáo thời gian qua bộc lộ một số bất cập. Đặc biệt, một số địa phương để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ gây bức xúc dư luận. Chất lượng đào tạo sư phạm gây quan ngại cho xã hội.

Cụ thể, cả nước hiện có 13 cơ sở giáo dục đại học đào tạo chuyên về sư phạm và 61 cơ sở giáo dục đại học đa ngành có đào tạo sư phạm.

Nếu tính cả đào tạo giáo viên trình độ trung cấp và cao đẳng, cả nước hiện có khoảng 100 cơ sở giáo dục đào tạo được phép đào tạo giáo viên các cấp (hầu hết tỉnh/thành nào cũng có cơ sở đào tạo sư phạm). Hàng năm, số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp đều tăng.

Theo kế hoạch, đến năm 2020 quy mô đào tạo sư phạm chiếm 10% trong tổng số sinh viên tuyển mới. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến 2016, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm luôn cao hơn mục tiêu đề ra. Trong khi đó, những năm gần đây chất lượng đầu vào sư phạm nhìn chung còn thấp, không thu hút được học sinh xuất sắc theo học ngành sư phạm.

Hiện nay cả nước thiếu 34.641 giáo viên mầm non do nhu cầu gửi trẻ tăng cao. (Ảnh: Mỹ Hà)
Hiện nay cả nước thiếu 34.641 giáo viên mầm non do nhu cầu gửi trẻ tăng cao. (Ảnh: Mỹ Hà)

Hiện nay, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông về cơ bản đã đủ và thừa. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng thừa, thiếu cục bộ và thiếu giáo viên ở một số môn học như: Tin học, ngoại ngữ ở bậc trung học cơ sở và tiểu học do nhu cầu dạy học 02 buổi/ngày, thừa giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc bậc tiểu học.

Nhu cầu trẻ tăng cao

Cũng theo Bộ GD&ĐT, hiện cả nước thiếu 5.315 giáo viên tiểu học; đối với bậc mầm non thiếu 34.641 giáo viên do nhu cầu gửi trẻ tăng cao, trong khi tổng biên chế giáo viên của các tỉnh/thành phố có xu hướng giảm (do thực hiện tinh giản biên chế) nhưng số lượng giáo viên tuyển ở các bậc học trên (đặc biệt là trung học cơ sở và trung học phổ thông) có xu hướng thừa so với nhu cầu, do đó không còn biên chế cho bậc học mầm non.

Bộ GD&ĐT thừa nhận, nguyên nhân của các bất cập này là do việc biến động về quy mô trường/lớp vì dồn cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới việc thừa/thiếu cục bộ tại một số địa phương, khu vực nhất định.

Chưa có chính sách đột phá để thu hút học sinh giỏi vào sư phạm; chưa có chính sách đột phá đối với nhà giáo. (Ảnh: Minh họa).
Chưa có chính sách đột phá để thu hút học sinh giỏi vào sư phạm; chưa có chính sách đột phá đối với nhà giáo. (Ảnh: Minh họa).

Quy hoạch hệ thống các trường sư phạm không còn phù hợp. Công tác dự báo nhu cầu nhân lực sư phạm còn hạn chế, chưa sát với nhu cầu thực tế. Chỉ tiêu đào tạo của các trường sư phạm chủ yếu dựa trên số lượng giảng viên và cơ sở vật chất của nhà trường mà chưa có sự kết nối chặt chẽ với các địa phương để xác định số lượng giáo viên các bậc học, các môn học cần bổ sung.

Hiện nay, ở các địa phương, Sở GD&ĐT/Phòng GD&ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học.

Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp cũng chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên.

Chưa có chính sách đột phá để thu hút học sinh giỏi vào sư phạm; chưa có chính sách đột phá đối với nhà giáo.

“Bộ GD&ĐT đã nắm được các bất cập này và đã chỉ đạo các địa phương, các trường sư phạm có các giải pháp để sớm khắc phục", Lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định.

Mỹ Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm