Hội thảo quốc tế GLoCALL 2019: Chia sẻ công nghệ mới nhất vào dạy, học ngoại ngữ
(Dân trí) - Ngày 9/8, Hội thảo quốc tế GLoCALL 2019 về “Ứng dụng công nghệ trong dạy và học ngoại ngữ” năm 2019 đã diễn ra tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng với hàng trăm nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên phổ thông và diễn giả nổi tiếng thế giới về dạy ngoại ngữ đã tới dự.
Hội thảo quốc tế GLoCALL 2019 với chủ đề: "Globalization and Localization in Computer-Assisted Language Learning" - Ứng dụng công nghệ trong dạy và học ngoại ngữ được sự phối hợp tổ chức bởi Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, Hiệp hội Ứng dụng Công nghệ Thông tin trong dạy và học ngoại ngữ Khu vực Châu Á – Thái Binh Dương (PacCALL) và Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia tổ chức.
Hội thảo quốc tế GLoCALL là một diễn đàn học thuật để những người làm công tác giáo dục có kết nối, trao đổi và cập nhật về thực trạng và định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ.
Đồng thời, Hội thảo cũng là cơ hội để các chuyên gia, các nhóm nghiên cứu giới thiệu những thành quả, sản phẩm mới của mình đến cộng đồng các nhà nghiên cứu có quan tâm đến cách tiếp cận mới về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ.
Đặc biệt, Hội thảo có các diễn giả nổi tiếng thế giới như Dr. Cynthia White đến từ Đại học Massey, New Zealand, Dr. Karen Price đến từ Hoa Kỳ, Dr. Eric Hagley đến từ Nhật Bản và thầy Bảo Khâm, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Hữu Phúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ- Đại học Đà Nẵng cho biết, Hội nghị quốc tế GLoCALL lần thứ 13 năm 2019 tại Việt Nam là một cơ hội tuyệt vời cho các nhà nghiên cứu và giáo viên từ nhiều nơi trên thế giới gặp gỡ và chia sẻ kiến thức mới trong giảng dạy và nghiên cứu.
"Chúng tôi rất hy vọng qua cuộc hội thảo lần này, chúng ta sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm cũng như có thể ứng dụng công nghệ nhiều hơn nữa vào công tác giảng dạy một cách hiệu quả" - ông Phúc bày tỏ.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ đang là xu thế trên toàn cầu. Có rất nhiều cách để khai thác công nghệ thông tin phục vụ cho việc học ngoại ngữ.
Việc hướng dẫn cho người học ngoại ngữ biết cách sử dụng tối đa tính năng của công nghệ hoặc qua các giáo trình điện tử sẽ phát huy được tính tự học của người học, tiết kiệm thời gian học và có thể sớm tự tin sử dụng thành thạo ngoại ngữ trong cuộc sống hằng ngày.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban BQL Đề án Ngoại ngữ Quốc gia cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ là một trong những nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hội thảo Quốc tế GLoCALL là sự kiện có tính ứng dụng cao, bắt kịp nhanh xu hướng phát triển của thời đại 4.0 và phù hợp với nhiệm vụ đang triển khai của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban BQL Đề án Ngoại ngữ Quốc gia
Bà Hữu đánh giá, hội thảo thực sự hiệu quả và mang lại cơ hội cho người tham dự được trải nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ngoại ngữ. Hy vọng những điều hữu ích được tiếp cận tại sự kiện này sẽ được nhân rộng và ứng dụng vào công tác giảng dạy của các thầy cô tại đơn vị của mình.
Được biết, từ năm học 2011-2012 đến nay, việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam đã được Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương, cơ sở giáo dục quan tâm thực hiện. Trong đó, công tác đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh phổ thông phục vụ việc triển khai các chương trình ngoại ngữ mới được ưu tiên đầu tư triển khai.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành xây dựng chương trình và học liệu bồi dưỡng giáo viên về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ.
Hàng năm giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông được bồi dưỡng về năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu triển khai môn tiếng Anh hệ 10 năm với một module trọng tâm về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ.
Bà Nguyễn Thị Mai Hữu cho biết, Bộ GDĐT đã hoàn thành kế hoạch tổng thể xây dựng hệ thống học liệu ngoại ngữ trực tuyến mở quốc gia làm cơ sở xây dựng học liệu điện tử ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ từ nay đến năm 2025.
Các hoạt động đã và đang triển khai như: Tổng hợp các chương trình, tài liệu, học liệu ngoại ngữ do Đề án Ngoại ngữ quốc gia và các cơ sở giáo dục, các tổ chức quốc tế xây dựng, phát triển để thẩm định và giới thiệu dùng chung cho hệ thống.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT xây dựng, phát triển hệ thống học liệu trực tuyến ngoại ngữ mở quốc gia (các khóa học cụ thể) trên một cổng thông tin chuyên dùng cho học liệu ngoại ngữ với mục tiêu không chỉ để chia sẻ học liệu ngoại ngữ dùng chung cho hệ thống mà còn là nơi giới thiệu và cung cấp các chương trình, khóa học ngoại ngữ miễn phí chất lượng cao phù hợp nhu cầu tự học, tự bồi dưỡng năng lực của học sinh, sinh viên, giáo viên, người đi làm, người dân trên cả nước…
Theo Ban tổ chức, các báo cáo toàn văn có kết quả phản biện tốt, được Hội đồng biên tập đánh giá cao và có báo cáo tại Hội thảo sẽ được chọn đăng trong Kỷ yếu của Hội thảo có ISBN.Ngoài ra, các bài báo xuất sắc sẽ được lựa chọn xuất bản trong tạp chí có uy tín - EJCALL được lập chỉ mục trong Scopus.
Hồng Hạnh