Hội thảo khoa học “Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam”

(Dân trí) - Nghiên cứu những chiến công oanh liệt trong ba cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông vào thời Trần, PGS.TS Lê Đình Sỹ (Viện lịch sử quân sự) cho rằng, nghệ thuật quân sự thời Trần có bước phát triển rất lớn, đạt đỉnh cao của tư tưởng và nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc thời quân chủ.

Ngày 28/12, Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo khoa học “Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam”. Sự kiện nhân kỷ niệm 790 năm ngày sinh danh tướng Trần Hưng Đạo (1228-2018), 760 năm nhà Trần chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (1258 - 2018) và 730 năm nhà Trần chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ ba (1288 - 2018).

Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và hưởng ứng nhiệt tình của các học giả; các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, văn học, tư tưởng; các giảng viên đại học đến từ Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và Cộng hòa Liên bang Đức.

Các tham luận đã đề cập nhiều vấn đề: lịch sử, ngoại giao, tư tưởng quân sự, nghệ thuật chiến tranh, tôn giáo - tư tưởng, văn hóa - nghệ thuật của thời Trần.

 

Hội thảo khoa học “Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam” - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học “Nhà Trần trong lịch sử Việt Nam” được tổ chức tại Đà Nẵng

Về giao bang giữa nhà Trần và nhà Nguyên qua ba cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Chi (tạp chí Nghiên cứu lịch sử) cho rằng, nhà Trần đã thể hiện xuyên suốt tinh thần độc lập tự chủ của dân tộc trong quan hệ đối ngoại với kẻ thù. Tùy từng hoàn cảnh cụ thể mà thực hiện sách lược vừa khôn khéo, mềm dẻo vừa cương quyết, không chịu khuất phục trước một đế chế hùng mạnh như Nguyên - Mông. Do đó, nhà Trần không chỉ chiến thắng quân Nguyên về quân sự mà còn giành thắng lợi trước kẻ thù trên mọi mặt trận ngoại giao.

Trong khi đó, tham luận của TS. Nguyễn Thu Hiền (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, hoạt động bang giao trở thành động lực, hỗ trợ cho những thắng lợi trên chiến trường giúp Đại Việt bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia dân tộc. Những người đã góp phần làm nên những thắng lợi ngoại giao đó là những sứ thần tiêu biểu như Đỗ Khắc Chung và Mạc Đĩnh Chi.

“Họ chính là những nút thắt quan trọng, những mắt xích không thể thiếu trong quá trình thực hiện các hoạt động bang giao của vương triều Trần đối với các vương triều phong kiến Trung Hoa ở phía Bắc”, TS. Nguyễn Thu Hiền nhận định.

Nghiên cứu những chiến công oanh liệt trong ba cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông vào thời Trần, PGS.TS Lê Đình Sỹ (Viện Lịch sử Quân sự) cho rằng, nghệ thuật quân sự thời Trần có bước phát triển rất lớn, đạt đỉnh cao của tư tưởng và nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc thời quân chủ. Nhà Trần đã vận dụng xuyên suốt tư tưởng “toàn dân là lính, cả nước chung sức đánh giặc” với nghệ thuật quân sự rất quyền biến, chủ động, linh hoạt: “cử quốc nghênh địch”, “dĩ đoản chế trường”, “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh”, “tránh lúc giặc hăng, nhằm lúc giặc mỏi” để chiến đấu; tạo và chớp thời cơ phản công giành thắng lợi. Đó chính là cơ sở tạo nên sức mạnh quân sự thời Trần, là nguyên nhân dẫn đến những thắng lợi vĩ đại trong cả ba lần kháng chiến chiến giặc Nguyên - Mông.

Là một nhà khảo cổ có nhiều năm nghiên cứu “bãi cọc Bạch Đằng”, TS. Nguyễn Việt (Trung tâm tiền sử Đông Nam Á) cho rằng, việc lập các bãi cọc ở trên sông Bạch Đằng là một quyết định tốn kém và mạo hiểm của vua tôi nhà Trần.

Theo TS. Nguyễn Việt, nghiên cứu thực địa cho thấy, bất kể tính toán sai lầm nào cũng làm bãi cọc và ổ phục kích Bạch Đằng trở nên vô hiệu lực. Bởi lẽ quân thủy nhà Nguyên từ Vạn Kiếp có thể chọn nhiều tuyến đi ra biển để về vùng biển Lưỡng Quảng đất Nguyên. Nhưng vua quan nhà Trần đã tính toán mưu lược, chuẩn xác để biến trận Bạch Đằng trở thành một trận phục kích đánh tiêu diệt toàn bộ chiến thuyền nhà Nguyên, khiến Bạch Đằng Giang trở thanh một cái tên biểu trưng cho chiến thắng của dân tộc ta trước họa xâm lăng từ phương Bắc.

Khánh Hồng

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm