Hội Khuyến học VN: Hạt nhân của cuộc vận động toàn dân học tập

(Dân trí) - Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học đang là nhân tố quan trọng trong cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, XD đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư…, là hạt nhân của cuộc vận động toàn dân học tập, học tập suốt đời.

Thi đua trở thành “Gia đình hiếu học”

Nối tiếp truyền thống hiếu học và thực hiện lời dạy của Bác Hồ, được Đảng và Nhà nước cho phép và cổ vũ, ngày 2/10/1996, Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập. Đây là một tổ chức xã hội hoạt động trong phong trào quần chúng, hỗ trợ sự nghiệp chấn hưng và phát triển giáo dục với ba mục tiêu ban đầu là: “góp sức phấn đấu cho sự công bằng xã hội về quyền lợi học tập của mọi người và mọi vùng của đất nước; cổ vũ xã hội quan tâm đối với người thày, kiến nghị với Nhà nước về chính sách và chế dộ đãi ngộ tương xứng với vị thế của người thày; làm tư vấn về chủ trương và biện pháp chấn hưng và phát triển giáo dục.”

Xây dựng gia đình hiếu học, về thực chất, là phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, làm cho mỗi người dân thấy được tầm quan trọng của việc học hành đối với chủ trương vận động nhân dân xóa đói giảm nghèo, phát triển ngành nghề, đẩy mạnh sản xuất, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dân tộc Việt Nam phải “trở thành một dân tộc thông thái”.

Phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học do Hội Khuyến học Việt Nam phát động đã được nhân dân tích cực hưởng ứng. Để đạt được danh hiệu gia đình hiếu học, từng gia đình phải đăng ký với Hội Khuyến học ở cơ sở với ba tiêu chí sau:

Tất cả con em trong gia đình đều phải được đến trường, lớp học tập đúng độ tuổi, kết quả học tập đạt từ trung bình trở lên, không lưu ban bỏ học; Người lớn tuổi trong gia đình (trừ người già ốm yếu) đều phải có nội dung học tập thích hợp để không ngừng nâng cao học vấn, hoàn thiện tay nghề, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng cuộc sống; Các thành viên trong gia đình tích cực tham gia công tác khuyến học, xây dựng gia đình hòa hợp, hạnh phúc, giáo dục cho con em về đạo đức, có quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh, không vi phạm pháp luật.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần III của Hội Khuyến học Việt Nam (năm 2005), Trung ương Đảng đã trao tặng Hội một bức trướng lớn với ba dòng chữ vàng:

Hội Khuyến học Việt Nam

Khuyến học Khuyến tài

Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập

Từ đây, phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học đã gắn liền với mục tiêu xây dựng xã hội học tập, coi gia đình hiếu học như những tế bào của xã hội học tập.

Từ sau Đại hội lần thứ III, tất cả 63 tỉnh, thành trong toàn quốc đã hình thành một hướng thi đua mới: đó là đổi mới phương thức hoạt động khuyến học, khuyến tài ; mọi hoạt động khuyến học, khuyến tài đều hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập, song song với việc xây dựng gia đình hiếu học còn xây dựng các dòng họ khuyến học (nay đổi thành dòng họ hiếu học) với 5 tiêu chí cụ thể: Trong dòng họ có trên 50% gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học; tất cả con em trong dòng họ đều đến trường; Dòng họ có quỹ khuyến học, Quỹ của dòng họ phải hoạt động có hiệu quả; Trong dòng họ có Chi hội khuyến học (hoặc Ban khuyến học); Mọi gia đình trong dòng họ đều thực hiện tốt nghĩa vụ công dân.

Lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam trao bằng khen cho Gia đình hiếu học tiêu biểu, tỉnh Sơn La.

Lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam trao bằng khen cho Gia đình hiếu học tiêu biểu, tỉnh Sơn La.

Nhân tố quan trọng để Xây dựng xã hội học tập

Đại hội gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn quốc lần thứ II (ngày 9 và 10/10/2007), đánh dấu một giai đoạn mới của phong trào khuyến học, khuyến tài. Tại Đại hội, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã đánh giá rất cao phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học và nhấn mạnh:

Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học để xây dựng xã hội học tập là một cách làm độc đáo ở Việt Nam, có ý nghĩa lớn trong việc động viên mọi người học tập, góp phần chấn hưng nền giáo dục nước nhà....Hội Khuyến học Việt Nam và các cấp Hội đã hiểu sâu sắc vai trò, tác dụng của gia đình và dòng họ trong việc khơi dạy truyền thống hiếu học của dân tộc, sáng tạo vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về ý chí học tập vào giai đoạn mà dân tộc cần phải đột phá, đi tắt, đón đầu, rút ngắn khoảng cách tụt hậu, quyết tâm sớm đưa các nghị quyết của Đảng về xây dựng xã hội học tập vào cuộc sống…”.

Sau khi có Chỉ thị 11CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị và sau Đại hội Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học lần thứ II, phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học phát triển rầm rộ hơn, lôi cuốn đông đảo nhiều người tham gia hơn. Nội dung thi đua, xây dựng phong trào ở nhiều địa phương được cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp nên hoạt động có bài bản hơn, và cũng mang nhiều nét mới hơn.

Về gia đình hiếu học, nhân dân tại nhiều địa phương đã chia gia đình hiếu học thành nhiều loại như gia đình thành đạt, gia đình cử nhân, gia đình tiến sĩ. Về dòng họ, ở những nơi không có những gia đình trong họ tộc quần tụ, nhân dân đã tôn vinh những tổ dân phố, những thôn bản, xóm, làng khuyến học, tổ dân phố khuyến học, v.v... Nhiều tổ chức tôn giáo tích cực tham gia phong trào này, nhiều xứ đạo, nhà thờ, nhà chùa đã đạt danh hiệu Xứ Đạo, nhà thờ, nhà chùa khuyến học.

Hàng nghìn cộng đồng khuyến học trên từng địa bàn dân cư đã tạo ra nhiều điều kiện tinh thần và vật chất để động viên các gia đình, các dòng họ tham gia học tập theo yêu cầu xây dựng xã hội học tập... và xây dựng khu dân cư văn hóa, làng văn hóa...

Sau 5 năm kể từ Đại hội gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học tiêu biểu lần thứ II, trong cả nước đã có hơn 5 triệu gia đình hiếu học và hơn 50 nghìn dòng họ khuyến học được cấp giấy chứng nhận gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, hàng nghìn cụm dân cư khuyến học.

Kết quả của phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học đã và đang làm cho giáo dục nhà trường gắn kết chặt chẽ hơn với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, tạo được sự đồng thuận trong từng cộng đồng dân cư và góp phần thúc đẩy chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và phong trào thi đua học tốt, dạy tốt trong nhà trường hiện nay...

Gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học đang là nhân tố quan trọng trong cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư và xây dựng nông thôn mới, là hạt nhân của cuộc vận động toàn dân học tập, học tập suốt đời.
 

Những đóng góp tích cực của Hội trong 17 năm qua đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao bằng những phần thưởng cao quí: Nhà nước đã quyết định lấy ngày 2/10 hàng năm làm “Ngày khuyến học Việt Nam”. Hội Khuyến học Việt Nam được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì; 88 Huân chương Lao động các loại, 3 cờ thi đua xuất sắc và hàng trăm bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Mặt trận TQVN cho các cá nhân, tập thể và các cấp Hội trong toàn quốc.

Lương Thanh Sở

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm