Hội đồng tuyển chọn học bổng Fulbright: "Nhìn vào hiện tại và tương lai của ứng viên hơn quá khứ..."
(Dân trí) - Học bổng Fulbright danh giá hơn 20 năm qua đã chắp cánh cho nhiều giấc mơ du học Mỹ của người Việt, rất nhiều gương mặt thành công từng xuất phát từ đó. Bởi vậy, không ít ứng viên lo lắng thành tích của mình không nổi trội thì khó có sức cạnh tranh, thực tế không phải vậy vì hội đồng tuyển chọn học bổng Fulbright muốn nhìn vào hiện tại và tương lai của ứng viên hơn quá khứ...
Tại Triển lãm Giáo dục Hoa Kỳ bậc Sau Đại học do Văn phòng Giáo dục Hoa Kỳ Education USA, trực thuộc phòng Văn hóa – Thông tin, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội chiều ngày 12/9, bà Nguyễn Thị Hạnh – Trợ lý chương trình – Chương trình Fulbright Việt Nam góp mặt trong hội thảo chia sẻ và giải đáp thông tin về chương trình học bổng Fulbright cho ứng viên Việt.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh : “Khi nhắc đến học bổng Fulbright tâm lý của nhiều ứng viên Việt là sợ cạnh tranh, khó quá, nghĩ rằng hồ sơ của những người đạt học bổng Fulbright toàn khủng... Thực tế không phải như vậy!”.
Fulbright là học bổng danh giá, mọi người tìm đến Fulbright vì muốn trở thành một phần trong mạng lưới những người tài năng nhận học bổng toàn phần hấp dẫn để sang Mỹ học không bị gánh nặng tài chính từ học phí đắt đỏ ở Mỹ.
Nhưng Fulbright có nhiều học bổng khác nhau dành cho công dân Việt Nam (học bổng thạc sĩ, học bổng đi dạy tiếng Việt, học bổng cho người đi nghiên cứu hoặc giảng dạy ở bên Mỹ về đề tài nào đó mình đã quan tâm nếu như ứng viên đã có bằng thạc sĩ ở Việt Nam).
Gương mặt của cựu ứng viên nhận học bổng rất đa dạng. “Thực tế bạn hoàn toàn có thể trở thành người nhận được học bổng với điều kiện bạn phải nộp hồ sơ. Rất nhiều người nghĩ rằng học bổng khó nên thôi không nộp hồ sơ nữa.
Nếu bạn nộp hồ sơ ít nhất bạn đã có 1% cơ hội cạnh tranh. Còn nếu chúng ta không nộp hồ sơ thì hội đồng tuyển chọn có biết chúng ta là ai để trao cơ hội nhận học bổng?”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Học bổng Fulbright chỉ đưa ra 4 tiêu chí: Là công dân Việt Nam (không sở hữu hai quốc tịch), đã tốt nghiệp Đại học, có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 2 năm sau khi tốt nghiệp tính từ mốc thời gian đăng kí chương trình, đạt được trình độ tối thiểu TOEFL iBT 79 hoặc IELTS 6.5.
Bạn phải thuyết phục được hội đồng tuyển chọn là bạn đang làm gì? Bạn cần đi học thêm để cải thiện điều gì trong lĩnh vực bạn đang làm? Nếu bạn không có kinh nghiệm làm việc bạn sẽ không thể có được điều đó và sức thuyết phục trong học bổng sẽ không cao.
Song từ khoảng cách tự thấy mình đủ 4 tiêu chí đến việc bắt tay làm hồ sơ học bổng rất xa. Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn chuẩn bị một bộ hồ sơ xin học bổng.
Trợ lý chương trình Fulbright nhấn mạnh, khi ứng viên tham gia vào học bổng Fulbright, chương trình đảm bảo đây là học bổng cạnh tranh mở và cạnh tranh tự do, công bằng dựa trên thành tích, năng lực của ứng viên dự tuyển.
Và một điểm thú vị của Fulbright là học bổng không giới hạn độ tuổi, không yêu cầu điểm GPA tối thiểu. Nghĩa là ứng viên không cần có bằng đại học loại khá, giỏi trở lên mới có thể nộp hồ sơ. Bởi lẽ, hội đồng tuyển chọn học bổng Fulbright muốn nhìn vào hiện tại và tương lai của một ứng viên.
“Fulbright đã có người thành công khi nộp ứng tuyển với bằng tốt nghiệp đại học trung bình hoặc trung bình khá, thậm chí là bằng đại học tại chức hoặc liên thông. Bởi vì học bổng Fulbright quan điểm rằng: cái trong quá khứ là cái đã qua.
Có thể bạn ứng viên từng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không tập trung học tốt đại học hoặc học đại học không thực sự làm niềm đam mê của bạn ấy dẫn đến điểm số không tốt như mong muốn.
Nhưng sau này khi ra trường, họ làm rất tốt công việc của mình và chứng tỏ tiềm năng phát triển trong tương lai thì họ vẫn có cơ hội giành học bổng. Fulbright muốn nhìn vào hiện tại, tương lai của ứng viên hơn là quá khứ”.
Không có chỉ tiêu hay ưu tiên cho một ngành học cụ thể nào
Bà Hạnh cho hay, học bổng Fulbright không ưu tiên cho một ngành học nào cả. Không phải 20 học bổng Fulbright 1 năm là cho 20 ngành khác nhau. Học bổng ngành MBA có những năm không bạn nào được nhưng có những năm 2-3 bạn được chọn bởi vì số lượng tuyển hoàn toàn phụ thuộc vào chất lượng ứng viên từng năm một.
“Fulbright đảm bảo quy trình tuyển chọn công bằng và minh bạch cho tất cả ứng viên. Chúng tôi luôn mời hội đồng tuyển chọn của Fulbright là những người đã từng làm gia vào Fulbright. Họ là các alumni của chương trình, có hiểu biết về Fulbright, có hiểu biết về Mỹ và Việt Nam, họ sẽ giúp chúng tôi lọc chọn và phỏng vấn ứng viên.
Tỉ lệ phân bố học bổng Fulbright cho các ngành về nhà nước, phi chính phủ hay tư nhân... hoàn toàn không được áp định. Tất cả ứng viên có cơ hội như nhau”, đại diện này cho biết.
Quy trình tuyển chọn: Ứng viên đỗ học bổng trước rồi mới apply vào trường yêu thích
Học bổng Fulbright dành cho bậc thạc sĩ mở vào đầu tháng 1 hàng năm - hạn nộp hồ sơ rơi vào giữa tháng 4. Học bổng Fulbright cho chương trình dạy tiếng Việt mở đơn vào tháng 5 - hạn nộp hồ sơ vào tháng 8.
Hồ sơ các chương trình trải qua vòng xem chọn lọc (review) do ban tuyển chọn thực hiện sau đó chọn lọc các ứng viên tiềm năng vào vòng phỏng vấn.
Phỏng vấn xong nếu trúng tuyển ứng viên trúng tuyển sẽ được Fulbright xác nhận sau đó cấp 1 gói tài trợ. Sau đó, đội ngũ chuyên gia của Fulbright mới hỗ trợ bạn tìm và apply vào các trường đại học ở Mỹ yêu thích và phù hợp với mình (kéo dài từ tháng 10 cho đến tháng 3 năm sau).
Không như một số học bổng khác, ứng viên phải được trường bên Mỹ nhận rồi mới apply học bổng. Ứng viên thành công sẽ lên đường đi học vào tháng 8 hàng năm.
Giải đáp thắc mắc của khán giả về việc chọn trường sau khi trúng tuyển học bổng Fulbright, bà Hạnh chia sẻ: Hội đồng học bổng Fulbright khi tìm trường cho ứng viên sẽ căn cứ nguyện vọng của các bạn và xem nguyện vọng của bạn có phù hợp với tiêu chí của Fulbright không.
Tiêu chí quan trọng nhất ở đây là sự phù hợp học thuật chứ không chỉ là các trường danh tiếng. Thứ hai, nước Mỹ rất rộng lớn và học bổng có mục tiêu trao đổi văn hóa nên chương trình không muốn gửi rất nhiều ứng viên đến cùng một thành phố, tiểu bang mà chú trọng đến sự đa dạng địa lý. Tiêu chí cuối cùng là chi phí, chương trình sẽ cân nhắc xem trường mà ứng viên thích có lịch sử chia sẻ chi phí với Fulbright không.
Nếu không có hỗ trợ chi phí thì học bổng phải lên tới 70-80.000 USD/ năm và quá mức trung bình (38.000-40000/năm) mà Bộ Ngoại giao Mỹ cấp cho học bổng Fulbright. Lúc này, Fulbright rất tiếc phải đưa ra các lời mời lựa chọn khác cho ứng viên nếu ứng viên đồng ý thì theo học còn không thì “chia tay nhau từ đây”. Song thông thường, hai bên sẽ thống nhất trước với nhau để các bước sau diễn ra suôn sẻ nhất.
Được thành lập từ năm 1946 bởi Quốc Hội Hoa Kỳ, mục đích của chương trình học bổng Fulbright là hướng tới mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau thông qua các hoạt động giáo dục và trao đổi văn hoá. Chương trình học bổng Fulbright dành cho sinh viên Việt Nam là một chương trình học bổng có giá trị và đầy thách thức nhằm tuyển chọn cũng như tôn vinh những giáo sư Việt trẻ tuổi đạt được bằng Master (thạc sĩ) tại các trường đại học Hoa Kỳ. Ước tính hằng năm có khoảng 20 học bổng du học toàn phần được trao tặng. Kể từ năm 1992 đến nay, có khoảng 700 sinh viên Việt Nam đã được chọn lựa tham gia chương trình.
Lệ Thu (ghi)