Liên kết đào tạo ĐH, CĐ:

Hội chứng “ngoại tình” và đem con bỏ chợ

(Dân trí) - “Nhắm mắt” phát triển các cơ sở liên kết nên quá trình đào tạo không gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực. Việc thực hiện liên kết chỉ mang tính lợi nhuận là chính… Hàng loạt các sai phạm trong liên kết đào tạo ĐH, CĐ vừa được Bộ GD-ĐT “ngậm ngùi” công bố.

Cơ sở liên kết (tức các cơ sở địa phương) chỉ làm mỗi nhiệm vụ tuyển sinh, thu học phí. Còn các cơ sở đào tạo chính thì mang tính chất... kiếm việc làm cho cán bộ, giảng viên nhằm tăng thu nhập. Đó là hàng loạt các sai phạm trong mở lớp liên kết đào tạo ĐH, CĐ được Bộ GD-ĐT công bố vào ngày 16/12.

Những nhiệm vụ trọng tâm năm học 2008 - 2009 của công tác thanh tra là tập trung kiểm tra các lớp liên kết đào tạo mở tại địa phương về điều kiện mở lớp, cơ sở pháp lý của chương trình liên kết đào tạo. Theo Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Phan Mạnh Tiến, đào tạo vừa học vừa làm (tại chức) có hai hình thức, một là đặt tại trường, hai là mở các lớp liên kết đào tạo tại địa phương.

Cũng vì "lối mở" dành cho ĐH, CĐ này, thực tế nhiều năm qua, hoạt động liên kết đào tạo tại địa phương phát triển theo kiểu "trăm hoa đua nở", bất kể đến các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...

Trung tâm việc làm cũng liên kết đào tạo... đại học

Kết quả thanh tra của Bộ GD-ĐT về công tác thực hiện liên kết đào tạo, việc mở lớp trong thời gian qua được tóm gọn bằng hai từ "ồ ạt". Các trung tâm giáo dục thường xuyên là những nơi "tích cực" nhất trong việc mở lớp. Kế đó là doanh nghiệp tư nhân xin mở lớp rồi trung tâm xúc tiến việc làm cũng mở lớp đào tạo cử nhân ĐH.

Từ quá trình kiểm tra, Bộ GD-ĐT còn phát hiện ra một nghịch lý rằng: Nhờ có "ngoại tình", một trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh hiện còn "sướng" hơn một trường ĐH vì, trường ĐH muốn mở ngành phải làm đầy đủ thủ tục hồ sơ sau đó trình Bộ xem xét phê duyệt, nhưng trung tâm giáo dục thường xuyên muốn đào tạo ĐH chuyên ngành gì thì chỉ cần thực hiện liên kết với trường ĐH cùng chuyên ngành ấy mà không phải xin phép gì nhưng vẫn có thể ung dung đào tạo!

Bộ GD-ĐT thừa nhận: Thực tế, đã có trường ĐH triển khai liên kết đào tạo với cả trung tâm giáo dục cấp huyện, trung tâm xúc tiến việc làm cũng liên kết đào tạo ĐH... dẫn đến không quản lý, kiểm soát được nên chất lượng đào tạo kém.

Riêng tại tỉnh Thanh Hóa đã có 32 đơn vị trên địa bàn có đào tạo loại hình này nhưng kết quả kiểm tra trong năm qua của Sở GD-ĐT cho thấy rất nhiều cơ sở không đủ tư cách pháp nhân, không có văn bản cho phép liên kết đặt địa điểm mở lớp. Như tại trường Trung cấp Tư thục Bách Nghệ, năm 2007 với cơ sở vật chất đi thuê nhưng trường vẫn hợp đồng liên kết đào tạo với nhiều trường ĐH, mở 8 lớp ĐH và 2 lớp trung cấp chính quy...

Về phía các trường ĐH, có trường triển khai đào tạo liên kết với hàng chục trung tâm. Điển hình như trường ĐH Kinh tế quốc dân có tới 113 chương trình liên kết.

"Ngoại tình" tràn lan nên "con rơi" cũng tràn lan. Hiện nay, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số học viên tại chức có khoảng 700.000, trong số này có hơn 200.000 học viên giáo dục từ xa; trong đó có khoảng 40% đào tạo tại trường, 60% là "sản phẩm" liên kết đào tạo địa phương.

Cần có sự can thiệp điều chỉnh

Thực tế bức xúc hiện nay cũng đặt ra yêu cầu Bộ GD-ĐT cần sớm có những biện pháp chấn chỉnh như kiểm tra tư cách pháp nhân các trung tâm liên kết, kiểm tra cơ sở vật chất, đội ngũ cán bô, giáo viên của cơ sở... Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục khẩn trương rà soát lại cơ sở đào tạo tại địa phương, nơi nào đảm bảo đủ cơ sở vật chất mới được tiếp tục hoạt động. Trước mắt, Bộ sẽ kiên quyết đóng cửa những lớp liên kết đào tạo đặt tại trung tâm giáo dục thường xuyên huyện.

Về sự kiên quyết này, ông Phan Mạnh Tiến cũng cho rằng, thực ra việc liên kết đào tạo đã có quy định, Bộ GD-ĐT không mong muốn đi quản lý những việc quá "chi tiết" nhưng trước tình hình hiện nay, cần phải có sự can thiệp, điều chỉnh. Sau khi kiểm tra các cơ sở đặt lớp vào đầu năm 2009, quan điểm của Bộ là nếu có cơ sở nào không đủ điều kiện sẽ kiên quyết giảm chỉ tiêu tuyển sinh, không cho phép mở lớp ở những nơi này.

Để siết chặt quản lý đối với hệ tại chức, từ năm học tới, tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ tại chức sẽ có 4 đợt mỗi năm, vào tháng 3; tháng 4, tháng 10 và tháng 11. Mỗi đợt thi kéo dài 4 ngày từ ngày 15 đến ngày 18 của tháng. Lịch thi từng môn do Bộ GD-ĐT quy định.

 

Đề thi tuyển sinh hình thức vừa làm vừa học sẽ do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đảm nhận.

 

Trước kỳ thi 2 tháng, các trường báo cáo Bộ GD-ĐT kế hoạch triển khai các đợt thi tuyển sinh; chỉ tiêu và ngành nghề dự kiến tuyển sinh; số môn thi và tên các môn thi; ngày thi, địa điểm thi và địa điểm đặt lớp.

 Mai Minh