Học viện Stem và ước mơ kiến tạo tương lai
Một “Học viện STEM” rộng 400m2 dành cho thiếu nhi tại TP.HCM là bước đi táo bạo của “ông lớn” - Samsung, khi quyết định dùng chính lợi thế công nghệ đầu tư vào giáo dục Việt Nam. Chưa bao giờ phương pháp giáo dục STEM được thắp lửa mạnh mẽ đến thế, ngay tại thời điểm bản lề của lần đổi mới giáo dục sắp tới. Samsung và Lego Education, hiện là hai chỗ dựa nguồn lực lớn cho giấc mơ này.
STEM – Đặc quyền không của riêng ai
Sau những giờ học đều đều ở trường, cuối tuần, cậu bé Trịnh Nhật Nam lại được tự do trong các trò vui thiết kế robot, những kiến thức về toán học, môi trường, vũ trụ… được học theo một cách rất khác. Em có “team” riêng của mình, nhờ làm việc nhóm, em đã nhận biết điểm mạnh, điểm yếu của mỗi thành viên trong nhóm. Đi bên cạnh bố, em đã kịp hỏi nhiều câu hỏi có chiều sâu, dù mới là một cậu bé lớp 6…
Ngày tháng đi học của Nam nhiều vui thú. Mà theo cha em, anh Trịnh Nhật Đông (Quận 7, TPHCM), những thay đổi này đến từ ngày em tham gia Câu lạc bộ Robot Mindstorms của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH QG TP.HCM). Đó là nơi giúp bố con em biết đến tinh thần STEM trong giáo dục.
Nhật Nam là một trong số những học sinh Việt Nam có cơ hội tiếp cận với giáo dục STEM từ sớm. Thực tế, giáo dục STEM đã “manh nha” tại Việt Nam vài năm trở lại đây. Ban đầu là tại các cơ sở kinh doanh giáo dục tư nhân. Nhưng từ năm 2015, ngành giáo dục Việt Nam nhận thấy tầm quan trọng của việc học hỏi STEM, đã thí điểm giáo dục STEM tại một số trường học, thông qua các câu lạc bộ STEM, các giờ học liên môn. Chẳng hạn trường Trần Đại Nghĩa, Gia Định, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM), trường Hà Nội - Amsterdam, Tạ Quang Bửu (Hà Nội)...
Đơn cử tại trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.HCM), nhà trường đã từng bước đưa STEM vào dạy học thông qua điều kiện đặc thù của trường công để học tiếp cận với những tiến bộ. Với 23 câu lạc bộ, trong đó ứng dụng STEM được 6 câu lạc bộ với những định hướng bài bản, đưa học sinh từng bước khám phá, học tập các môn khoa học cơ bản đầy cảm hứng, chơi mà học, học mà chơi, không còn nhiều khô khan, lý thuyết.
Theo nghiên cứu của tập đoàn tư vấn chiến lược Kindsley, năm 2030, 800 triệu người sẽ mất việc. Cách mạng 4.0 sẽ đẩy nhiều người lao động ra ngoài để thay thế bằng robot. Khi đó, chỉ có việc nắm bắt công nghệ, tri thức kỹ thuật số hay những công việc đòi hỏi trình độ riêng biệt mới giúp con người tìm được chỗ đứng trong thị trường lao động. Chuẩn bị cho hành trang này, không gì khác ngoài giáo dục, và phải là một nền giáo dục đủ hiện đại để đuổi kịp thế giới. Và STEM chính là con đường không thể làm ngơ.
Trong Chương trình Giáo dục Phổ thông mới do Bộ Giáo dục chủ trì, STEM là một trong những từ khóa cải cách quan trọng nhất về mặt phương pháp. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, thực tế còn quá nhiều thử thách cho giấc mơ STEM của Việt Nam.
Đi tìm đại sứ STEM cho Việt Nam
Đứng trước những thách thức về công nghệ, ngành giáo dục không thể đơn độc một mình. Để STEM thực sự đi vào đời sống học đường một cách thực chất, hiệu quả, luôn cần sự chung tay của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ. Samsung là một ví dụ điển hình.
Hơn 1 tháng sôi động vừa qua, Samsung cùng chuỗi hoạt động “Cùng bạn kiến tạo tương lai”, đã truyền cảm hứng về công nghệ nói chung và STEM nói riêng cho hàng ngàn học sinh tại TP.HCM. Sắp tới, với sự hợp tác chiến lược cùng Lego Education, hai doanh nghiệp này tập trung vào việc xây dựng Học viện STEM thiếu nhi tại TP.HCM với diện tích lên đến 400m2, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về STEM cho giới trẻ, cuộc thi khoa học ứng dụng Robotacon, các hoạt động ngoại khóa về STEM cho hệ thống các trường học… Tổng trị giá khoản đầu tư cho các hoạt động này ban đầu khoảng 300 nghìn USD.
Học viện STEM thiếu nhi trong tương lai gần sẽ là một nơi học tập, chia sẻ tri thức đầy cảm hứng với nhiều khu vực như góc công nghệ, sân khấu thiếu nhi, vườn thư giãn. Quan trọng hơn, đây cũng địa điểm tổ chức các lớp học về STEM cho thiếu nhi liên quan đến coding, sang tạo, giải quyết vấn đề và tích hợp nhiều kỹ năng khác.
Và biểu tượng cho lòng say mê STEM là bốn nhóm học sinh xuất sắc tranh tài cuộc chơi lớn First Lego League. Đây là cuộc thi toàn cầu, hàng năm thu hút hơn 250 ngàn thí sinh từ 32 ngàn đội chơi đến từ 88 quốc gia. Cuộc thi là nơi người chơi đưa ra các ý tưởng giải quyết các vấn đề thực tiễn qua các mô hình robot.
Chủ đề năm nay “hành trình của dòng nước” thực sự đã cuốn hút những người chơi nhỏ tuổi vào câu chuyện mang tính vấn đề của thế giới: tìm ra giải pháp giúp hạn chế lãng phí và ô nhiễm nguồn nước…
Với First Lego League, “sự chơi” đã được nâng tầm. Không chỉ là trò chơi lắp ghép mô hình, những mảnh ghép lego đã chứa đựng trí tuệ, sự sáng tạo cũng như đam mê, trách nhiệm của tuổi trẻ trước các vấn đề xã hội. Từ những mô hình biến hóa nhiều cảm hứng này, sẽ có những kỹ sư, những nhà lập trình, nhà khởi nghiệp, nhà hoạt động xã hội... ra đời - những người kiến tạo tương lai. Đó cũng là tinh thần giáo dục mà các tập đoàn quốc tế như Samsung hay Lego Education muốn xây đắp.
Trở lại câu chuyện STEM tại Việt Nam, chính những nhóm bạn trẻ tài năng của sân chơi First Lego League cũng sẽ là những đại sứ thuyết phục nhất cho thấy thành quả đáng khích lệ từ STEM. Một “Học viện STEM” trong mơ, sẽ là chặng đường nhiều gian nan để ươm mầm, nhưng chính từ đây, chúng ta đã có những hạt giống quý…
Xuân Khang