Học "tủ" theo đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT là sai lầm nghiêm trọng
(Dân trí) - Câu hỏi nhiều học sinh đặt ra sau khi có đề thi tham khảo là ma trận đề tham khảo có giống thi thật không? Chuyên gia cho rằng, đề thi thật sẽ ở mức độ khác, thí sinh không nên "tủ đề".
Tăng tốc luyện đề
Năm nay Anh Đức (quận Cầu Giấy, Hà Nội) dự kiến thi vào Trường Đại học (ĐH) Ngoại thương Hà Nội.
Hiện Đức đang luyện thi khối A1 với các môn toán, lý, Anh, em tính xét tuyển vào một ngành liên quan đến kinh tế.
"Tuần rồi nhà trường có phát cho mỗi học sinh trong lớp một bản trắc nghiệm cá nhân để tham khảo sở thích và ngành nghề. Em chọn một số ngành kinh tế mà em nghĩ phù hợp với lực học", Đức nói.
Được biết để chuẩn bị cho việc thi cử, bố mẹ cho em luyện các môn toán, lý, hóa, Anh từ năm lớp 10.
Riêng môn vật lý, vì em ở trong đội tuyển thi học sinh giỏi huyện nên thầy cô xếp lịch cho em luyện bài bản hơn.
Hiện tại học sinh này thấy chưa yên tâm nhất ở môn tiếng Anh, bởi mức độ chú tâm em dành cho môn này chưa nhiều. Đức cho biết, mình sẽ cố gắng kết thúc chương trình chính khóa để tập trung vào luyện đề.
Được biết Anh Đức sẽ tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội vào đầu tháng 3 tới, xem kiến thức mình đang ở đâu để có lựa chọn phù hợp khi xét tuyển.
Ngân Hà, học sinh ở một trường trên địa bàn quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, em đã luyện đề được gần một tháng nay.
Luyện đề giúp em phát hiện ra mình hổng kiến thức ở đâu, từ đó có thể "gia cố" lại.
Trong tổ hợp xét tuyển, hóa học là môn em yếu nhất, do đó học sinh này đang cố gắng dành thời gian để học, cũng như tìm các nguồn tài liệu trên mạng hoặc xin thêm từ thầy cô để hỗ trợ quá trình học.
Năm 2023, Ngân Hà muốn thi vào ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. Sau khi có đề tham khảo, em nhận xét môn sinh khá nhẹ nhàng.
"Em bám sát đề thi tham khảo để ôn nhưng nếu với ma trận đề như thế này ở kỳ thi thật thì khá là dễ", Hà nói.
Theo học sinh này, em không chủ quan bởi qua theo dõi vài ba năm gần đây, ma trận đề thi thật và đề thi tham khảo có độ "vênh". Có đề tham khảo dễ thì đề thi khó và ngược lại, vì thế em tự nhủ không được chủ quan.
"Tủ" đề tham khảo là sai lầm nghiêm trọng
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh ở Hà Nội nhận định, đề thi tham khảo thường dễ hơn đề thi thật. Riêng đề thi tham khảo môn sinh năm 2023 khá dễ. Với kỳ thi thật, đề thi cần có sự phân hóa tốt hơn.
"Với khoảng 50 phút và 40 câu khó, học sinh khó có thể làm được gì quá lớn lao. Thời gian thi dài hơn, người ra đề mới có thể tăng cường các câu hỏi đánh giá năng lực toàn diện còn như hiện tại, đang chỉ là cuộc đua tốc độ", thầy Hiền nói.
Theo thầy Đỗ Ngọc Hà, chuyên gia luyện thi môn Hóa tại Hà Nội cho biết, sau khi có đề thi tham khảo, câu mà nhiều học sinh hỏi nhất là; "Ma trận đề tham khảo có giống ma trận đề thi thật không"?; "những kiến thức không xuất hiện ở đề tham khảo sẽ không xuất hiện ở đề thi chính thức đúng không"?
Câu trả lời của thầy giáo này là "không", bởi lẽ theo lý giải của chuyên gia luyện thi này, đề thi tham khảo và thi thật có mức độ khác nhau, nếu học sinh nào "tủ đề" là sai lầm nghiêm trọng.
Cũng theo nhận xét của thầy Hà, so với năm ngoái, đề tham khảo (hay còn gọi là đề tham khảo) 2023 của Bộ GD&ĐT đã tăng cấp độ khó.
"Thường đề chính thức sẽ khó hơn đề tham khảo nên tôi cho rằng khả năng cao đề thi năm nay sẽ tăng mức độ khó so với năm vừa rồi.
Các dạng trong đề tham khảo nói chung khá quen thuộc bởi những câu hỏi mới trong ngân hàng đề vẫn đang được Bộ GD&ĐT "giấu bài", chưa tung ra sớm, học sinh phải hiểu mới có thể làm, không "tủ" được.
Theo lời khuyên của chuyên gia này, học sinh bỏ ngay tâm thế chủ quan rằng đề sẽ dễ, đặc biệt phải ôn thật kỹ những dạng câu hỏi lý thuyết, công thức cơ sở, những dạng bài tập cơ bản sau đó rồi mới nâng cao về khả năng tư duy vật lý ở những dạng bài khó hơn, đặc biệt các chương lớp 12. Các em học đến đâu chắc đến đó, làm bài đến đâu, ăn điểm câu đó.
Sau khi tổng ôn, các em chuyển qua giai đoạn luyện đề, tuyệt đối lựa chọn các đề thi chất lượng không ra phạm vào kiến thức giảm tải, tránh làm những đề đánh vào tâm lý các em kiểu như suy từ đề tham khảo ra vì hiếm khi Bộ GD&ĐT ra lại những câu hỏi đã ra ở đề thi tham khảo.