Học trường dân lập quốc tế - xu hướng mới ở TPHCM

Với chương trình giảng dạy nhồi nhét như hiện nay, dường như học sinh tiểu học đã không còn thời gian để vui chơi; giải trí. Tuy nhiên, ở các trường tiểu học dân lập quốc tế, việc học lại đem đến cho học sinh và cả phụ huynh cảm giác nhẹ nhàng, không bị ép học. Vì thế, đây đang là mô hình giáo dục được nhiều người hướng tới dù học phí có phần cao

Những ưu thế của trường dân lập quốc tế

 

Trừ một số ít các trường quốc tế hoạt động 100% như trường tại nước ngoài (trung bình trên dưới 10.000 USD/ năm), còn lại các trường có tên quốc tế như tiểu học dân lập quốc tế 2 – 4 Bis Thái Văn Lung, Q.1, Dân lập quốc tế 21 Ngô Thời Nhiệm, Q.3, Tiểu học dân lập quốc tế Việt Úc 72 Bis Võ Thị Sáu, Q.1 và 51 - 53 An Dương Vương, Q.5 đều do người Việt đầu tư giảng dạy bằng tiếng Việt theo nội dung chương trình của Bộ GD-ĐT ban hành. Tuy nhiên, phương thức tổ chức quản lý, phương pháp giảng dạy, cơ sở vật chất phục vụ dạy học... ở các trường này đều theo chuẩn quốc tế và học phí chỉ khoảng 1,7 triệu đến gần 5 triệu đồng/tháng tùy cấp lớp.

 

Tại Trường Tiểu học DLQT Việt- Úc, mỗi lớp học chỉ có 18 học sinh (HS), từng lớp học được trang trí rất khác nhau và rất sinh động. Mỗi HS có riêng một bộ bàn ghế. Tùy từng lúc các em có thể kê bàn nhìn thẳng lên bảng nghe cô giáo giảng bài, hoặc bố trí theo từng nhóm 4 em để thảo luận xây dựng bài học. HS ở đây luôn được động viên học tập chứ tuyệt đối không bị ép học. Trong mỗi học, giáo viên sẽ tạo điều kiện để mỗi HS ít nhất phải được trình bày ý kiến 2 - 3 lần.

 

Ở hầu hết các trường, nhờ sĩ số giới hạn nên giáo viên có điều kiện thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy có hiệu quả, theo sát từng HS để giúp đỡ các em. Nhờ vậy, các em rất chủ động trong học tập, hiểu bài và thuộc bài ngay tại lớp, khi tan học không cần phải xách cặp về nhà. "Sự tiến bộ của các em được chúng tôi theo dõi, ghi chép theo từng tuần, hằng tháng đều có phiếu báo chi tiết về cho phụ huynh” - bà Lê Thị Thu Hà, Phó Giám đốc điều hành Trường Tiểu học DLQT Việt - Úc, cho biết.

 

Nội dung chương trình chính khóa đều được “thanh toán” gọn vào buổi sáng (gồm cả các môn nhạc, họa, vi tính); buổi chiều các em học tiếng Anh (do người nước ngoài dạy, có giáo viên Việt Nam trợ giảng, dạy theo chương trình để lấy chứng chỉ QT), kịch, học toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh nhằm giúp cho HS có khả năng liên thông lên THCS hay THPT ở nước ngoài. Ngoài ra, tính quốc tế còn thể hiện ngay trong khâu vệ sinh, ăn uống.

 

Điều dễ nhận thấy tại các trường này là nhà vệ sinh luôn được bố trí ở nhưng nơi dễ nhìn thấy nhất, luôn rất sạch sẽ, thơm tho. Trường Tiểu học DLQT Việt - Úc còn thuê hẳn Công ty P. Dussmann của Đức đảm trách khâu vệ sinh môi trường và cung cấp bữa ăn

Mức học phí một số trường quốc tế

 

Trường DLQT (21 Ngô Thời Nhiệm, Q.3) và Tiểu học DTQT (số 2-4 Bis Thái Văn Lung, Q.1), học phí của các lớp 1, 2, 3 là 1,7 triệu đồng/tháng; các lớp 4 - 5 1à 1,8 triệu đồng/tháng, lớp 6 - 7: 3.872.000 đồng/tháng, lớp 8: 4.372.000 đồng/tháng, và lớp 9: 4.872.000 đồng/tháng.

 

Trường Tiểu học DLQT Việt - Úc mức học phí năm học 2004-2005 là 150 USD/tháng và năm 2005-2006 là 200 USD/tháng cho tất cả các khối lớp.

cho HS.

 

Thu hút mạnh mẽ phụ huynh

 

Anh Nguyễn Quốc Hùng, nhà ở 55 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, phụ huynh của cháu Nguyễn Bảo Ngân, HS lớp 4 Trường Tiểu học DLQT, kể: Đúng tuyến cháu Ngân sẽ học ở Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, nhưng trường này buộc phải thi vào lớp tiếng Anh tăng cường mới được học bán trú. Điều này khiến cho vợ chồng anh rất bức xúc, vì cháu mới vào lớp 1 thì làm gì có tiếng Anh mà thi. Vậy là vợ chồng anh gửi cháu vào học Trường Tiểu học DLQT.

 

“Tôi thấy quyết định của mình là đúng đắn - anh Hùng nói - Học phí hơi cao nhưng tiếng Anh, vi tính cháu đương nhiên được học. Tiền ăn học chỉ đóng một lần chứ không có những khoản linh tinh như trường công. Cũng không có chuyện quà cáp cho thầy cô giáo hoặc chuyện gợi ý bắt học thêm".

 

Cả hai con của chị Hải Yến (nhà ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đa Kao. Q.1) trước đây đều học Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm nhưng thấy các con học hành quá

căng thẳng, phải học thuộc lòng cả môn văn... nên chị đã chuyển con sang Trường Tiểu học DLQT. Chị so sánh: "Chúng tôi không cần con mình thành bác học mà chỉ cần các cháu dạn dĩ - điều này trường DLQT làm tốt hơn. Học phí có đắt một chút nhưng môn tiếng Anh các cháu được học rất tốt. Học hành nhẹ nhàng nên buổi tối cả hai cháu còn có thời gian đi học múa".

 

Sức hấp dẫn của loại hình trường DLQT đối với các bậc cha mẹ HS thể hiện qua số lượng HS tăng lên rất nhanh qua từng năm. Trong năm học 2003-2004 Trường Tiểu học DLQT chỉ có 39 lớp, nhưng đến năm học 2004 - 2005 đã tăng lên 100 lớp. Mới ra đời từ 1999, đến nay trường này đã có khoảng 2.500 HS. Cũng mới đi vào hoạt động vào đầu năm này nhưng Trường Tiểu học DLQT Việt - Úc cũng đã thu hút được 500 HS. Hiện trường này đang xây thêm 3 cơ sở và kế hoạch của năm học tới là sẽ tăng số HS lên 1.500 em.

 

Nhận định về xu hướng cho con học trường quốc tế, tiến sĩ Ngô Đình Qua, cán bộ giảng dạy Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nói: Học hành theo lối nhồi nhét như hiện nay thì các cháu sẽ không còn niềm hạnh phúc của tuổi thơ, đến đừng đối với các cháu như một khổ ải. Vì thế, những gia đình có điều kiện, không hài lòng với cách giáo dục đó đã hướng đến một mô hình giáo dục khác tốt hơn là lẽ đương nhiên.

 

Theo Người lao động