PGS. Bùi Hiền mất 10 ngày “chuyển thể” Truyện Kiều sang “Tiếq Việt”

(Dân trí) - PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội vừa công bố toàn tập tác phẩm "Truyện Kiều" bằng “Tiếq Việt”. Ông cho biết, mình mất 10 ngày để “chuyển thể” ngôn ngữ tác phẩm “kinh điển” này nhằm thử nghiệm.

10 ngày chuyển 3.254 câu thơ của Truyện Kiều sang “Tiếq Việt”

Ngày 12/1, PGS Bùi Hiền (người từng gây "sóng gió" dư luận với đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt) đã công bố 3.254 câu thơ lục bát của Truyện Kiều bằng ngôn ngữ “Tiếq Việt”.

Ông cho biết, mình chọn chuyển thể tác phẩm này bởi "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du là một trong các tác phẩm kinh điển của nền văn học Việt Nam.

“Tôi chọn tác phẩm này để “chuyển thể” ngôn ngữ nhằm thử nghiệm cho công trình nghiên cứu của mình bởi trước đó, bản chuyển đổi của tôi chỉ vỏn vẹn trong 1 trang giấy”, PGS Hiền nói.


Truyện Kiều được PGS Bùi Hiền chuyển sang “Tiếq Việt”.

Truyện Kiều được PGS Bùi Hiền chuyển sang “Tiếq Việt”.

Trao đổi với PV Dân trí, PGS Hiền cho hay, để chuyển thể toàn bộ tác phẩm này ông mất trọn 10 ngày đầu tiên của năm 2018, mỗi ngày dành ra khoảng 9 - 10 tiếng đồng hồ tự viết trên máy tính ở nhà, không cần nhờ người khác gõ hộ dù chỉ một chữ. “Bởi có nhờ cũng khó vì có mấy ai gõ được chữ này nếu không thuộc mặt chữ cải tiến, tôi phải tự gõ”, ông nói.

Chia sẻ thêm về điều này, ông tâm sự, khi chuyển sang chữ cải tiến thì vẫn bị chữ cũ "ám ảnh" nên còn viết nhầm đôi chỗ. Âm "C" được thay cho âm "Ch" và "Tr" chẳng hạn. Hơn nữa, việc viết tay trên giấy khác hoàn toàn với gõ chữ trên máy tính.

“Tôi phải gõ phím trên máy tính nên ngày đầu tiên viết vẫn còn ngượng nghịu và bị sai nhiều. Sang tới ngày thứ hai trở đi, các thao tác gõ phím mới dần thuần thục và ít bị sai sót hơn. Trước khi hoàn thành toàn bộ tác phẩm này, tôi đã soát lại và chỉnh sửa vài lần rồi mới đem đi photo thành tập để gửi tặng các bạn bè thân thiết”, PGS Hiền tâm sự.


Trích đoạn Truyện Kiều bằng “Tiếq Việt”.

Trích đoạn Truyện Kiều bằng “Tiếq Việt”.

“Tiếq Việt” không làm hỏng vẻ đẹp của Truyện Kiều

Trước câu hỏi, “Truyện Kiều” từng gây tranh cãi khi trước đó đã từng có người chuyển sang tiếng nước ngoài. Việc áp dụng “Tiếq Việt”, liệu ông có lo sợ tiếp tục gây ra tranh cãi?

PGS Hiền cho hay: “Tôi biết sẽ có những người không đồng quan điểm về đề xuất cải tiến chữ viết Tiếng Việt của tôi trước đó, nhưng đó là việc của họ. Công việc nghiên cứu là quyền, là đam mê và sở thích của cá nhân tôi chứ không bắt ép ai phải tin hay dùng chữ cải tiến cả. Việc chuyển thể toàn bộ 3.254 câu thơ lục bát của tác phẩm "Truyện Kiều" bằng chữ cải tiến cũng là việc nên làm để cho những ai muốn nghiên cứu có thể tham khảo thêm”.


PGS Bùi Hiền đọc trích đoạn Truyện Kiều bằng ngôn ngữ “Tiếq Việt” do ông cải tiến.

PGS Bùi Hiền đọc trích đoạn Truyện Kiều bằng ngôn ngữ “Tiếq Việt” do ông cải tiến.

Ông lý giải, sở dĩ mình chọn Truyện Kiều vì đây là một tác phẩm mang nhiều giá trị nghệ thuật của nền văn học Việt Nam. Bao thế hệ người Việt từ xưa đến nay, ai ai dù ít nhiều cũng đều biết tới Truyện Kiều.

PGS Bùi Hiền cho rằng: Nhiều người rất thích Truyện Kiều, nên khi chuyển sang “Tiếq Việt” thì khả năng đón nhận của nhiều người có thể sẽ cao hơn là chuyển một tác phẩm văn học nào khác.

Từ thích "Truyện Kiều", nhiều người sẽ muốn thử đọc tác phẩm này bằng chữ viết cải tiến xem như thế nào. Còn nếu chuyển đổi một tác phẩm mà ít người biết đến hoặc có người không thích, thì dù viết bằng chữ quốc ngữ cũng đã ít được đón nhận chứ chưa nói đến chữ viết cải tiến.

Chia sẻ với PV về việc chuyển đổi ngôn ngữ có làm mất vẻ đẹp của tác phẩm “kinh điển” này, PGS Hiền cho hay, việc chuyển đổi bằng chữ cải tiến không hề làm mất đi những giá trị nội dung vốn có của tác phẩm.

“Truyện Kiều ban đầu được viết bằng chữ Nôm, sau đó mới chuyển qua chữ quốc ngữ như hiện nay. Giờ đây, tôi muốn chuyển sang chữ cải tiến thì các giá trị về nội dung hay giá trị nghệ thuật của tác phẩm vẫn giữ nguyên chứ không thay đổi”, ông khẳng định.

Mỹ Hà

>> Chính phủ không có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ