Học sử trong bảo tàng

“Em đã đến Bảo tàng TPHCM vài lần rồi, nhưng đây là lần đầu tiên được tham gia sinh hoạt theo hình thức sôi nổi như vậy. Em thấy cách làm này giúp tụi em học nhanh và nhớ kiến thức lịch sử rất lâu, không khô như những bài học thông thường".

Một tràng pháo tay vang dội cả hội trường khi bạn Hoàng Trọng, học sinh lớp 11A7 Trường THPT Bùi Thị Xuân đưa ra đáp án: “Thưa ban giám khảo, kết quả ô chữ của đội A là thống nhất đất nước”! Kết thúc phần thi Nhận diện lịch sử, phần thắng tạm nghiêng về đội A khiến cuộc thi càng hào hứng. Càng về trưa, hội trường của Bảo tàng TPHCM như nóng lên hẳn bởi không khí tranh tài giữa hai đội ngày càng trở nên sôi nổi và quyết liệt…
 
Học sử trong bảo tàng
Trao thưởng cho các bạn trong cuộc thi Em yêu lịch sử.
 
Thực hành... môn sử

Sau khi tham quan Bảo tàng TPHCM, xem những hình ảnh sống động và tư liệu phong phú, hơn 100 học sinh của Trường THPT Bùi Thị Xuân bắt đầu có dịp kiểm tra lại những kiến thức lịch sử đã học, đã xem qua phần thi Em yêu lịch sử. Với 3 phần thi Ai nhanh ai đúng, Nhận diện lịch sử và Trò chơi ô chữ, thông qua các hình ảnh gợi ý và câu hỏi trắc nghiệm, các bạn học sinh có phần dễ hiểu và tiếp thu kiến thức lịch sử khá nhanh. Trong chốc lát, những sự kiện, cột mốc lịch sử về cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 làm nên chiến thắng lịch sử ngày 30-4 được trả lời gãy gọn. Hướng dẫn viên của bảo tàng có nhiệm vụ bổ sung thông tin và diễn tiến sự việc liên quan để các bạn dễ xâu chuỗi, dễ nhớ.

Đây là chương trình do Bảo tàng TPHCM thực hiện, lần đầu tiên thử nghiệm và 3 đơn vị Sở GD-ĐT TPHCM, Thành đoàn TNCS TPHCM, Sở VH-TT-DL TPHCM cùng phối hợp tổ chức. Ngoài đa dạng hóa các hoạt động giáo dục của bảo tàng, chương trình còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, bổ sung kiến thức lịch sử cho học sinh phổ thông.

“Em đã đến Bảo tàng TPHCM vài lần rồi, nhưng đây là lần đầu tiên được tham gia sinh hoạt theo hình thức sôi nổi như vậy. Em thấy cách làm này giúp tụi em học nhanh và nhớ kiến thức lịch sử rất lâu, không khô như những bài học thông thường. Riêng với em, đây là giờ học “thực hành” môn lịch sử, ngoài ghế nhà trường nhưng là một cách giáo dục phù hợp và mang lại hiệu quả”, cả hai bạn Thanh Hà, học sinh lớp 11A10 và Lê Hoàng Trọng lớp 11A7 cùng bày tỏ.
 
Cần nhân rộng mô hình

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng TPHCM, cho biết, thông qua Câu lạc bộ Em yêu lịch sử, chương trình không nằm ngoài mục tiêu đưa bảo tàng đến gần hơn với trường học, nhằm xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực. Và càng ý nghĩa hơn khi chủ đề tháng 4 là tìm hiểu về cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, làm nên chiến thắng ngày 30-4 lịch sử.

“Trong tháng 4, Bảo tàng TPHCM đã tổ chức 2 đợt sinh hoạt tìm hiểu lịch sử với sự tham gia của hàng trăm học sinh 2 trường THPT Trần Đại Nghĩa và THPT Bùi Thị Xuân”, ông Tuấn nói thêm.

Cô Phạm Thị Thanh Thảo, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Bùi Thị Xuân, bày tỏ, ngoài kiến thức sách vở, hôm nay các em học sinh được tham gia một buổi sinh hoạt mà theo tôi là rất thiết thực và ý nghĩa. “Theo tôi, chương trình và cách tổ chức này khá mới, rất bổ ích cho các em học sinh hiện nay”, cô Thanh Thảo khẳng định.

Theo Minh An
SGGP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm