Học sinh vùng cao tặng hoa rừng, cá suối tri ân thầy cô ngày 20/11
(Dân trí) - Dịp ngày 20/11 năm nào, những thầy cô giáo vùng cao cũng nhận được những món quà đặc biệt như hoa rừng, cá suối, củ sắn, gạo từ tay các học sinh thân yêu của mình. Đây là một món quà vô giá thể hiện tinh thần ham học, quý mến thầy cô của các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Về với ngôi trường Krong (xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai) trong ngày 20/11, chúng tôi cảm nhận được không khí vui tươi, phấn khởi. Các thầy cô giáo đã chuẩn bị sân chơi giao lưu thể thao, văn nghệ giữa thầy và trò. Thông qua những hoạt động này để dạy cho các em về kĩ năng sống, tình yêu thương giữa bạn bè và thầy trò...
Cũng trong ngày đặc biệt này, điều chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi không ai bảo nhưng các em học sinh nữ đã dậy từ sớm để lên rừng chọn những bông hoa dã quỳ rồi về cắm thành các lẵng hoa dâng lên Ban giám hiệu và các giáo viên. Những bông hoa rừng được các em tỉ mỉ cắm vào một chiếc bình với đầy đủ sắc màu của đại ngàn Tây Nguyên để lên tặng các thầy cô trong dịp lễ Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Những cậu học sinh nam ham chơi nhưng cũng không quên chọn những món quà như củ sắn, gạo, thậm chí là nhiều cậu còn mang gà, rau rừng để tặng những thầy cô giáo đã dạy mình “con chữ”. Những món quà đơn sơ, mộc mạc nhưng đã nói lên tính ham học, quý mến thầy cô của các học sinh đồng bào dân thiểu số người Banar.
Thầy Nguyễn Văn Thuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường có 236 học sinh và 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số Banar. Chính vì vậy, công tác duy trì sĩ số luôn được đặt lên hàng đầu. Hàng ngày, các giáo viên thường điểm danh nếu thiếu các học sinh nào thì liên hệ với chính quyền địa phương để cùng đến nhà tìm hiểu, vận động ra lớp. Các em học sinh đồng bào này đã quen với núi rừng nên khi đến trường học còn rất bỡ ngỡ, nhút nhát và mọi thứ đều cần các thầy cô giáo dạy từ sinh hoạt cá nhân đến học tập...
Vinh dự của những giáo viên như chúng tôi là hàng năm ngày 20/11 đều nhận được những bó hoa rừng hay củ sắn, gạo mà học sinh dành tình cảm để chuẩn bị. Qua hành động của các em, chúng tôi biết các em đã ý thức được việc học và coi ngôi trường này như một gia đình. Hàng năm, nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà trường đều tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao để tạo điều kiện cho các học sinh và thầy giáo giao lưu, gần gũi với nhau...”.
Cũng trên dãy Trường Sơn, ngôi trường vùng cao ở xã Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã tổ chức một đêm văn nghệ mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam với sự tham gia của hơn 300 học sinh và 30 giáo viên. Nhằm tri ân những giáo viên đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình, bám trụ với vùng cao, “gieo chữ” nên từng nhóm học sinh đã dành những bài hát và một câu chúc gửi đến những “người chèo đò”.
Kết thúc buổi văn nghệ, A Chan (người dân tộc Xơ Đăng, học sinh lớp 8, trường THCS Đăk Rơ Ông) đã len lén chạy đến ấn vào tay cô Đặng Thị Tuyết Thanh (giáo viên chủ nhiệm lớp 8A, trường THCS Đăk Rơ Ông) một bì cá suối với câu nói ngại ngùng “Con cho cô nè”. Hành động tuy nhút nhát nhưng đã khiến các thầy cô giáo trong buổi văn nghệ rơi nước mắt cảm động.
Được biết, các em ở huyện Tu Mơ Rông đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số Xơ Đăng. Đời sống kinh tế khó khăn, quanh năm bám lấy cây lúa, cây mì để sống và ít khi giao tiếp với người lạ.
Chính những giáo viên vùng cao đã “bám bản” dạy cho các học sinh biết “cái chữ”, cùng bà con phát triển cây lúa, cây công nghiệp nhằm tăng thu nhập. Đối với các thầy cô giáo vùng cao, niềm vui lớn nhất là mỗi sáng các học sinh đều chăm chỉ đến trường học chữ.
Phạm Hoàng