Đắk Nông:

Học sinh trường huyện chế thiết bị báo tin tai nạn qua điện thoại

(Dân trí) - “Một năm trước, bác bảo vệ của trường gặp tai nạn nhưng không qua khỏi, giây phút cuối đời không người thân bên cạnh chỉ vì người nhà không được báo tin. Gặp cảnh đó, chúng em mới nảy sinh ra ý tưởng về một thiết bị báo tin tới người thân của các nạn nhân gặp tai nạn giao thông”.

Hai nam sinh trường huyện với mô hình báo tin tai nạn qua điện thoại

Tô Ngọc Duy, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Trường Chinh (huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ với PV Dân trí về đề tài “Thiết bị tự động gọi, gửi thông báo, xác định vị trí khi xe gặp sự cố tai nạn”. Đề tài do Duy và Cao Văn Thương (bạn cùng trường) đồng chủ nhiệm vừa đạt giải Nhì (không có giải Nhất) tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh Đắk Nông dành cho học sinh THPT năm học 2016-2017.

Từ một vụ tai nạn…

Duy kể, năm 2016, khi bác bảo vệ trường em tham gia giao thông trên đường bằng xe máy thì xảy ra va chạm với phương tiện khác. Thấy bác bị thương nặng, những người chứng kiến xung quanh tìm cách liên hệ với người thân bằng điện thoại của bác. Thế nhưng, hầu hết cuộc gọi đều vào số của những người bạn, người bà con ở xa, trong khi đó người thân ở gần lại không được biết. Khi bác vào bệnh viện cấp cứu, bác gái ở nhà và nhà trường mới biết, chạy đến nơi thì bác đã qua đời.


Thương (áo đỏ) và Duy tranh thủ thời gian rảnh để chỉnh sửa lại mô hình trước khi tham dự cuộc thi sáng tạo trẻ vào giữa tháng 5/2017

Thương (áo đỏ) và Duy tranh thủ thời gian rảnh để chỉnh sửa lại mô hình trước khi tham dự cuộc thi sáng tạo trẻ vào giữa tháng 5/2017

Câu chuyện khiến Duy và Thương suy nghĩ mãi, nên hai em đã nảy sinh ra ý tưởng tạo ra một thiết bị báo tin cho người nhà nạn nhân khi người đó gặp tai nạn giao thông. Đến khi được phổ biến đăng ký đề tài để dự thi cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, Duy và Thương đã mang ý tưởng trao đổi với thầy Lê Văn Giang (giáo viên Vật lý của trường) và được thầy đồng ý giúp đỡ. Sau đó cả ba thầy trò thống nhất tạo một thiết bị gắn vào xe máy, có thể thông tin cho người thân khi chủ phương tiện điều khiển xe gặp tai nạn.

“Ngay sau khi các em trao đổi với tôi, nhận thấy đây là đề tài ưu việt, mang tính ứng dụng cao lại phù hợp với khả năng, năng lực của các em nên tôi đồng ý hỗ trợ. Do kiến thức tại trường THPT chỉ vận dụng được khoảng 50% còn lại là từ bên ngoài nên ba thầy trò mất khá nhiều thời gian để thu thập, đọc tài liệu. Về cơ bản, thiết bị này ra đời dựa trên những kiến thức vật lý THPT và tin học, lập trình”, thầy Giang, người trực tiếp hướng dẫn đề tài chia sẻ.


Thiết bị tự động gọi, gửi thông báo, xác định vị trí khi xe gặp sự cố tai nạn.

Thiết bị tự động gọi, gửi thông báo, xác định vị trí khi xe gặp sự cố tai nạn.

Thương tâm sự, tai nạn giao thông xảy ra ngày càng nhiều, để lại hậu quả dai dẳng. Trong khi đó có vụ rất khó khăn để xác định danh tính của người bị tai nạn. Ngoài ra, đặc điểm của tỉnh Đắk Nông là địa hình đồi núi, nhiều người sử dụng xe máy để đi rừng, đi rẫy chẳng may gặp phải tai nạn, lúc đó không dễ gì báo tin cho người nhà được nên hai em hy vọng sản phẩm sẽ mang lại hiệu quả cao.

Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, cả ba thầy trò phải mất gần nửa năm và hơn 3 lần thất bại. “Phần lớn sản phẩm thất bại đều gặp khó khăn về ngôn ngữ lập trình, hiện tượng quá tải điện dẫn đến cháy nổ và định vị GPS không chuẩn. Sau mỗi lần thất bại, thầy trò đều ngồi lại với nhau để tìm ra khuyết điểm, có lần phải nhờ cả sự trợ giúp của những kỹ sư tin học để có được sản phẩm thành công nhất”, thầy Giang cho hay.

Đến thiết bị thông báo thông minh

Được biết, để sản phẩm đến được với cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật của tỉnh, ba thầy trò phải làm đi làm lại hơn chục lần. Nhiều thiết bị khó tìm nên ban ngày đi học, buổi tối, thầy trò phải tranh thủ xuống tận TP. Hồ Chí Minh mua mới có.

Học sinh trường huyện chế thiết bị báo tin tai nạn qua điện thoại - 3

Khi xe đổ nghiêng khoảng 2 phút mà không được dựng dậy sẽ có tin nhắn thông báo đến điện thoại người thân (ảnh chụp màn hình)

Với thiết bị này, nhóm đã dùng một modem cảm biến độ nghiêng SW 520D, một mạch Arduino-Uno, một mạch sim và một số thiết bị kết nối khác. Thiết bị được gắn trên xe của người tham gia giao thông. Khi xe gặp sự cố hoặc bị nghiêng đổ, sau khoảng 2 phút mà không được dựng lên thì mạch sim sẽ tự động gọi đến khoảng 5 số điện thoại của người thân nạn nhân. Khi một trong 5 điện thoại bắt máy, thiết bị sẽ tự động gửi tin nhắn với nội dung “Xe của bạn gặp sự cố hoặc bị tai nạn” đồng thời sẽ gửi tiếp tọa độ của xe bằng đường link xác định vị trí của xe trên Google Maps.

“Đây chính là đặc điểm nổi bật của đề tài, chỉ cần xe máy được gắn thiết bị này, ở bất cứ đâu nạn nhân gặp tai nạn giao thông cũng có thể báo cho thân nhân được vì thiết bị hoạt động bằng nguồn điện của bình ắc quy và vệ tinh GPS. Thiết bị chỉ dừng thông báo khi một trong số các điện thoại phản hồi lại”, Duy cho biết.

Ngoài ra, trong trường hợp xe không bị tai nạn mà bị lấy trộm, chủ phương tiện cũng có thể thông qua việc gửi một tin nhắn tới thiết bị, thiết bị sẽ gửi lại đường link cho biết vị trí của xe trên Google Maps nếu như sử dụng Smartphone. Việc gửi thông báo hoàn toàn sử dụng mạng vệ tinh, chỉ cần điện thoại được đăng ký vẫn còn tiền trong tài khoản.

Với khả năng ứng dụng thực tiễn cao, đề tài của hai nam sinh Duy và Thương đã đạt giải Nhì cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh THPT năm học 2016-2017. Trong tương lai, hai nam sinh này hy vọng, mô hình sẽ trở thành sản phẩm thương mại bởi chi phí sản xuất chỉ khoảng 500 ngàn đồng.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Phan Văn Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh cho biết, trường đóng chân tại một trong những xã nghèo của tỉnh Đắk Nông, phần lớn các em xuất thân từ gia đình làm nông nhưng trong 3 năm qua, học sinh trường liên tục đạt giải cao trong các cuộc thi khoa học, kỹ thuật. Không chỉ trích ngân sách mà trường còn vận động các thầy cô, phụ huynh ủng hộ kinh phí để giúp các em yên tâm thực hiện đề tài.

“Là trường nổi tiếng về thế mạnh các môn xã hội nhưng chúng tôi hy vọng sắp tới, nơi đây sẽ trở thành một trong những trường THPT điểm về thành tích học tập, nghiên cứu khoa học về cả khoa học cơ bản và khoa học ứng dụng”, thầy Tấn bày tỏ.

Dương Phong

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục