Học sinh tốt nghiệp THCS lên thẳng cao đẳng: Giảm lãng phí đào tạo nhân lực
Nhiều năm qua, phân luồng giáo dục vẫn luôn là vấn đề khó khăn, dẫn đến những bất cập trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tại các nước phát triển như Đức, Nhật Bản…, học nghề sớm là lựa chọn được ưu tiên và cho phép đào tạo ra nhiều kỹ sư giỏi cho đất nước. Ở Nhật Bản, mô hình đào tạo 5 năm dành cho học sinh tốt nghiệp cấp 2 rất thành công.
Trong khi đó, nước ta có hàng trăm ngàn học sinh tốt nghiệp THPT không học tiếp hoặc qua đào tạo nghề nghiệp, mà đi làm những công việc lao động phổ thông. Nếu lực lượng này được định hướng tốt, theo học trung cấp ngay sau khi tốt nghiệp THCS thì sẽ có thêm được đội ngũ lao động có tay nghề tốt đã qua đào tạo.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân cho rằng, ở Việt Nam, phân luồng học sinh sau THCS là chủ trương quan trọng giúp giảm lãng phí trong đào tạo nguồn lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để thu hút học sinh hết lớp 9 vào học nghề, giải pháp duy nhất là nâng cao chất lượng đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng. Thời gian qua, Bộ LĐTBXH đã triển khai, cho phép các trường mở rộng mô hình đào tạo 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS.
Mô hình 9+ đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng như Đức, Nhật Bản, Hàn quốc.
Theo Thứ trưởng, học sinh hết lớp 9 được học chương trình kéo dài từ 3 - 5 năm tùy ngành nghề để nhận bằng cao đẳng, cử nhân thực hành, kỹ sư thực hành.
Chương trình được thiết kế tổng thể đảm bảo người học từ trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng không phải học lại những nội dung đã học. Trong thời gian học trung cấp, học sinh được học thêm chương trình văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ GDĐT để đảm bảo cho học sinh có đủ điều kiện tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn. Thời gian đào tạo được thiết kế đảm bảo phù hợp với quy định của Luật GDNN, các điều kiện đảm bảo chất lượng và giảm tải cho người học.
Những chính sách cho đối tượng tốt nghiệp THCS vào học trung cấp như học sinh tốt nghiệp THCS được miễn học phí khi học tiếp lên trình độ trung cấp. Bên cạnh đó, người học sau tốt nghiệp được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, được hưởng lương theo trình độ đào tạo, được công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành đối với người tốt nghiệp cao đẳng.
Trong những năm gần đây và trong thời gian tới, các ngành, nghề có nhu cầu nhân lực cao ở Việt Nam chủ yếu trong các nhóm ngành, nghề Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, cơ khí; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; ngoại ngữ; Du lịch, khách sạn, nhà hàng; Dịch vụ thẩm mỹ; Điều dưỡng - hộ sinh...
Theo Lê Hoa
Lao Động