Mô hình đào tạo 9+: Vẫn tắc nếu không phân luồng thành công

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự kiến xây dựng đề án đào tạo nghề 9+ dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Ðây được coi là mô hình tiệm cận với đào tạo nghề quốc tế. Tuy nhiên, thực hiện được hay không lại phụ thuộc vào chính sách phân luồng sau THCS.

Theo lãnh đạo LĐTB&XH, mô hình 9+ được hiểu là mô hình học sinh tốt nghiệp THCS là có thể học lên CĐ, hoặc ĐH.

Hiện trên thế giới, học sinh học hết lớp 9 có hai hướng rẽ.

Thứ nhất, tiếp tục học THPT sau đó lên ĐH và gia nhập thị trường lao động.

Hướng thứ hai, học sinh gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Đó là tốt nghiệp THCS, học sinh sẽ lựa chọn đi học nghề, nên chỉ 18- 20 tuổi là có thể đi làm. 9+ được hiểu theo Luật giáo dục nghề nghiệp và theo thông lệ quốc tế là hết lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn, học nghề ngắn hạn trong thời gian 6 tháng đến 1 năm như chăm sóc sắc đẹp, nấu ăn, làm bánh và các em tham gia thị trường lao động ngay tai các trung tâm dạy nghề. Các em không phải làm những công việc độc hại và được pháp luật cho phép độ tuổi từ 16-18 tuổi. Lựa chọn thứ 2 là học sinh tham gia chương trình đào tạo 9 +2, 9 +3, 9+4, 9+ 5 để theo 8 bậc của khung trình độ quốc gia. Sau 2 năm, các em lấy bằng trung cấp, những năm tiếp theo lấy bằng cao đẳng. Sau này nếu có nhu cầu các em học 1, 2 năm nữa lấy bằng ĐH.

Học sinh trường CÐ Nghề Cơ điện Hà Nội trong một tiết học nghề. (Ảnh: Nghiêm Huê)
Học sinh trường CÐ Nghề Cơ điện Hà Nội trong một tiết học nghề. (Ảnh: Nghiêm Huê)

Từ tháng 7/2018, Tổng cục Dạy nghề cũng đã có văn bản khuyến khích đào tạo chương trình cao đẳng cho học sinh tốt nghiệp THCS. Theo đó, Bộ LĐTB&XH yêu cầu các trường nghiên cứu, xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo chương trình cao đẳng liên thông từ trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THCS. Người học sẽ được nhận bằng trung cấp và tiếp tục học liên thông ngay để nhận bằng cao đẳng cùng ngành, nghề. Chương trình cần được thiết kế tổng thể để đảm bảo người học khi chuyển từ trình độ trung cấp lên cao đẳng không phải học lại những nội dung đã học.

Chương trình đào tạo trung cấp cũng cần được tăng cường đào tạo kiến thức văn hoá THPT theo quy định của Bộ GD&ĐT để đảm bảo học sinh đủ điều kiện tiếp tục học liên thông trình độ cao đẳng.

“Mạnh tay” hơn với phân luồng

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân, mô hình phân luồng của Việt Nam ngược so với Nhật Bản và các nước trên thế giới. Những học sinh không đỗ được THPT thì mới đi học cao đẳng, trung cấp nghề. Do đó mất thời gian để phân luồng và thay đổi nhận thức xã hội. Vì vậy, Bộ có chủ trương thí điểm chương trình đào tạo liên thông trung cấp, cao đẳng để tuyển chương trình đào tạo 3-4 năm.

Mặt khác, hiện có 5 trường CĐ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang áp dụng mô hình đào tạo Kosen của Nhật Bản, đó là mô hình 9+5. Học xong, người học sẽ được cấp bằng kỹ sư.

Còn chương trình của Việt Nam, hiện học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường trung cấp có hai hướng, một hướng là học song song hai chương trình, tốt nghiệp có bằng bổ túc văn hóa, bằng trung cấp nên có thể học liên thông nên CĐ hay ĐH. Còn một hướng là vẫn học song song chương trình văn hóa nhưng không được học liên thông. Với chương trình được cấp hai bằng song song thì mặt hạn chế là quá nặng đối với người học. Còn chương trình chỉ cấp bằng trung cấp thì người học không được liên thông lên ĐH.

Với chương trình 9+, thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng khi vào học các em biết được sau 2 năm học xong trung cấp có quyền học cao đẳng. Như vậy thay vì việc chỉ bước có 1 bậc thì các em biết ngay có thể bước 2 bậc. Chương trình này được thiết kế liên thông phù hợp với độ tuổi. Lứa tuổi 15 - 16 đào tạo sâu về văn hóa, 17-18 đào tạo sâu vào nghề.

Theo thống kê của ngành giáo dục, năm 2017, có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp THPT nhưng không học ĐH. Như vậy, sẽ rất lãng phí nguồn lực xã hội vì phải mất thêm 3 năm nữa mới lựa chọn học nghề.

Tuy nhiên, điểm nghẽn duy nhất hiện nay đối với chương trình 9+, đó là phân luồng. Theo mục tiêu chính phủ đặt ra, năm 2020, phân luồng sau THCS phải đạt 30% học sinh vào học các trường nghề. Nhưng năm nay, mới chỉ đạt 15%.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ và Thương mại Hà Nội cho biết, với chương trình hiện nay đào tạo trung cấp nghề cho học sinh tốt nghiệp lớp 9 vẫn chưa có nhiều học sinh lựa chọn. Nguyên nhân chủ yếu theo ông Sang đó là do chúng ta vẫn chưa phân luồng thành công. Chính vì vậy, nên mô hình 9+ dù có hay đến đâu mà không phân luồng được thì vẫn sẽ không thu hút được người học. Muốn thế, các bộ quản lý phải có chính sách mạnh tay, bắt buộc phải phân luồng.

Tâm lý người dân vẫn muốn con tiếp tục học THPT. Trong khi đó, chỉ tiêu vào các trường THPT của các tỉnh vẫn rất cao. Chỉ tính riêng Hà Nội, khối các trường công lập chỉ tiêu chiếm 60% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS. Số còn lại được phân bổ cho giáo dục thường xuyên, các trường ngoài công lập và chỉ có một số ít đi học nghề. “Nếu không siết chỉ tiêu các trường THPT thì người học vẫn lựa chọn học tiếp chứ không rẽ sang học nghề” - ông Sang nhấn mạnh.

Hiện nay, học sinh tốt nghiệp THCS có một chứng chỉ học nghề. Tuy nhiên, thực tế, chứng chỉ này chỉ là để làm đẹp hồ sơ và mục đích cao hơn là cộng điểm thi vào lớp 10. Chính vì vậy, việc học nghề thực chất chỉ để tạo công ăn việc làm cho một số trung tâm dạy nghề tại các địa phương. Do đó, Bộ GD&ÐT đã chính thức quy định bỏ cộng điểm khuyến khích học nghề thi vào lớp 10 THPT. Theo đó, bắt đầu từ năm 2019, các Sở GD&ÐT có tổ chức thi tuyển vào lớp 10 sẽ không cộng điểm khuyến khích đối với chứng chỉ nghề.

Theo Nghiêm Huê

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm