Học sinh thi lớp 10 òa khóc giữa cổng trường và những đề thi gây tranh cãi

Hoài Nam

(Dân trí) - Học sinh thi vào lớp 10 ở TPHCM òa khóc vì đề thi môn toán "lạ", đề văn nói về lối sống phông bạt, liên tưởng nghề viết văn với thợ "đóng gạch"... là những đề thi gây tranh cãi nảy lửa năm qua.

Học sinh thi lớp 10 ở TPHCM bật khóc trước đề toán

Ngay sau buổi thi môn toán trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2024 của TPHCM, nhiều thí sinh gục khóc trên vai bạn, vai bố mẹ vì đề toán có những câu "lạ". Nhiều em, kể cả những em là học sinh giỏi cũng không thể hoàn thành bài thi.

Đề toán vào lớp 10 của TPHCM kéo theo những luồng ý kiến trái chiều và cả những tranh cãi nảy lửa. Không chỉ học sinh, phụ huynh, giáo viên mà nhiều chuyên gia cũng quan tâm, bày tỏ ý kiến về đề thi này.

Nhiều ý kiến đánh giá đề thi mang tinh thần đổi mới, có tính vận dụng cao, yêu cầu nhiều năng lực của học trò. Ngược lại, nhiều người cho rằng đề thi không phù hợp, đánh đố học trò.

Học sinh thi lớp 10 òa khóc giữa cổng trường và những đề thi gây tranh cãi - 1

Học trò thi vào lớp 10 năm 2024 ở TPHCM bật khóc ngay sau giờ thi môn toán vì đề "lạ" (Ảnh: Hoài Nam).

Ông Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia của Hệ thống giáo dục Học Mãi bày tỏ quan điểm, đề thi toán vào lớp 10 của TPHCM thiết kế theo hướng "không mẫu mực" giúp đánh giá được năng lực tổng hợp của học sinh, từ kỹ năng đọc - hiểu, khả năng tư duy mô hình hóa tình huống đến giải quyết vấn đề.

Đề không "vứt cho một phương trình rồi giải đi" hay cho một bài toán y như khuôn đúc rồi "thay số vào" - vốn là những tồn tại suốt nhiều năm qua khiến học sinh Việt Nam giải toán ầm ầm nhưng "không giỏi toán". Đề lấy ngữ liệu, bối cảnh rất đa dạng trong cuộc sống, học sinh không học tủ được.

Người này đánh giá đề toán của TPHCM là đề thi tiêu biểu cho tinh thần đổi mới giáo dục.

Trong khi đó, sau khi phân tích chi tiết về đề thi toán lớp 10 của TPHCM, ông Nguyễn Khắc Minh, người thầy từng dẫn dắt nhiều thế hệ học trò Việt Nam dự thi Olympic toán quốc tế cho rằng đề thi này có nhiều vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc.

Theo ông Minh, đề thi quá dài, đặc kín chữ có thể tác động không tích cực tới tâm lý thí sinh; đề chưa đáp ứng được một số yêu cầu tối thiểu, mang tính nguyên tắc đối với một đề thi; nhiều bài toán có yếu tố thực tế trong đề thi gây phản cảm đối với việc ứng dụng toán học vào thực tiễn... 

Về cảnh học trò khóc ngay trước cổng trường thi, ông Minh đồng cảm: "Nếu tôi gặp đề thi này, tôi cũng khóc".

Theo ông học trò sẽ rất thất vọng khi không thể hiện hết được năng lực của mình trong một kỳ thi. Đề thi làm thí sinh đủ không đủ bình tĩnh để làm bài có thể dẫn đến kết quả không như mong muốn nên việc các cháu khóc là bình thường.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, kỳ thi lớp 10 không phải là kỳ thi tốt nghiệp mà là kỳ thi tuyển sinh, mục tiêu để tuyển sinh chứ không phải để đánh giá kiến thức. Tinh thần chung của việc ra đề là cần có sự phân hóa để tuyển được học sinh theo năng lực.

Đề văn về lối sống phông bạt của giới trẻ

Đề văn này cực ngắn chỉ với một câu: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay" là đề thi giữa học kỳ 1 năm học 2024-2025 của một lớp 10 tại Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TPHCM.

Học sinh thi lớp 10 òa khóc giữa cổng trường và những đề thi gây tranh cãi - 2

Đề văn về " lối sống phông bạt" kéo theo nhiều luồng ý kiến tranh cãi (Ảnh: T.L).

Đề thi này làm bùng nổ hai luồng ý kiến, một bên thể hiện sự yêu thích, phấn khích và một bên vô cùng ngạc nhiên, không đồng tình với cách ra đề này.

Nhiều ý kiến bày tỏ đề văn ngắn nhưng hay, thời sự và ấn tượng, mang tinh thần đổi mới để kiểm tra đánh giá theo năng lực, không ràng buộc trong chương trình học.

Chiều ngược lại đưa ra quan điểm, "phông bạt" là một từ lóng, trong chương trình học không nhắc đến thuật ngữ này nên không thể khẳng định học sinh nào cũng hiểu, cũng nắm bắt được xu hướng.

Đề thi trong trường học cần có tính gợi ý nếu đó là một khái niệm xã hội không bắt buộc ai cũng phải biết, không thể mặc nhiên ai cũng hiểu từ "phông bạt" là gì. Và văn học cũng là khoa học, phải có tính chỉn chu, nguyên tắc.

Phía tổ chuyên môn Trường THPT Mạc Đĩnh Chi lý giải, trước đó học sinh đã được hướng dẫn nhận biết yêu cầu của kiểu bài nghị luận xã hội về một vấn đề xã hội; được hướng dẫn thực hành vận dụng các thao tác lập luận trong bài viết phù hợp với thời lượng được yêu cầu.

Về nội dung kiến thức, giáo viên hướng dẫn học sinh nêu được ý nghĩa thực tiễn của các vấn đề xã hội mà các em được định hướng lựa chọn, trong đó có "lối sống phông bạt".

Đề văn vào lớp 10 về nghề đóng gạch

Câu nghị luận trong đề thi lớp 10 môn Văn năm 2024 của Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội gây tranh cãi khi yêu cầu học sinh liên tưởng quá trình sáng tạo tác phẩm văn học của nhà văn với công việc của người đóng gạch.

Đề thi này gây xôn xao trước cách đặt vấn đề thiếu logic và cả thiếu tế nhị. Ngay sau kỳ thi, nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm việc liên tưởng quá trình sáng tạo tác phẩm văn học của nhà văn với công việc người thợ "đóng gạch" vô cùng khập khiễng.

Học sinh thi lớp 10 òa khóc giữa cổng trường và những đề thi gây tranh cãi - 3

Đề văn liên tưởng quá trình sáng tạo tác phẩm văn học của nhà văn với công việc của người đóng gạch (Ảnh: Chụp lại màn hình).

Việc liên tưởng quá trình sáng tạo tác phẩm văn học với việc nhào nặn khéo léo, đóng khuôn để cho ra lò những viên gạch hồng đều tăm tắp theo nhiều ý kiến là cách ví von quá khô khan, máy móc, rập khuôn, không phù hợp và thiếu tế nhị.

Đi cùng đó còn là lo ngại đề thi có thể dẫn đến việc đưa văn trở về với văn mẫu, làm mất cảm xúc của học sinh, nhất là với những em đang muốn theo học chuyên văn.