Đề văn "lối sống phông bạt của giới trẻ": Học sinh có thể từ chối làm bài?

Hoài Nam

(Dân trí) - Trước đề văn kiểm tra giữa kỳ khối 10 tại một trường THPT ở TPHCM về "lối sống phông bạt của giới trẻ", có người đặt ra tình huống học sinh không hiểu từ lóng này liệu có thể từ chối làm bài?

Đề văn kiểm tra giữa kỳ này cực ngắn chỉ đúng một câu: "Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay" của khối 10 một trường THPT ở TPHCM được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.

Hầu hết những chia sẻ đều đánh giá đề văn ngắn nhưng hay, thời sự và ấn tượng. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng đề mang tinh thần đổi mới kiểm tra đánh giá theo năng lực, không ràng buộc trong chương trình học.

Đề văn lối sống phông bạt của giới trẻ: Học sinh có thể từ chối làm bài? - 1

Đề văn "lối sống phông bạt của giới trẻ" kéo theo nhiều tranh cãi trái chiều (Ảnh: CTV).

Trên các diễn đàn, từ đề văn này, nhiều người có cơ hội bày tỏ về "lối sống phông bạt", cụm từ liên tục được nhắc đến thời gian qua xuất phát từ những trường hợp chỉnh sửa biên lai ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt. Ở đó, không ít người thêm nhiều số 0 vào biên lai, ủng hộ một đồng khống lên cả nén, góp vài chục nghìn kê lên hàng trăm triệu đồng…

"Phông bạt" là một từ lóng được viral (lan truyền nhanh) từ sự kiện trên, được  sử dụng nói về cách sống "làm màu", tô vẽ, thiếu trung thực, gian dối.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phấn khích, cũng không ít người bày tỏ sự ngạc nhiên và không đồng tình với cách ra đề này.

Chị Nguyễn Ngọc Hoa, ở thành phố Thủ Đức, TPHCM, cho biết không phải đứa trẻ nào cũng sử dụng điện thoại, mạng xã hội. "Phông bạt" là một từ lóng, trong chương trình học không nhắc đến thuật ngữ này nên không thể khẳng định học sinh nào cũng hiểu, cũng nắm bắt được xu hướng.

Như bản thân chị, dù lên mạng thường xuyên nhưng cũng chỉ cách đây  vài tuần chị mới nghe đến từ "phông bạt". Và chị cũng không để tâm đến vấn đề này hay ý nghĩa của từ này.

Theo chị, trong trường hợp này, học sinh không hiểu hoặc mơ hồ về từ lóng này là hoàn toàn bình thường. Trường hợp học sinh không hiểu, không làm được bài thì lỗi ở ai?

Người mẹ không phủ nhận, từ ngữ mới luôn xuất hiện theo thời gian, theo bối cảnh. Trên thực tế có không ít từ lóng đã trở thành thuật ngữ được sử dụng chính thống.

Tuy nhiên, khi từ "phông bạt" vẫn chỉ là một từ lóng được dân mạng sử dụng và nếu đưa vào đề thi, chị Hoa nêu ý kiến cần có thêm phần chú thích, lý giải.

Cùng quan điểm này, chị Trương Bảo Châu, có con học phổ thông tại TPHCM cho rằng, "phông bạt" là một từ văn nói, lẽ ra đề nên có tính gợi ý, chú giải, giải thích thêm.

"Bình luận về lối sống đó lúc này thì khá hay nhưng đề thi không thể mặc nhiên ai cũng phải hiểu được từ phông bạt là gì, đề thi trong trường học cần có tính gợi ý nếu đó là một khái niệm xã hội không bắt buộc ai cũng phải biết.

Vấn đề đặt ra hay nhưng cách để học sinh phổ thông tiếp cận khái niệm của đề theo tôi là không chuẩn", chị Châu bày tỏ.

Chị Châu nêu quan điểm, văn học cũng là khoa học, phải có tính chỉn chu của nó chứ đây không phải là cuộc thi năng khiếu, ai có năng khiếu thì thi.

Còn về ý kiến đề thi đánh giá được năng lực của học trò, không chỉ trong khuôn khổ chương trình học, chị Trương Bảo Châu cho hay, đây là đề thi phổ thông, thậm chí còn có cả học sinh chậm tiến, không thể đánh giá năng lực một cách mơ hồ. Đặc biệt là những vấn đề theo trend (xu hướng) là thứ không bắt buộc tất cả mọi người phải biết.

Là người mẹ theo sát việc học của con, chị Châu chia sẻ, trong chương trình văn cấp 3 nó có hẳn nội dung về phương thức biểu đạt rõ ràng, sáng tỏ, có nghĩa là làm sao để biểu đạt rõ ràng và hiểu đúng ý.

Mặc nhiên ai cũng phải biết quan niệm "phông bạt" là gì thì đề thi mắc lỗi biểu đạt không rõ ràng.

Về đề thi này, cô Lê Ngọc Yến, giáo viên dạy văn ở TPHCM, đánh giá đề thi đưa ra vấn đề hay, mang tính thời sự, không đánh đố học sinh.

Tuy nhiên, theo cô Yến, nghị luận là đưa vấn đề ra bàn luận theo cách hiểu, góc nhìn của mình. Học sinh liệu có thể nêu ý kiến các em không hiểu nghĩa về từ "phông bạt" và từ chối làm bài. Trong trường hợp này ý kiến của các em có được chấp nhận và sẽ được cho điểm như thế nào?

Đề văn lối sống phông bạt của giới trẻ: Học sinh có thể từ chối làm bài? - 2

Học sinh ở TPHCM trong chương trình học văn thông qua trải nghiệm thực tế (Ảnh: H.T).

"Tôi nghĩ hầu hết các em đều hiểu nghĩa của từ "phông bạt" thôi nhưng cũng có thể có học sinh không hiểu, không nắm bắt trào lưu hoặc có em tỏ ra không hiểu. Học sinh không hiểu trong trường hợp này không phải là lỗi của các em về mặt học thuật", cô Yến nói.

Cô Yến cũng đặt ra vấn đề, đề thi trong giới hạn ở trường học, có thể ở lớp, thầy cô đã trao đổi, giải nghĩa về từ lóng này. Nhưng nếu là một đề thi độc lập thì cách thể hiện của đề không rõ nghĩa.

Ngoài ra, cô Yến phân tích cách thể hiện nội dung đề văn trên có sự áp đặt và nhận định về một thế hệ khi nói "lối phông bạt của giới trẻ". Học sinh hoàn toàn có thể phản biện lại nhận định này, cũng như bàn luận về việc không chỉ người trẻ mới "phông bạt".

Cô Lê Ngọc Yến cho rằng, đề thi mở là một chuyện, quan trọng hơn là đáp án có đủ độ mở, đủ độ đa chiều để tiếp nhận các ý kiến, góc nhìn của học sinh.