Học sinh phải đóng 800.000 đồng để biểu diễn văn nghệ, nhà trường lên tiếng

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Đại diện Trường THPT Thăng Long (Hà Nội) cho biết đã làm việc với ban đại diện cha mẹ phụ huynh các lớp yêu cầu không vận động tài trợ bằng hình thức ra mức thu quy định.

Một số phụ huynh Trường THPT Thăng Long phản ánh việc học sinh của 2 lớp 11 phải đóng 800.000 đồng để biểu diễn chương trình văn nghệ tại trường.

Theo nội dung tin nhắn mà phụ huynh cung cấp, ban phụ huynh lớp đã thuê biên đạo cùng ban cán sự lớp lên chương trình. Để có kinh phí thực hiện, ban phụ huynh đề xuất đóng 800.000 đồng/học sinh.

"Ban phụ huynh chúng tôi rất mong sự đồng lòng và đồng hành của cha mẹ phụ huynh trong sự kiện lớn của các con.

Ngoài đóng theo quy định là 800.000 đồng, Ban phụ huynh xin kêu gọi các mạnh thường quân có thể đóng nhiều hơn để ủng hộ thêm kinh phí cho các hoạt động thuê phòng tập, chuẩn bị nước uống... cho các con", tin nhắn viết.

Trước đó, vào đầu năm học, phụ huynh của lớp đã đóng 3 triệu đồng/học sinh để phục vụ cho các hoạt động trong năm của các con ở trường. Do đó, phụ huynh cho rằng việc đóng góp như trên là quá tốn kém cho một chương trình văn nghệ cấp trường.

Chương trình văn nghệ này được tổ chức theo hình thức một liveshow với thời lượng 45 phút vào đầu tháng 2/2025.

Theo truyền thống của trường THPT Thăng Long, các chương trình văn nghệ hàng tháng do học sinh tự tổ chức. Mỗi liveshow do 1 đến 2 lớp phối hợp, học sinh tự lên ý tưởng, kịch bản, trình diễn. Thầy cô chỉ đóng vai trò hỗ trợ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Trường THPT Thăng Long cho biết: "Từ đầu năm học, trong các nội dung làm việc với phụ huynh, nhà trường chủ trương: chương trình văn nghệ các lớp cần thực hiện theo đúng mục đích là tạo cơ hội kết nối cho học sinh cả lớp, tạo cơ hội cho mọi học sinh được thể hiện khả năng, sở trường và quán triệt tinh thần tiết kiệm, thực chất, phát huy tối đa năng lực của học sinh.

Nhà trường đã thống nhất trong các cuộc họp cha mẹ phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm: Hoạt động biểu diễn văn nghệ của các lớp cần thực hiện trên tinh thần tiết kiệm, đi vào thực chất, học sinh tự biên tập, biên kịch và sáng tạo, tránh nhờ biên đạo biên kịch, tránh việc thuê trang phục cầu kì, khuyến khích học sinh mặc đồng phục của nhà trường để biểu diễn".

Khi nhận được thông tin phản ánh, trường đã làm việc với các lớp đề nghị hội ban đại diện cha mẹ học sinh nếu thực hiện vận động tài trợ thì cần phải trên tinh thần tự nguyện, không đưa ra mức thu. Cá nhân, tổ chức nào tài trợ bao nhiêu là do nguyện vọng.

Trước đó, sự việc tương tự xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, TPHCM. Ban phụ huynh một lớp dự chi 21 triệu đồng cho tiết mục văn nghệ chào mừng ngày 20/11, gây ra phản ứng trong nội bộ lớp.

Nhà trường sau đó yêu cầu ban phụ huynh lớp dừng việc đóng góp này.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cô V.P.C, giáo viên âm nhạc tại một trường liên cấp tại Hà Nội, cho biết, kể từ khi nghệ thuật được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới như một cấu thành quan trọng của giáo dục toàn diện, văn nghệ học đường cũng phải thay đổi theo để thực sự  gánh vác trọng trách giáo dục thẩm mỹ cho học sinh. 

Nhiều nhà trường đổi mới phương pháp dạy và học cũng lấy nghệ thuật làm công cụ để truyền tải các nội dung kiến thức, đặc biệt là với nội dung giáo dục liên môn. 

"Các yếu tố nêu trên đã tác động vào "chất" và "lượng" của văn nghệ học đường, khiến cho hoạt động này trở nên chuyên nghiệp hơn. Muốn chuyên nghiệp thì phải có kinh phí. Phần lớn các nhà trường đều cần tới sự chung tay hỗ trợ từ phụ huynh để xã hội hóa hoạt động văn nghệ", nữ giáo viên chia sẻ.