Học sinh lớp 12 tranh luận: Chọn trường đại học "top" hay bình thường?
(Dân trí) - "Mình nghĩ không nên "sống chết" thi bằng được vào trường "top", tiêu chí chọn trường, chọn ngành nên chú ý đến tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp..."
Đó là chia sẻ của nhiều học sinh lớp 12 trước ngưỡng cửa xét tuyển đại học năm nay.
Danh tiếng trường top thu hút nhà tuyển dụng hơn?
Dưới sự tác động của cuộc cách mạng 4.0, cuộc sống của con người chịu tác động lớn từ các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đây cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sự lựa chọn công việc, ngành nghề của các bạn học sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày một tới gần, Ngô Hà Anh, học sinh lớp 12A1 trường THPT Kim Liên (Hà Nội) cho biết, ngành Kinh tế đối ngoại của trường Đại học Ngoại thương là lựa chọn hàng đầu vì danh tiếng của trường sẽ là ưu thế khi xin việc.
Nguyễn Duy Hoài Phong (học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Giấy) cho rằng, học trong một ngôi trường hàng "top" sẽ giúp bản thân sinh viên được sinh hoạt trong môi trường nhiều tiềm năng, được giao lưu với nhiều người tài giỏi từ đó thúc đẩy bản thân trở nên cố gắng hơn. "Trường top hội tụ nhiều điều kiện tốt để hỗ trợ sinh viên hơn, ngay cả các hoạt động cấp câu lạc bộ cũng chuyên nghiệp và bài bản hơn."
Về vấn đề việc làm sau khi ra trường, Hoài Phong nhận định rằng phần lớn phụ thuộc vào năng lực của bản thân và việc sở hữu bằng "trường top" là một điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng.
Dù không đọ lại danh tiếng với "trường top", một số trường đại học tầm trung ghi điểm trong mắt sinh viên bởi học phí hợp lý và đội ngũ giáo viên trẻ nhiệt huyết. "Theo mình tìm hiểu, học phí của các trường top đầu như Kinh tế quốc dân, Ngoại thương hay Bách khoa đều khá "chát". Với nhiều gia đình không mấy khá giả, mức học phí này thực sự rất lớn. Bên cạnh đó, mình cho rằng đại học tầm trung có nhiều giáo viên trẻ, dù không có nhiều kinh nghiệm nhưng đổi lại họ rất nhiệt tình và tâm huyết với sinh viên, đồng thời cũng nhanh nhạy trong việc nắm bắt các thay đổi mới, giúp hỗ trợ sinh viên trong học tập", Vũ Thu Trang, học sinh lớp 12A13, trường THPT Quốc Oai chia sẻ.
Học sinh lớp 12 Nguyễn Thị Loan (Hà Nội) bày tỏ vào "trường top" là điều ai cũng mong muốn nhưng đó không phải lựa chọn duy nhất. Với Loan, "một trường đại học tầm trung, có cơ sở vật chất hiện đại, hoạt động phong trào sôi nổi, chương trình đào tạo sát thực tiễn mới là lựa chọn đúng đắn".
Đồng ý với quan điểm này, bạn Nguyễn Văn Tuyến (học sinh lớp 12) bổ sung: "Mình nghĩ không nên "sống chết" thi bằng được vào trường top, tiêu chí chọn trường, chọn ngành nên chú ý đến tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Đây là yếu tố phản ánh chất lượng đào tạo của trường học một cách chân thực và khách quan nhất".
Bạn Nguyễn Linh Ngọc, học sinh lớp 12A7 trường THPT Kim Liên (Hà Nội) nghĩ rằng việc học quan trọng nhất là từ nhu cầu của bản thân người học, tốt nhất nên tự nhận thức được sức học của bản thân bởi trường top hay trường thường đều tốt nếu nó phù hợp với bản thân.
"Trước khi đặt nguyện vọng mình sẽ lọc ra các trường mà mình thích rồi xin ý kiến của thầy cô, bạn bè và gia đình cũng như tự đánh giá năng lực của bản thân. Nếu mình nhận được kết quả khả quan về sức học, mình sẽ chọn các trường top. Nếu không, mình sẽ đặt nguyện vọng ở các trường thấp hơn", Linh Ngọc chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, những quan điểm trên hiện nay không còn nằm ở vị trí tiên quyết. Thay vào đó, việc lựa chọn đúng ngành, đúng trường để tránh tình trạng thất nghiệp mới thực sự được quan tâm.
Thấp thỏm chờ đợi
Với mỗi học sinh lớp 12, thời điểm trước kỳ thi luôn là một trong những giai đoạn áp lực nặng nề nhất. Không chỉ phải tính toán, cân nhắc cho việc điền nguyện vọng, với lứa học sinh 2004 năm nay, dịch bệnh cùng áp lực từ việc học online khiến tâm trạng nhiều bạn học sinh thấp thỏm không yên.
Theo Hà Anh việc phải học online xuyên suốt một thời gian dài, đặc biệt là đối với những học sinh cuối cấp là một thiệt thòi rất lớn: "Thành thật mà nói, học trực tuyến dẫn đến có rất nhiều "cám dỗ" và nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của mình. Cùng đó việc học trực tuyến còn khá nhiều bất cập, nên chúng mình phải dành nhiều thời gian hơn để tự học, bù đắp vào những kiến thức chưa hiểu, chưa chắc."
Do dịch bệnh, học trực tuyến là điều khó tránh khỏi. Dù thầy cô đã rất cố gắng nhưng chất lượng giảng dạy vẫn không thể so được với học trực tiếp. Lựa chọn khối H00 của trường đại học Kiến trúc Hà Nội, Nguyễn Thị Loan gặp rất nhiều trở ngại với bộ môn năng khiếu. Đặc biệt, bố cục trang trí màu là nỗi ám ảnh của Loan và nhiều học sinh khác. "Vì học online, chúng mình thường chụp ảnh bài tập sau đó gửi cho thầy. Thông qua ảnh, chất lượng màu sắc không được nguyên vẹn nên rất khó để thầy trò mình trao đổi, chỉnh sửa."
Tuyển sinh năm 2022, nhiều trường đại học đã thông báo giữ ổn định phương thức tuyển sinh như năm 2021. Với Hà Anh, việc lựa chọn trường Đại học Ngoại Thương (Hà Nội) thực sự là một thử thách mang tính bước ngoặt của bản thân: "Đây là ngôi trường với điểm chuẩn cao hàng đầu cùng tỉ lệ "chọi" vô cùng lớn. Hiện tại, trường Đại học Ngoại Thương mới công bố đề án tuyển sinh dự kiến, trong đó việc giữ nguyên đề án xét tuyển đồng thời tăng chỉ tiêu tuyển sinh giúp mình an tâm hơn."
Cô bạn này cho rằng việc trường giữ nguyên phương thức tuyển sinh và dành một tỉ lệ nhất định cho các phương thức liên quan đến học bạ là rất hợp lý và đảm bảo được sức khỏe cho thí sinh khi tình hình dịch bệnh tại Hà Nội ngày càng phức tạp.
"Những thay đổi trong giai đoạn nước rút sẽ tạo ra tâm lý lo lắng, hoang mang cho cả phụ huynh lẫn học sinh. Các thí sinh đều dựa vào đề án của những năm trước mà đưa ra một lộ trình, chiến lược ôn thi phù hợp. Vậy nên nếu các trường đột ngột thay đổi có thể khiến học sinh rơi vào thế bị động, phải ôn cấp tốc, ôn tủ…" Hà Anh nói.
Trái ngược với sự "an tâm" của Hà Anh, Nguyễn Thị Loan và Nguyễn Văn Tuyến tỏ ra lo lắng nếu trường giữ nguyên đề án tuyển sinh của năm trước. Năm 2021, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức thi năng khiếu theo hướng thi trực tuyến, khiến nhiều thí sinh lo ngại về tính công bằng, minh bạch của kỳ thi.
"Dù biết mục đích chính của hình thức thi online là bảo đảm sức khỏe cho thí sinh và cán bộ coi thi. Nhưng khi chứng kiến cảnh anh chị khóa trước "khóc thét" vì kết quả thi khiến mình thực sự lo lắng". Nguyễn Thị Loan cho biết.
Theo bạn Nguyễn Văn Tuyến: "Việc thi online không bảo đảm tính khách quan, chưa đánh giá đúng được năng lực của thí sinh. Vì thế cho nên, mình mong rằng năm nay, trường đại học Kiến trúc Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi năng khiếu theo hình thức trực tiếp để bảo đảm công bằng đối với tất cả thí sinh".
Đến nay, trường đại học Kiến trúc Hà Nội vẫn chưa công bố đề án tuyển sinh năm 2022 khiến nhiều học sinh thấp thỏm, lo lắng.
Xét tuyển học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ giúp học sinh dễ thở hơn?
Ngoài những ý kiến về phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, việc tuyển sinh qua hình thức xét tuyển học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh. Trong những năm gần đây, các chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng trong việc tuyển sinh không còn quá lạ lẫm.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng hình thức này "không công bằng". Bởi lẽ, thứ nhất không phải học sinh nào cũng có cơ hội, khả năng hay điều kiện học IELTS hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ tương đương. Thứ hai, điểm học bạ của học sinh có thể không phản ánh chính xác thực lực của một học sinh và có phần thiệt thòi cho các bạn học sinh đang nỗ lực trong thời gian chạy nước rút.
Trao đổi với PV về vấn đề này, học sinh Hà Anh cho biết các chứng chỉ này được sử dụng kèm theo các điều kiện khác như học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT nên phương thức này đánh giá tương đối đúng và khách quan về năng lực của thí sinh.
"Dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS để tuyển sinh là phù hợp vì mỗi cơ sở giáo dục đều mong muốn nâng cao chất lượng ngoại ngữ của sinh viên, góp phần vào quá trình hội nhập toàn cầu. Vậy nên các trường đại học hoàn toàn có quyền chọn ra những sinh viên có điều kiện tốt nhất. Còn về vấn đề học bạ, việc vừa đảm bảo có học bạ đẹp vừa ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi IELTS cùng lúc là điều không hề dễ dàng. Nói phương thức này không công bằng là chưa thỏa đáng", Hà Anh cho biết.
Cùng chung quan điểm trên, học sinh Nguyễn Thị Loan hoàn toàn đồng ý với hình thức xét tuyển bằng học bạ và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Dù không hoàn toàn tránh khỏi việc "tô hồng" hay "chạy theo thành tích" nhưng phương thức xét tuyển này giúp các học sinh dễ thở hơn khi có thể "gỡ gạc" nếu điểm thi không đạt như mong muốn.
"Không có sự công bằng nào là tuyệt đối. Thay vì gần thi mới bắt đầu nhồi nhét kiến thức, các bạn học sinh đã lên kế hoạch học tập và phấn đấu suốt 3 năm. Đây thực sự không phải một sớm một chiều mà có được, do đó mình hoàn toàn ủng hộ việc tuyển sinh đại học bằng phương thức xét học bạ" - Loan chia sẻ.