Học sinh lớp 1,2 học online: Nếu không hiệu quả, nên cho nghỉ
(Dân trí) - Sở GD&ĐT Hải Phòng vừa quyết định dừng việc dạy học trực tuyến với khối lớp 1, 2 vì không hiệu quả. Một số chuyên gia cho rằng, nếu không hiệu quả, nên bỏ việc dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1,2.
Cô gọi, học sinh chui vào gầm bàn trốn
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục- ĐHQG Hà Nội) cho biết hoàn toàn ủng hộ việc học sinh nghỉ học để chống dịch nhưng không thể phủ nhận, việc học online vẫn còn rất nhiều bất cập.
Anh cho biết, con mình năm nay học lớp 1. Đợt dịch vừa rồi con phải ở nhà học online để phòng chống dịch theo quy định. Do con còn quá nhỏ, việc học nhiều khi không tập trung.
"Tôi khá bất ngờ khi có lần con đang ngồi học, cô giáo gọi tên yêu cầu trả lời câu hỏi. Vấn đề là con không nghe rõ câu hỏi của cô vì đường truyền trục trặc.
Khi cô nhắc lại, con nghe được thì sợ quá, chui tọt xuống gầm bàn trốn luôn. Tôi vừa buồn cười, vừa thương con.
Không hiểu ở các gia đình khác, những học sinh bé học trực tuyến ra sao, nhưng lấy ví dụ của con mình, tôi thấy các cháu lớp 1,2 rất khó tập trung, thậm chí có cả chuyện cả chui vào gầm bàn trốn.
Đặc biệt, với những bạn có tốc độ chậm, toàn bị các bạn khác "tranh" bởi vì cô chỉ có thời gian đặt câu hỏi cho mỗi học sinh khoảng 5 giây.
Nếu em đó không trả lời được, cô phải gọi bạn khác vì thời gian không cho phép", PGS Thành Nam chia sẻ.
Chị Thu Hương (quận Hoàng Mai) năm nay có con học tiểu học. Cơ quan chị vẫn phải đi làm nên hàng ngày, hai chị em ở nhà vừa trông nhau vừa học online.
Thời gia đầu, lớp con học qua zoom, cứ khoảng 10 phút máy out ra, con lại gọi mẹ vì không vào được.
Sau đó, để ổn định hơn, nhà trường thay đổi cách thức học qua phần mềm khác. Có hôm con vào được nhưng điều chỉnh mọi thứ vẫn không nghe được tiếng cô giảng bài vậy là mất tiết học hôm đó.
"Tôi nghĩ nếu không hiệu quả thì nên cho dừng. Đồng thời nhà trường thay đổi cách đánh giá vào cuối kì.
Nói chung khi học online với học sinh lớp 1 chẳng hạn, cả mẹ con đều bấn loạn vì các con quá bé, chưa biết cách xử lý, kéo theo việc học chỉ "cưỡi ngựa xem hoa", chị Hương nói.
Phụ huynh này cũng cho hay, ngoài việc "bấn loạn" với công nghệ, học sinh còn thiếu tập trung.
Lúc chạy ra uống nước, lúc ăn vặt tóp tép ngay cả trong khi học bài bởi mỗi buổi học kéo dài cả tiếng đồng hồ, các con rất mỏi mệt.
Làm sao giải tỏa áp lực?
Có thể nói việc học trực tuyến trong bối cảnh hiện tại là cần thiết. Tuy nhiên, cần có cách thức khả thi để giải tỏa bớt áp lực cho học sinh.
Theo PGS Trần Thành Nam, để tiếp tục với việc học trực tuyến, cha mẹ cần tìm hiểu phong cách học tập của con.
Theo đó, trẻ cũng cần hiểu về cách thức tiếp thu hiệu quả hơn qua kênh hình hay kênh tiếng, điểm mạnh và điểm yếu trong phản xạ để lập kế hoạch học tập trực tuyến.
Phụ huynh cần nhận diện sớm các dấu hiệu mất cân bằng thời gian dành cho màn hình và các hoạt động thể chất khác của các con.
Hạn chế cho con tiếp xúc với thiết bị điện tử, trò chơi, youtube hoặc tivi ngoài giờ học trực tuyến một cách hợp lý.
Cài đặt chế độ (giảm sáng, dán màn hình...) để hạn chế ánh sáng xanh của màn hình có hại cho mắt.
Giúp con thiết lập một không gian học tập riêng và cố định để tạo sự liên kết giữa không gian và hoạt động học tập.
Có quy định để các thành viên không được xâm phạm không gian này khi con học. Bố trí đầy đủ thiết bị và tiện nghi vào đó.
Đồng thời, đặt ra quy tắc, bắt đầu một buổi học trực tuyến bằng một hoạt động nhẹ nhàng bên ngoài với thiên nhiên, đơn giản như đi dạo một vòng ở sân, vườn nơi có không gian xanh, ngồi trên ban công mở cửa sổ đón không khí trong lành…
Chuyên gia này nhấn mạnh phải cho trẻ có không gian riêng khi học trực tuyến, tránh bị làm ồn bởi những thành viên khác trong gia đình để trẻ không phân tán tư tưởng.
Tuy nhiên, việc cho trẻ một không gian riêng nhưng phải quản lý để trẻ không tự ý sa đà vào xem các thông tin không cần thiết trên mạng Internet.
Đối với giáo viên, cần thiết phải có các video bài giảng để tăng mức độ thu hút. Các trường nên chia thành Tổ bộ môn, ngồi biên soạn bài giảng dùng chung cho các lớp.
Trước đó, chiều 21/2, Sở GD&ĐT TP Hải Phòng cho biết, qua khảo sát thực tế, Sở nhận thấy việc học trực tuyến với HS khối lớp 1, 2 không ổn.
Các con còn quá nhỏ để tự lập với thiết bị học, phụ huynh phải mất thời gian hỗ trợ, hiệu quả dạy không cao.