Học sinh đánh bạn dã man: Xu hướng "thích làm đại ca"

Theo PGS Văn Như Cương, ngày nay, một số học sinh có xu hướng thích làm anh, làm chị, làm đại ca, nổi đình nổi đám.

Mới đây, một đoạn clip được đăng tải trên mạng cho thấy, một nữ sinh trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Trà Vinh) bị nhóm học sinh (phần đông là nữ) đánh đập dã man. Ngay khi clip này được đăng tải, rất nhiều người tỏ ra bất bình vì hành động vô tình của nhóm học sinh này.

 

Không hiếm

 

TS.Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, học sinh đánh nhau trong lớp là hiện tượng không mới, không hiếm. Điều “lạ” trong sự việc này là không ai can ngăn nhóm học sinh đánh nhau mà thay vào đó là sự thích thú quay clip.

 

Ông cho rằng, người quay clip cũng phải chịu trách nhiệm vì trong giáo dục không khuyến khích, không ủng hộ lan truyền gương xấu. Ngược lại, các trường phải có hòm thư riêng để tiếp nhận phản ánh của học sinh.
 
Nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng (Hình ảnh cắt ra từ clip)
Nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng (Hình ảnh cắt ra từ clip)

 

Theo Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, sự việc này xảy ra do hiệu quả giáo dục chưa cao. Nhà trường chưa tạo cho học sinh giá trị tôn trọng, khoan dung. Học sinh chưa có kỹ năng giao tiếp ứng xử, giải quyết xung đột là thiếu sót của người lớn.

 

TS.Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, không nên đuổi học những học sinh đánh hội đồng mà thay vào đó nhà trường phải giáo dục, có chế tài phạt hành chính, giúp các em chịu trách nhiệm về hành vi. Trong sự việc này, gia đình liên đới phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, các thầy cô giáo cũng phải chịu trách nhiệm.

 

Đồng quan điểm, TS.Vũ Thu Hương, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, hậu quả của hành động đánh hội đồng nữ sinh là lỗi của người lớn.

 

Bà lý giải, trẻ con đi học bây giờ không “nể” thầy cô vì phụ huynh can thiệp quá nhiều vào nhà trường. Ngày xưa học sinh rất sợ thầy cô vì bố mẹ chỉ tiếp xúc với thầy cô qua sổ liên lạc, họp phụ huynh.

 

Bên cạnh đó, ngày nay, phim ảnh nhiều, tạo môi trường khiến học sinh giải quyết mâu thuẫn cũng bạo lực.

 

“Đi ra đường, các cháu nhìn thấy vụ những vụ va chạm thì đánh nhau trong lớp cũng là chuyện bình thường”, bà Hương nói.

 

Theo TS. Vũ Thu Hương, các trường học nên mở lớp giáo dục giới tính, giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. Bên cạnh đó, thi lên cấp nên cho trẻ thi môn giáo dục công dân. Bởi hiện tại, đây bị coi là môn phụ nên nhiều em lơ là, không trân trọng tư cách đạo đức.

 

“Nếu Bộ GD-ĐT yêu cầu thi môn Toán, Văn, Đạo đức, ít nhất sẽ giảm được bạo lực trong học đường”, TS. Vũ Thu Hương bày tỏ.

 

Cũng theo nữ tiến sỹ này, không nên đuổi học nhóm học sinh đánhbạn. Nhà trường phải chỉ ra cho trẻ thấy phải có trách nhiệm với hành vi sai trái. Nếu phạt, nhà trường phải tôn trọng tuyệt đối, không nêu gương toàn trường mà có hình thức khác đơn giản, tạo dấu ấn.

 
Nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng (Hình ảnh cắt ra từ clip)
TS.Vũ Thu Hương, giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, hậu quả của hành động đánh hội đồng nữ sinh là lỗi của người lớn.
 

Muốn nổi đình, nổi đám trong lớp

 

PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường DL Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói: “Tôi đã xem clip và rất căm phẫn, bức xúc, ngạc nhiên vì hành động đánh hội đồng của nhóm nữ sinh. Chúng mới là những đứa trẻ hơn 10 tuổi mà đã hùng hổ, dã man như thế là điều khó hiểu”.

 

Theo ông, đánh nhau hội đồng trong lớp học bắt đầu le lói cách đây 5-7 năm. Công nghệ thông tin phát triển, học sinh sớm tiếp cận và học theo những hành động bạo lực.

 

Ông Cương cũng tỏ ra “khó hiểu” về vụ việc này. Bởi, sự việc đã xảy ra hơn 2 tháng mà nhà trường không hay biết.

 

“Một lớp học nguyên vẹn như thế, không ai can thiệp, không ai báo cáo, trường lại ỉm đi. Hơn nữa, sự việc xảy ra hơn 2 tháng mà phòng giáo dục vẫn đang xem xét là điều vô lý. Nhà trường và phòng giáo dục hoàn toàn vô trách nhiệm”, PGS Văn Như Cương bức xúc.

 

Ông cho rằng, sự việc này, ban giám hiệu nói không biết chứng tỏ không ổn về cách quản lý học sinh. Nhà trường giáo dục học sinh không ổn. Nhà trường bịt miệng hoặc ém nhẹm thông tin là điều rất nguy hiểm.

 

Theo ông Cương, kỷ luật là hình thức giáo dục học sinh tốt nhất trong trường học.

 

“Nếu là lãnh đạo nhà trường, tôi sẽ phát clip đó cho học sinh xem và bình luận. Ngoài ra, tôi sẽ mở các buổi ngoại khóa ở từng lớp, yêu cầu học sinh phân tích cái đúng, cái sai”, Hiệu trưởng trường DL Lương Thế Vinh nói.

 

PGS Văn Như Cương cho biết, từ xưa đến nay học sinh rất hiếu động. Đánh nhau, vật nhau, xô nhau ngã là chuyện bình thường nhưng đặc tính của những năm trước, đánh nhau xong là thôi, không có sự thù hằn, kết bè nhóm, đánh hội đồng.

 

Ngày nay, một số học sinh có xu hướng thích làm anh, làm chị, làm đại ca, nổi đình nổi đám ở trong trường lớp. Nếu không học giỏi thì ăn mặc đẹp, đầu tóc kiểu cách, ức hiếp người khác, ra oai mang tính chất “đại gia”.

 

“Nếu học sinh ở trường đánh nhau, chúng tôi sẽ buộc thôi học, chuyển những học sinh này sang trường khác”, PGS Văn Như Cương nói.

 

Theo Diệu Thu

Dân Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm