Học sinh Đà Nẵng tưởng niệm 100 năm ngày mất chí sĩ Thái Phiên
(Dân trí) - Ngày 16/5, tại trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng), Sở GD-ĐT Đà Nẵng cùng thầy và trò nhà trường tổ chức lễ tưởng niệm 100 năm ngày mất chí sĩ Thái Phiên (17/5/1916-17/5/2016) - nhà chí sĩ yêu nước mà ngôi trường vinh dự mang tên.
Tại buổi lễ, thầy và trò trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) đã cùng nhau ôn lại lịch sử gắn liền với nhà chí sĩ yêu nước mà ngôi trường vinh dự mang tên.
Thái Phiên (1882-1916) quê tại làng Nghi An, xã Hòa Phát, Hòa Vang, Quảng Nam (nay là phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng). Ông có thời gian ở Bình Định vừa làm nghề dạy học vừa tham gia hoạt động cách mạng, tham gia khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Năm 1904, ông tham gia phong trào Đông Du. Năm 1908, tham gia phong trào Duy Tân. Từ năm 1913, ông là một trong những lãnh đạo của Việt Nam Quang Phục hội ở miền Nam Trung kỳ.
Việc Trường THPT Thái Phiên nằm trên đường Trần Cao Vân (Đà Nẵng) có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc. Bởi hai nhà chí sĩ yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân cùng chung một ngày hy sinh vì đại nghĩa. Ngày 17/5/1916, hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân cùng bị giặc Pháp xử chém, chôn lấp chung một hố khi hai ông cùng vua Duy Tân lên kế hoạch khởi nghĩa, lật đổ thực dân Pháp nhưng không thành. Về sau, vào năm 1925, cả hai nhà chí sĩ được đưa về chôn cất, an nghỉ chung trong khu lăng mộ trên đồi Từ Hiếu ở Thừa Thiên - Huế.
Nhạc phẩm “Hành khúc trường Thái Phiên” có dòng ca từ “Đường Trần Cao Vân ríu rít sớm chiều. Dòng lịch sử rạng danh Thái Phiên anh hùng” chính là nói lên ý nghĩa lịch sử, nhân văn gắn liền với tinh thần cách mạng của hai nhà chí sĩ yêu nước cùng chung chí hướng. Câu chuyện lịch sử về nhà chí sĩ yêu nước mà trường THPT Thái Phiên vinh dự mang tên là niềm tự hào, và cũng là tấm gương yêu nước để lớp lớp học trò noi theo.
Khánh Hiền