Học sinh “chê” ban Khoa học xã hội
(Dân trí) - Nội dung học quá nhiều lý thuyết, ít thực hành, xa rời cấu trúc đề thi Đại học là những lý do khiến tỷ lệ học sinh lựa chọn ban Khoa học Xã hội Nhân văn ở bậc THPT giảm dần theo các năm học.
Năm học 2009-2010, trường THPT Nhân Chính, Hà Nội tuyển sinh 12 lớp 10 thì có đến 10 lớp, học sinh chọn ban Cơ bản, 2 lớp ban Khoa học tự nhiên và không có học sinh nào chọn ban Khoa học Xã hội nhân văn (KHXHNV).
Ông Nguyễn Hoàng Kim, Hiệu trưởng trường cho biết: Phần lớn học sinh chọn học ban Cơ bản đều vì mục đích thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH sau này. Học ban Cơ bản, các em có thể lựa chọn dự thi vào các trường ĐH, CĐ khối A (nếu học Cơ bản A) hoặc khối D (Cơ bản D), mà thực tế thì các trường tuyển sinh khối A, D chiếm số lượng lớn trong tổng số các trường ĐH, CĐ trên cả nước.
Tất nhiên, sự lựa chọn này hoàn toàn xuất phát từ nguyện vọng của bản thân học sinh, nhà trường không có bất kỳ sự sắp xếp nào.
Các trường THPT ở Hà Nội như Trung Văn, Nguyễn Gia Thiều... cũng trong tình trạng thiếu học sinh đăng ký vào ban KHXHNV.
Tại TPHCM, từ năm thứ hai triển khai chương trình phân ban đã xuất hiện việc nhiều trường không có học sinh chọn ban KHXHNV. Chính vì vậy, nhiều trường đã xóa sổ ban này từ năm học trước.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số học sinh học ban KHXHNV trên cả nước giảm dần theo các năm. Năm học 2006-2007 có 6,41% học sinh chọn ban KHXHNV nhưng đến năm học 2008-2009, tỉ lệ chọn ban này chỉ còn 2%.
Các nhà khoa học và quản lý giáo dục cho rằng nội dung sách giáo khoa của các môn học phân ban quá nặng, nhiều lý thuyết, ít thực hành, không phù hợp với cấu trúc đề thi ĐH, CĐ hiện nay nhưng để giảm tải thì cần có thời gian.
Lựa chọn học ban nào là quyền tự quyết của mỗi học sinh và chính nhu cầu này đã khiến một số ban không có học sinh theo học. Có lẽ, đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT nên xem xét lại vấn đề phân ban và cần xác định mục tiêu của phân ban là gì?
Hồng Hạnh