Đắk Nông:
Học sinh ăn cơm trắng với muối ớt nhận hàng trăm suất quà
(Dân trí) - Nhằm động viên tinh thần cho học sinh vùng cao trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Đắk R’măng, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông), báo Dân trí đã phối hợp với nhiều tổ chức, cá nhân trao tặng những phần quà thiết thực.
Ngày 26/3, báo Dân trí và Công ty Mobifone Đắk Nông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM đã phối hợp tổ chức chương trình “Cùng em tới trường” tại Trường tiểu học La Văn Cầu. Hàng trăm suất quà bao gồm cặp, sách vở, bánh kẹo, quần áo mới... đã được trao tặng đến học sinh của trường.
Trước đó, Dân trí đã phản ánh, do nhà ở xa trường học, cuộc sống khó khăn nên nhiều học sinh đồng bào dân tộc Mông của trường này phải mang cơm đến trường ăn cho kịp giờ học buổi chiều. Những bữa trưa đạm bạc, được bỏ trong túi ni lông, chỉ có cơm trắng ăn kèm với muối ớt và rau rừng nhưng nhiều em vẫn cố gắng ăn, cốt chỉ để no bụng.
Thầy La Hữu Phong, Hiệu trưởng Trường tiểu học La Văn Cầu cho biết, ngay sau khi báo Dân trí đăng tải bài viết, rất nhiều cá nhân tổ chức đã liên hệ để động viên, giúp đỡ thầy trò. Tính tới thời điểm hiện tại, tất cả 675 học sinh của trường đã nhận được quà của các mạnh thường quân, trị giá khoảng 300 triệu đồng.
“Chúng tôi rất cảm động trước tấm lòng của báo Dân trí và độc giả, các mạnh thường quân đã quan tâm đến đời sống của thầy cô giáo và các em học sinh. Thay mặt tập thể sư phạm nhà trường, một lần nữa chúng tôi cảm ơn những tấm lòng, những phần quà thiết thực này. Dù ít hay nhiều, nhưng với những suất quà, suất học bổng này, chúng tôi mong các em hãy cố gắng thật nhiều để thành công trong học tập, trong cuộc sống, không phụ lòng của các mạnh thường quân”, thầy Phong nói.
Tại buổi trao quà, đại diện Ban tổ chức cũng trao thêm 10 suất học bổng (500.000 đồng/suất) dành cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vươn lên trong học tập. Hy vọng, những món quà này tiếp thêm động lực cho các em học sinh yên tâm tới trường trong thời gian tới.
Trường Tiểu học La Văn Cầu là nơi theo học của 675 học sinh, trong đó có khoảng 97% là học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số. Trường đóng chân trên một trong những địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Đắk Nông (chưa có điện, nước sinh hoạt) nên học sinh vẫn còn rất nhiều thiếu thốn.
Dương Phong