Học ôn thi thế nào để đạt kết quả cao?
Mùa thi năm 2005, bạn Nguyễn Ngọc Huyền Mi đã đậu thủ khoa vào Trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TPHCM (khối B, ngành bác sĩ đa khoa). Mùa thi năm nay, nữ thủ khoa này chia sẻ một số kinh nghiệm học tập với các bạn học sinh đang chuẩn bị “vượt vũ môn”.
- Quan trọng nhất: không nên thức khuya quá 11h30 mà nên dậy sớm (khoảng 4-5 giờ sáng) vì buổi sáng sớm đầu óc rất minh mẫn, dễ thuộc bài, không ồn ào.
Đối với môn toán, lý, hóa: Nên ghi lại những dạng toán, những mẹo vặt, hướng giải quyết một bài toán... Như thế sẽ làm cho ta hiểu một cách thấu đáo, biết cách nhận ra bài toán và hướng giải quyết.
- Sau khi học xong một dạng toán nào đó trên lớp thì nên làm bài tập tương tự do thầy giao hoặc từ sách.
- Nên ghi lại các công thức thường sử dụng, các công thức khó nhớ, các kết quả phải nhớ, các công thức thường xuất hiện trong các bài toán khó... vào đầu tập hoặc cuối tập để tiện tra cứu.
- Nên thường xuyên sử dụng sách để thu thập những bài toán hay, lạ và để làm tài liệu tra cứu.
- Nên ghi lại cách làm chung cho một dạng toán điển hình (ví dụ như trong toán tích phân) vào cuốn sổ tay hoặc giấy stick.
Đối với các môn học bài:
- Quan trọng nhất là chọn đúng thời gian để học bài. Nên chọn lúc sáng sớm (khoảng 4-5 giờ sáng) sẽ tiếp thu bài tốt và nhanh hơn ban đêm.
- Trước khi học thuộc lòng một bài nên ghi ra các ý chính của bài.
- Không nên học lý thuyết khô khan mà cần phải kết hợp hình ảnh (nếu có) ở trong sách giáo khoa để dễ nhớ (chẳng hạn như khi học cấu tạo tế bào thì phải có hình tế bào trước mặt...).
Theo Tuổi Trẻ