Học nhiều bộ sách giáo khoa, học sinh thi tốt nghiệp THPT ra sao?
(Dân trí) - Tại hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình mới, diễn ra chiều 11/3, nhiều ý kiến từ Sở GD&ĐT, các trường đại học đóng góp về kỳ thi.
Cấu trúc đề thi nên ổn định
Rất đồng tình với phương án thi năm 2025 nhưng theo bà Lê Thị Thu Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, đề thi phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, hiệu quả, chính xác và sự công bằng giữa tất cả thí sinh.
Đồng thời, đại diện Sở GD&ĐT Quảng trị mong muốn cấu trúc đề thi theo hướng đánh giá năng lực như mục tiêu của chương trình mới, cấu trúc phải ổn định nhiều năm để các trường ổn định dạy học ôn tập cho các em.
"Nội dung đề thi theo Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm mới và dù một chương trình nhưng sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, khi làm đề thi cần có sự thống nhất trong diễn đạt tránh học sinh nhầm lẫn, đảm bảo hiệu quả khi ra đề", bà Hương đề nghị.
Cũng theo bà Hương, hiện có những nội dung kiến thức mỗi bộ SGK lại trình bày, diễn đạt khác nhau. Việc ra đề thi trong bối cảnh này cần đạt được tính phù hợp chung cho tất cả học sinh và tính phân hóa. Đề thi minh họa công bố rộng rãi cũng cần được ổn định ít nhất trong thời gian 5 năm.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng, kỳ thi năm tới có những môn lần đầu trở thành môn thi tốt nghiệp. Học sinh học nhiều bộ SGK khác nhau.
Về việc này rất cần bộ có định hướng cụ thể, trong đó xác định phạm vi tài liệu ôn tập để giáo viên hướng dẫn học sinh. Một số ý kiến đề đạt Bộ GD&ĐT cần tiếp tục tập huấn việc xây dựng câu hỏi thi cho thư viện câu hỏi thi, nhất là các môn mới như tin học, công nghệ.
Đồng tình với những báo cáo mà Bộ GD&ĐT đưa ra, bà Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho rằng, cần có những bước chuyển tiếp phù hợp từ chương trình cũ sang chương trình mới, phương thức mới. Với cái mới cần có sự thay đổi bước đệm, tránh sự tác động vào kết quả của kỳ thi.
Đề thi phân hóa cao nhưng không khó hơn
Tại hội thảo, một số trường đại học mong muốn đề thi phân hóa năng lực thí sinh rõ hơn, để thuận lợi cho công tác tuyển sinh và phù hợp với mục tiêu của từng trường.
Nhiều đại diện trường đại học mong muốn Bộ GD&ĐT sớm công bố phương án tuyển sinh cho năm 2025 để học sinh chuẩn bị, định hướng ôn tập, chọn tổ hợp môn ngay từ lớp 10.
Đặc biệt, trường mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục định hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ đây giúp các trường đại học tin tưởng sử dụng kết quả để xét tuyển nhằm giảm áp lực và chi phí cho xã hội.
GS.TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Y dược TPHCM, khối trường Y dược cho rằng, đặc trưng của khối trường Y dược tuyển sinh với mặt bằng điểm cao hơn nhiều trường. Do vậy, ông mong muốn đề thi phân hóa cao hơn.
"Điểm thi tốt nghiệp là một trong những kênh tuyển sinh hiệu quả đối với các trường đại học.
Tuy nhiên, các trường Y dược đòi hỏi chất lượng đầu vào tối thiểu khắt khe và có yêu cầu riêng nên các trường chúng tôi mong muốn đề thi phải có sự phân loại cao, câu hỏi có tính ứng dụng cao để từ đó tìm được những thí sinh đáp ứng được chương trình học tập", GS Tuấn nói.
Cũng với quan điểm này, GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Y- Dược, Đại học Huế cho hay, bên cạnh các kênh tuyển thẳng, đơn vị này đã và đang sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT để tuyển sinh.
Trong thời gian tới, nếu kỳ thi thực hiện được như Bộ nói, khối trường Y dược sẵn sàng tiếp tục sử dụng kết quả này để xét tuyển.
Mặc dù vậy cũng giống đại diện Trường Đại học Y dược TPHCM, GS Huy mong muốn đề thi phân hóa cao hơn, có thể phân tách rõ hơn giữa hai nhóm điểm trung bình và khá giỏi để đáp ứng mục tiêu tuyển sinh của các trường đại học, nhất là khối Y dược.
Trả lời điều này, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) khẳng định, dù chúng ta có nhiều bộ sách nhưng ở chương trình giáo dục phổ thông 2018, các yêu cầu cần đạt trong chương trình là yếu tố căn bản. Do đó, cho dù nhiều bộ sách, việc ra đề cũng phải dựa theo yêu cầu cần đạt trong chương trình phổ thông 2018.
Về đề thi, ông Hà khẳng định tính phân hóa sẽ phải cao hơn nữa. Cao hơn nhưng chắc chắn không phải khó hơn.