Học ngành Dệt may – Da giầy và Thời trang ở ĐH Bách khoa như thế nào?

(Dân trí) - Học ngành công nghệ Dệt may – Da giầy ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội như thế nào và cơ hội phát triển của ngành này ra sao? (Nguyễn Thùy Trang - Hà Nội)

Học ngành Dệt may – Da giầy và Thời trang ở ĐH Bách khoa như thế nào? - 1

Trả lời:

PGS Phan Thanh Thảo, Viện trưởng Viện Dệt May – Da giầy và Thời trang, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội:

Cho đến nay, Viện Dệt may - Da giầy và Thời trang thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là cơ sở duy nhất được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngành Dệt may, đồng thời đào tạo trình độ đại học (cử nhân, kỹ sư) ngành Công nghệ Da giầy.

Tại Trường, ngành Dệt may - Da giầy được thiết kế theo hướng công nghệ gắn liền thực tiễn, chương trình học bài bản, thống nhất giữa thiết kế dây chuyền, quy trình của dệt may, thiết kế các sản phẩm may mặc, da giầy và trang bị những kỹ năng làm việc chuyên nghiệp.

Viện có hệ thống 8 phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ học tập, giảng dạy và NCKH, các phần mềm thiết kế 3D chuẩn (Marvelous Designer CLD 3D, V-Stitcher, Geber, Optitex, Lectra…) được trang bị đầy đủ để sinh viên không bỡ ngỡ với những công cụ và phương tiện hiện đại cập nhật thế giới, thực hành tốt các môn học chuyên ngành. Hầu hết các thầy cô đều là giảng viên tu nghiệp tại nước ngoài (Pháp, Áo, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…), mang đến cho sinh viên của trường không chỉ vốn kiến thức chuyên môn cơ bản, kinh nghiệm thực tế mà còn giúp các em tiếp cận và cập nhật những phát triển mới trong ngành.

Theo thống kê, ngành Dệt may - Da giầy hiện có trên 6000 doanh nghiệp, sử dụng khoảng 2,5 triệu lao động. Trong chiến lược phát triển ngành Dệt may - Da giầy Việt Nam đến năm 2020, nhu cầu nguồn nhân lực bổ sung mỗi năm là khoảng 2300 cử nhân, kỹ sư công nghệ, thiết kế. Thực tế sản xuất của Ngành đang đòi hỏi một lượng lớn các kỹ sư thuộc các chuyên ngành như: Sợi, Dệt, Nhuộm, Thiết kế sản phẩm may, Công nghệ sản phẩm may, Thiết kế Thời trang và Công nghệ da giầy…

Sinh viên tốt nghiệp ngành Dệt may – Da giầy và Thời trang có rất nhiều cơ hội để “dụng võ”: làm quản lý, thiết kế dây chuyền và các quy trình dệt may, thiết kế vải sợi, sản phẩm dệt may, da giầy; phụ trách kỹ thuật dệt, nhuộm, công nghệ may và công nghệ sản phẩm da giầy.

Ngoài ra, các kỹ sư có thể làm việc tại nhà máy phục vụ nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất, Viện nghiên cứu, Trung tâm Kiểm định chất lượng… với mức thu nhập khởi điểm 7 - 10 triệu đồng lên đến vài chục triệu và thậm chí cao hơn tùy theo khả năng của các em.

Nhật Hồng (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm