Học Lịch sử tại di sản thế giới

(Dân trí) - Một phương pháp học Lịch sử mới giúp cho học sinh dễ hiểu và biết phát huy gìn giữ di sản đã được Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ tổ chức ngay tại Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Chương trình học tập, sinh hoạt Lịch sử cho đối tượng là học sinh phổ thông có chủ đề “Thành nhà Hồ - Nơi kết nối các giá trị văn hoá Việt”.

Bắt đầu buổi học thực nghiệm, các em học sinh được đi thăm quan di sản thế giới Thành nhà Hồ.
Bắt đầu buổi học thực nghiệm, các em học sinh được đi tham quan di sản thế giới Thành nhà Hồ.

Thông qua hình thức tham quan thực tế, chiêm ngưỡng những hình ảnh lịch sử sống động và đặc biệt là phần thi trải nghiệm ngay giữa lòng di sản, các em học sinh được tiếp nhận kiến thức Lịch sử một cách đầy đủ, toàn diện, chân thực và lý thú.

Đối tượng tham gia chương trình này là các em học sinh trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Mục đích chương trình nhằm góp phần giới thiệu, quảng bá giá trị di tích lịch sử Thành nhà Hồ nói riêng, các giá trị văn hoá Việt Nam nói chung tới thế hệ trẻ.

Trong buổi học tập dưới hình thức dã ngoại, các em học sinh được các hướng dẫn viên dẫn đi tham quan Thành nhà Hồ, phòng trưng bày hiện vật Lịch sử. Sau khi trải nghiệm thực tế, học sinh tiếp tục được tham gia một phần thi sôi nổi ngay trong lòng di sản thế giới. Chương trình này được mô phỏng theo Game show - Đường lên đỉnh Olympia nhằm kiểm tra lại những kiến thức mà các em vừa lĩnh hội được.

Thăm phòng trưng bày hiện vật liên quan đến lịch sử Thành nhà Hồ và Vương triều Hồ.
Thăm phòng trưng bày hiện vật liên quan đến lịch sử Thành nhà Hồ và Vương triều Hồ.

Phần thi theo các chủ đề như: đoán ý đồng đội, nhận diện Lịch sử, trò chơi ô chữ... với những câu hỏi liên quan đến Thành nhà Hồ và vương triều Hồ, giúp học sinh có hệ thống kiến thức xuyên suốt, và toàn diện về lịch sử Thành nhà Hồ.

Em Lê Thị Phương, lớp 10C2, Trường THPT Lưu Đình Chất (huyện Hoằng Hoá) chia sẻ: “Từ trước đến nay, em chỉ học Lịch sử qua sách vở và thuyết trình chay trên lớp nên rất khô và khó nạp. Hôm nay được tham quan, nhìn ngắm trực tiếp di sản khiến cho không khí buổi học rất lý thú, sinh động. Em chưa từng được tham gia một buổi học Lịch sử nào lý thú và bổ ích như vậy”.

Mong muốn có nhiều hơn những buổi học thực nghiệm dưới dạng sinh hoạt dã ngoại, đó là tâm sự chung của hầu hết các học sinh tham gia chương trình này.

Thăm phòng trưng bày hiện vật liên quan đến lịch sử Thành nhà Hồ và Vương triều Hồ.
Sau khi trải nghiệm thực tế, HS chia thành các nhóm tham gia phần thi mô phỏng theo Game show - Đường lên đỉnh Olympia. 

Ông Nguyễn Xuân Toán - phó giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ nhấn mạnh: “Thành nhà Hồ vừa được công nhận là di sản văn hóa thế giới, đó là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Để bảo vệ, giữ vững danh hiệu là một việc thiết yếu. Trong bối cảnh phương pháp dạy và học Lịch sử trong các nhà trường phổ thông đang bộc lộ nhiều hạn chế khi kiến thức mà giáo viên truyền thụ có phần khô cứng, sách vở thì mô hình dạy học thực nghiệm cần được quan tâm và nhân rộng”.

“Hoạt động học tập bằng hình ảnh trực quan sẽ giúp các bạn học sinh trở thành những tuyên truyền viên tích cực để quảng bá hình ảnh Thành nhà Hồ đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản xứng tầm là di sản văn hóa chung của cả nhân loại. Để Thành nhà Hồ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và địa chỉ giáo dục truyền thống Lịch sử cho cả nước, cần có sự tham gia của tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ”, ông Toán cho biết thêm.

Nguyễn Thùy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm