"Học Lịch sử để tăng thêm niềm tự hào dân tộc"

(Dân trí) - Trên đây là ý kiến về việc học Lịch sử mà em Nguyễn Ngọc Thắng, học sinh lớp 10 trường THPT Hàn Thuyên (TPHCM) trình bày trong buổi gặp gỡ giữa các bạn HS, SV với Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Chiều 12/1, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gặp gỡ 82 học sinh THPT xuất sắc tham dự chung kết cuộc thi tìm hiểu văn hóa, lịch sử dân tộc “Tự hào Việt Nam” năm 2015. Đoàn học sinh, do Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam - Lê Quốc Phong dẫn đầu.

Đại diện các em học sinh tặng hoa Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu
Đại diện các em học sinh tặng hoa Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Tại buổi gặp gỡ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu căn dặn các em học sinh: "Các cháu là những người đại diện cho thế hệ trẻ của đất nước. Tôi nhận thấy các cháu đang quan tâm tới việc làm thế nào để phát huy nền văn hoá, lịch sử của dân tộc; đề cập đến những vấn đề rất lớn, rất thời sự hiện nay là học sinh bây giờ chưa đam mê, chưa hứng thú với môn Lịch sử và làm thế nào để Lịch sử tạo ra nguồn sức mạnh để khơi lên niềm tự hào dân tộc... Tôi đánh giá cao ý thức của các cháu và đánh giá cao Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc thi này.

Các cháu học Lịch sử, các cháu biết rằng đất nước chúng ta trải qua 4.000 năm trải qua rất nhiều khó khăn, chống giặc ngoại xâm, chống thiên tai... để phát triển đến ngày hôm nay. Các cháu phải luôn tự hào mình là người Việt Nam, để phấn đấu, học tập. Tôi rất vui và tự hào rằng học sinh chúng ta học rất giỏi và luôn mang trong mình tình yêu Tổ quốc".

Tại buổi gặp gỡ, nhiều học sinh đã bày tỏ kiến nghị tới việc phát huy giá trị văn hóa lịch sử dân tộc, việc học và dạy môn Lịch sử trong nhà trường.

Các em học sinh giỏi Sử trên cả nước chuẩn bị bước vào chung kết cuộc thi Tự hào Việt Nam được gặp Phó Chủ tịch Quốc hội để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng
Các em học sinh giỏi Sử trên cả nước chuẩn bị bước vào chung kết cuộc thi "Tự hào Việt Nam" được gặp Phó Chủ tịch Quốc hội để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng

Em Nguyễn Thị Thúy Ngân, HS lớp 11 chuyên Sử, trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ bày tỏ: "Theo cháu thấy, nước ta có rất nhiều di tích lịch sử văn hoá. Điều này rất thuận lợi cho học sinh sinh viên tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Nhưng những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử này chưa phát huy được hết thế mạnh của mình. Ví dụ như ở Việt Trì, Phú Thọ có miếu Hai Cô thờ... được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhưng lại chưa nhiều người biết đến, kể cả người dân Phú Thọ. Cháu mong muốn rằng Quốc hội có thể đưa ra những điều luật để việc trùng tu, bảo vệ và khiến cho những di tích lịch sử văn hóa có thể phát huy vai trò của mình, nhất là trong việc giáo dục".

Em Trương Thị Hậu (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá) chia sẻ "Cháu là con em dân tộc Mường. Cháu thấy rằng những người hiểu rõ về lịch sử, phong tục tập quán của 54 dân tộc anh em không nhiều. Ví dụ như người Mường có lễ đón mùa mới được tổ chức vào tháng Giêng hàng năm, cháu mong muốn có cuốn Bách khoa toàn thư về 54 dân tộc anh em, cuốn sách này có thể dịch ra nhiều thứ tiếng để bạn bè trên thế giới hiểu thêm về văn hóa này".

Nguyễn Ngọc Thắng, lớp 10 trường THPT Hàn Thuyên, TP.HCM: "Cháu nghĩa rằng học Lịch sử không chỉ là lấy kiến thức để đi thi mà là để tăng thêm niềm tự hào về dân tộc. Cách học Sử hiện nay quá khô khan. Học sinh Sử chỉ học qua những con số, còn học sinh Văn lại được học qua những tác phẩm hào hùng, cháu nghĩ rằng các bạn học sinh Văn sẽ nhớ lâu hơn.

Các em thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân môn Lịch sử trong nhà trường hiện nay không thu hút học sinh
Các em thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân môn Lịch sử trong nhà trường hiện nay không thu hút học sinh

Trần Phạm Xích Long, trường THPT Gò Đen, Long An: "Về Lịch sử, cháu thấy hiện nay, trong các cuộc thi lớn như thi tốt nghiệp THPT, thi đại học thì Lịch sử không phải là một môn bắt buộc nên học sinh lơ là học Sử. Do đó, chúng ta nên thay đổi cách dạy học, cách thi và sách giáo khoa để các bạn HS hứng thú hơn với môn học này".

Lý Phát Vĩnh, trường THPT Phạm Phú Tứ, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng: "Cháu đã từng học môn lịch sử rất kém. Nhiều bạn trong lớp cháu chỉ học Lịch sử để đối phó. Theo cháu, do cách học Lịch sử hiện nay quá khô khan, chủ yếu qua những con số. Cháu mong muốn được học Lịch sử qua việc tham quan những di tích. Qua cuộc thi này, cháu được học nhiều kiến thức mới, được cọ xát với bạn bè, tăng thêm vốn kiến thức. Nhờ cuộc thi này, cháu yêu hơn môn Lịch sử, biết thêm nhiều danh nhân văn hoá...".

Trước Phó Chủ tịch Quốc hội, Bí thư Lê Quốc Phong báo cáo về cuộc thi "Tự hào Việt Nam": diễn ra từ ngày 8/11/2015-13/1/2016, phần thi trực tuyến cá nhân đã thu hút 310.850 thí sinh đến từ 2.621 trường THPT, TTGDTX thuộc 63/63 tỉnh, thành phố dự thi. 4.272 thí sinh tham gia vòng chung kết cấp tỉnh, thành phố. Kết thúc vòng chung kết cấp tỉnh, ban tổ chức đã lựa chọn 82 học sinh có số điểm cao nhất và thời gian nhanh nhất của các tỉnh, thành phố dự Chung kết toàn quốc tại Hà Nội. Phần thi video clip, ban tổ chức nhận được 477 tác phẩm dự thi của học sinh đến từ 255 trường THPT, TTGDTX thuộc 53 tỉnh, thành phố.

Phó Chủ tịch Quốc hội tặng quà lưu niệm cho các bạn học sinh giỏi Sử
Phó Chủ tịch Quốc hội tặng quà lưu niệm cho các bạn học sinh giỏi Sử

Sáng mai 13/1, Chung kết cuộc thi “Tự hào Việt Nam” với sự thi tài của 82 thí sinh sẽ diễn ra tại Hà Nội. Các thí sinh sẽ trải qua 4 vòng thi Theo dòng lịch sử; Hành trình đến địa chỉ đỏ, Danh nhân đất Việt, Tự hào Việt Nam.

Mai Châm

(Email: maibichcham@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm