Học để nói thạo tiếng Anh vẫn là “cuộc chiến” với học sinh Trung Quốc

(Dân trí) - Tính riêng năm 2013, người dân Trung Quốc đã chi 30 tỷ nhân dân tệ (4,3 tỷ USD) cho việc học tiếng Anh, và con số này được dự tính sẽ tăng 15% mỗi năm. Mặc dù nước này đã đầu tư đáng kể vào các chương trình dạy tiếng Anh ở trường học nhưng độ thông thạo tiếng Anh của học sinh vẫn ở mức thấp.

Học tiếng Anh gần 20 năm vẫn không nói thạo!

Liu Jian bắt đầu học tiếng Anh năm 13 tuổi khi học cấp hai. Tiếng Anh là môn học bắt buộc và hàng ngày cậu đều có tiết học môn này.

Liu tiếp tục học tiếng Anh ở trường cấp ba và đại học cho đến khi cậu bắt đầu học Thạc sĩ năm 2009.

Bây giờ, ở tuổi 30, Liu cho biết anh vẫn không tự tin về khả năng tiếng Anh của mình.

"Nói thật là, tôi đã rất chăm chỉ khi học tiếng Anh ở trường và có điểm số rất khả quan", Liu chia sẻ. Hiện nay anh làm tại một công ty dầu khí nhà nước.

"Nhưng tôi vẫn phải tra từ trong từ điển khi đọc sách tiếng Anh. Tôi không thể nói thành thạo và tự tin khi tôi phải nói chuyện với người bản ngữ. Nhiều khi tôi cũng chẳng hiểu được bản tin trên truyền hình.”

Cảm giác của Liu là tình trạng điển hình của những người ở độ tuổi của anh. Trong báo cáo Chỉ số Thông thạo tiếng Anh lần thứ sáu do công ty giáo dục Education First của Thụy Điển mới công bố, Trung Quốc xếp thứ 39 trong số 72 nước và khu vực.

Theo báo cáo này, độ thông thạo tiếng Anh của người Trung Quốc vẫn ở mức thấp trên toàn cầu và kém so với một số nước châu Á khác như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Học sinh tiểu học ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc diễn kịch bằng tiếng Anh ở trường. (Ảnh: Xinhua)
Học sinh tiểu học ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc diễn kịch bằng tiếng Anh ở trường. (Ảnh: Xinhua)

Mặc dù Trung Quốc xếp hạng thấp trong báo cáo Chỉ số Thông thạo tiếng Anh, nước này đã đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc học tiếng Anh.

Một báo cáo của công ty tư vấn CIConsulting ở Thâm Quyến cho biết với gần 1/5 dân số học tiếng Anh, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất thế giới về học tiếng Anh. Báo cáo này cũng tiết lộ rằng chỉ tính riêng năm 2013, người dân Trung Quốc chi 30 tỷ nhân dân tệ (4,3 tỷ USD) cho việc học tiếng Anh, và con số này được dự tính sẽ tăng 15% mỗi năm.

Một loạt quy định của Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành năm 2001 kêu gọi các trường tiểu học bắt đầu dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3. Độ tuổi này sớm hơn nhiều so với thời kỳ chàng trai 30 tuổi Liu học tiếng Anh. Nhưng trên thực tế, nhiều trường ở những thành phố lớn như Bắc Kinh thậm chí còn dạy tiếng Anh sớm hơn, từ lớp 1.

Các bậc phụ huynh cũng rất thích cho con em học tiếng Anh từ lúc còn nhỏ.

Một khảo sát của viện giảng dạy tiếng Anh First Leap dành cho trẻ em Trung Quốc từ 2-15 tuổi cho thấy, 88% các bậc phụ huynh cho con học tiếng Anh trước 5 tuổi với niềm tin rằng trẻ học ngoại ngữ tốt nhất lúc 3-5 tuổi.

Vậy thì tại sao Trung Quốc vẫn thu hoạch được rất ít ỏi từ việc đầu tư cho học tiếng Anh? Đó là một câu hỏi mà các nhà giáo dục Trung Quốc trăn trở nhiều năm nay.

Han Baocheng, giáo sư tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, đồng thời là phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Học Ngoại ngữ, đã kêu gọi cần xem xét kỹ hơn về sách giáo khoa và dụng cụ giảng dạy được sử dụng ở các trường.

Giáo sư Han cho biết đa số các sách giáo khoa chỉ có thứ “ngôn ngữ tiếng Anh để tồn tại” như để giới thiệu làm quen, mua sắm, hỏi đường, vốn là những điều cần thiết khi đi du học.

Nhưng đối với những học sinh Trung Quốc vốn hiếm có cơ hội thực hành tiếng Anh trong đời sống hàng ngày, nội dung này lại rất không thiết thực.

Học tiếng Anh thế nào để có thể nói thành thạo?

Christopher McCormick, phó giám đốc phụ trách các vấn đề học thuật của công ty giáo dục Education First, cho rằng phương thức dạy học hướng đến các bài kiểm tra, trong đó cả giáo viên và học sinh đều chú trọng đến việc nhớ từ vựng và ngữ pháp, có thể ảnh hưởng đến việc học tiếng Anh của người Trung Quốc.

Ông Christopher McCormick so sánh tình trạng học tiếng Anh ở Trung Quốc với Thụy Điển - một nước xếp hạng cao trong đánh giá hàng năm của Education First. Mặc dù ngôn ngữ chính thức của Thụy Điển là tiếng Thụy Điển, nhiều người dân nước này có thể nói tiếng Anh rất thông thạo.


Một giáo viên người Mỹ nói chuyện với học sinh ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: China Daily)

Một giáo viên người Mỹ nói chuyện với học sinh ở thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: China Daily)

Sebastian Magnusson, 31 tuổi, nhân viên thông tin ở đại sứ quán Thụy Điển ở Bắc Kinh, nhận định rằng người dân Thụy Điển thông thạo tiếng Anh có thể là kết quả của việc tiếp cận ngoại ngữ theo kiểu “tắm trong ngôn ngữ”.

Bản thân Magnusson bắt đầu học tiếng Anh khi 10 tuổi, và bây giờ anh có thể nói tiếng Anh thành thạo, và anh cũng sử dụng được tiếng Trung Quốc nữa.

"Ở Thụy Điển, người ta học tiếng Anh không chỉ ở sách giáo khoa hay các chương trình học ở trường mà họ học trong đời sống hàng ngày, ví dụ qua các chương trình truyền hình, trò chơi trên máy tính và các phim nói tiếng Anh có phụ đề tiếng Thụy Điển”, Magnusson cho biết. Anh cũng nhận xét rằng việc học kiểu này cũng có thể giúp người Trung Quốc cải thiện trình độ tiếng Anh.

Theo China Daily, để cải thiện việc dạy và học tiếng Anh ở Trung Quốc, một loạt những cải cách đã được đề ra và thực hiện trong những năm gần đây, trong đó có quy định có bài thi tiếng Anh trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cải thiện chương trình dạy và bài kiểm tra môn tiếng Anh, cũng như việc tiến tới thành lập một hệ thống kiểm tra và đánh giá độ thông thạo tiếng Anh được thống nhất trên toàn quốc.

Chuyên gia Christopher McCormick nhận định rằng cần có một thời gian dài để tạo nên sự khác biệt trong giáo dục và thấy được kết quả. Tuy vậy, những tiến bộ về tiếng Anh của thanh thiếu niên Trung Quốc, đặc biệt là những người từ 18-25 tuổi, cho thấy rất có triển vọng cho sự thay đổi này.

Xuân Vũ

Theo China Daily