Học CNTT là học giao tiếp với con người
Phát biểu tại buổi Lễ ra mắt Chương trình Cử nhân Công nghệ Thông tin (CNTT) tại RMIT, cơ sở Hà Nội chiều ngày 17/10/2013 vừa qua, Tiến sĩ Anna Shillabeer nói: “Học CNTT không phải chỉ để làm việc với máy móc, mà là để làm việc với con người.” Phát biểu của cô nhận được sự đồng tình của không ít người đến tham dự sự kiện.
Chiều 17/10/2013, tại cơ sở Hà Nội, ĐH RMIT đã tổ chức lễ ra mắt Chương trình Cử nhân CNTT, khóa đầu tiên tại Hà Nội sẽ khai giảng vào tháng 2/2014. Buổi lễ nhận được sự quan tâm của không chỉ phụ huynh và học sinh cuối cấp PTTH, mà còn của nhiều người đang làm việc trong ngành công nghiệp vô cùng sôi động này.
Giải thích về phát biểu của mình, TS. Anna Shillabeer, Trưởng khoa CNTT, ĐH RMIT nhấn mạnh: “Phụ nữ có những thế mạnh riêng về khả năng giao tiếp, truyền đạt và thuyết phục, vì vậy không nên chỉ nghĩ CNTT là dành cho nam giới, và chỉ có nam giới mới thành công. Rất nhiều vị trí quản lý cao cấp về CNTT trên thế giới do phụ nữ đảm nhiệm. Các bạn có biết Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Yahoo, Marissa Mayer là một người phụ nữ, bà cũng từng là Quản lý cao cấp tại “đế chế” Google.”
Cô cũng hóm hỉnh đưa ra nhận xét: “Tại RMIT, chúng tôi dạy các chàng trai cách giao tiếp và làm việc với con người, và dạy các cô gái cách để làm chủ máy móc và công nghệ; kết hợp với đào tạo kỹ năng tự nghiên cứu, tìm kiếm thông tin; đó là cách giáo dục toàn diện nhất cho một ngành học khô khan như CNTT.”
Điểm đặc sắc nổi trội của chương trình Cử nhân CNTT tại RMIT là học sinh có thể hoàn thành khóa học trong vòng nhanh nhất là 2 năm rưỡi, bằng cấp được công nhận toàn cầu và đủ điều kiện trở thành thành viên của Hiệp hội Máy tính Úc. Ngoài ra, chương trình rất chú trọng vào việc đào tạo các kỹ năng mềm cho sinh viên, thông qua việc học tập, thực hành và thực tập tại các công ty lớn về CNTT tại Việt Nam. Chương trình học đào tạo sâu hai chuyên ngành hiện đang rất “hot” là Lập trình ứng dụng (bao gồm cả lập trình di động và game) và Thiết kế truyền thông Đa phương tiện, trên các nền tảng như Java và Microsoft.
Lê Xuân Bách, cựu sinh viên RMIT, hiện đang là lập trình viên và quản trị hệ thống của tập đoàn Viettel, cho biết: “Tại RMIT, tôi được đào tạo về kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng tự tìm kiếm và tự học rất tốt, nên khi đi làm, tôi đã hòa nhập rất nhanh và được đề bạt làm việc trong dự án chính chỉ trong vòng một tháng. Bên cạnh đó, các đồ án ở RMIT đều rất thực tế và cập nhật các công nghệ mới nhất, vì vậy sau khi ra trường, sinh viên có thể làm việc ở bất cứ môi trường nào.” Bạn cũng chia sẻ mình là một trong 4 sinh viên Hà Nội duy nhất “lặn lội” vào cơ sở RMIT tại Nam Sài Gòn để theo đuổi chương trình này, và rất vui vì cuối cùng chương trình cũng ra đến Hà Nội, để “các bạn như mình sẽ không phải vất vả đi xa nữa,” Bách cho biết.
Một cựu sinh viên RMIT, anh Hồ Việt Dũng (tốt nghiệp Cử nhân CNTT năm 2011) chia sẻ: “Tại RMIT, cái bạn học được không chỉ là kiến thức chuyên ngành, các kỹ năng mềm, mà còn là các mối quan hệ, cách làm việc trong môi trường đa văn hóa và chuẩn mực quốc tế. Đây chính là các tiêu chí mà nhà tuyển dụng cần ở nhân viên của mình, nên tỉ lệ sinh viên ra trường có các công việc tốt tại các tập đoàn lớn là rất cao”.
Nguyễn Đình Hải (sinh năm 1994), một trong những bạn trẻ đến tham dự chương trình, chia sẻ: “Em đã học qua nhiều môi trường nhưng vẫn chưa tìm được một nơi thực sự phù hợp. Em đã từng học CNTT ở trường đại học và học viện ở Việt Nam, nhưng đều cảm thấy thiếu thiếu một điều gì đó trong chương trình đào tạo. Đó là các kỹ năng mềm. Em hy vọng chương trình tại RMIT là điều em đang tìm kiếm”.
Phạm Hồng Nhật (sinh năm 1997, PTTH Ngô Quyền, TP Hải Phòng), một trong số những “bóng hồng” quan tâm tới chương trình, thì cho biết: “Em tự nhận thấy CNTT vẫn đang là một ngành hot và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian 3-5 năm tới, lại hiếm nữ giới trong ngành này, nên em hy vọng sẽ tận dụng được những ưu điểm đó”.
Bên cạnh xét tuyển các sinh viên mới, chương trình Cử nhân CNTT tại RMIT còn cho phép sinh viên đang theo học hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo tại các cơ sở Aptech tại Việt Nam học liên thông và nhận bằng cử nhân CNTT do chính RMIT cấp. Tại buổi lễ ra mắt, không ít các bạn đang theo học FPT Aptech và NIIT đã trực tiếp tham khảo ý kiến TS. Anna Shillabeer về trường hợp của mình. Nếu đạt đủ điều kiện về Tiếng Anh, các bạn sẽ được nhập học và được miễn giảm khoảng 1/3 số môn học bắt buộc trong chương trình.
Hạn nộp hồ sơ đăng ký học Chương trình Cử nhân CNTT tại RMIT Hà Nội là 13/12/2013 cho kỳ nhập học tháng 02/2014. Đây là khóa đầu tiên tại cơ sở Hà Nội của Đại học RMIT. Truy cập website http://www.rmit.edu.vn để biết thêm thông tin.