Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Hỗ trợ tiền xăng cho phụ huynh dân tộc Chứt đưa đón con tới trường
(Dân trí) - Hà Tĩnh tạm dừng tuyển sinh các lớp đầu cấp vào trường dân tộc nội trú do số lượng học sinh ít. Song điều này đã gây ra bất cập, có trường phải hỗ trợ tiền xăng cho phụ huynh đưa đón con em hàng ngày.
Dân tộc Chứt là một trong những những dân tộc ít người, khó khăn đặc thù thuộc Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Những năm học trước, Trường Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông (THCS&THPT) dân tộc nội trú Hà Tĩnh, nằm trên địa bàn huyện miền núi Hương Khê, tuyển sinh học sinh dân tộc thiểu số.
Song, từ năm học 2023-2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh có công văn tạm dừng tuyển sinh các lớp đầu cấp, cụ thể lớp 6 và lớp 10, do số lượng học sinh ít, không đủ chỉ tiêu.
Các lớp còn lại tiếp tục tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục theo đúng quy định hiện hành. Điều này gây ra những bất cập về chế độ chính sách đối với học sinh người dân tộc và khó khăn trong việc duy trì học tập của các em.
Cụ thể, đầu năm học, 3 em học sinh dân tộc Chứt ở xã Hương Liên học hết lớp 5 đã được chuyển đến học ở Trường THCS Hương Lâm, huyện Hương Khê - cách nhà khoảng 7km.
Cung đường đến trường phải vượt đèo dốc, các em hoàn cảnh gia đình thuộc hộ nghèo và cận nghèo nên gặp rất nhiều khó khăn cho việc đến trường.
Theo quy định để được hưởng chính sách cho học sinh dân tộc ít người, các em phải được học trong Trường THCS&THPT dân tộc nội trú.
Vì thế, khi vào học ở Trường THCS Hương Lâm (một trường công lập không thuộc loại hình bán trú, nội trú), các em không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc như các anh chị khóa trên học ở trường dân tộc nội trú.
Thầy giáo Ngô Quang Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Hương Lâm, cho biết để giúp các em được tiếp tục đến trường, ngay đầu năm học, Tổ Biên phòng bản Rào Tre, lãnh đạo 2 xã Hương Lâm và Hương Liên, UBND huyện, Phòng GD&ĐT, phụ huynh có con theo học và nhà trường đã có các cuộc làm việc để tìm giải pháp hỗ trợ các em.
Trong đó có giải pháp tối ưu được thống nhất là vận động phụ huynh đưa đón các em đến trường và nhà trường đứng ra kêu gọi tài trợ để hỗ trợ tiền xăng cho phụ huynh.
Cụ thể, nhà trường phối hợp với bà Hồ Thị Kiên, Trưởng bản dân tộc Chứt, cũng là mẹ của 1 trong 3 học sinh cùng chị gái của 1 học sinh để sáng chở các em đi học và chiều đón về.
Riêng những ngày các em có lịch học tăng cường vào buổi chiều, nhà trường bố trí phòng cho các em ở lại buổi trưa trong trường.
Cùng với đó, từ ngày các em đến trường, nhà trường tổ chức cho các em bữa ăn sáng và bố trí ăn trưa ngay tại quán ở cổng trường vào những ngày các em ở lại học và tham gia các hoạt động vào buổi chiều từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
"Từ số tiền các tổ chức, nhà hảo tâm ủng hộ được 51 triệu đồng và 200kg gạo, nhà trường đã chi phí cho việc ăn ở, mua sắm một số đồ dùng học tập, sinh hoạt cá nhân và hỗ trợ một phần xăng xe đưa đón các em với số tiền gần 25 triệu đồng", thầy Hiền thông tin.
Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tạm thời. Năm học này, việc tạm dừng tuyển sinh các lớp đầu cấp trên địa bàn huyện Hương Khê dẫn đến khó khăn và thiếu công bằng cho học sinh người dân tộc.
Hiện nay, tại Trường THCS Hương Lâm, kinh phí từ nguồn xã hội hóa hỗ trợ ăn ở, đi lại cho các em đã gần hết. Trong khi đó, ngân sách địa phương và nhà trường khó khăn. Vì vậy, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì học tập chuyên cần của các em.
"Nhà nước cần duy trì tuyển sinh lớp 6 vào Trường THCS&THPT dân tộc nội trú như trước đây, nếu không tuyển sinh thì các em học tại các trường THCS trên địa bàn được hưởng chế độ như học tại trường dân tộc nội trú", chị Hồ Thị Kiên, Trưởng bản dân tộc Chứt, kiến nghị.
Theo ông Phan Quốc Thanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hương Khê, năm học 2023-2024, toàn huyện có 6 học sinh là người dân tộc Chứt học hết lớp 5 bậc tiểu học.
Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của tỉnh, UBND huyện Hương Khê đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền, vận động, tuyển sinh và bố trí 6 học sinh dân tộc Chứt vào học lớp 6 tại các trường THCS trên địa bàn.
Cùng với đó, UBND huyện có văn bản gửi UBND tỉnh, các sở liên quan về việc hỗ trợ chính sách cho học sinh dân tộc Chứt trong năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo. Việc này đang chờ hướng giải quyết và trả lời của ngành cùng các cơ quan cấp trên.
Việc hỗ trợ học sinh dân tộc Chứt là hoạt động cụ thể nhằm thực hiện dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi về đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Dự án tập trung xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng; góp phần nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, hỗ trợ cải thiện chất lượng dân số, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng đồng và xây dựng cơ sở chính trị ở thôn bản vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.