Hình ảnh về thầy Văn Như Cương và bác sĩ Nguyễn Anh Trí vào đề Văn
(Dân trí) - Hình ảnh buổi chia tay GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu, hình ảnh tiễn biệt thầy Văn Như Cương... vừa được đề cập trong đề Văn của Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM.
Đề thi giữa kỳ môn Văn của khối 10 Trường THPT Nguyễn Du mang nhiều giá trị nhân văn, ý nghĩa khi đề cập đến những hình ảnh đẹp, trong đó có hình ảnh về cố nhà giáo Văn Như Cương, về sự ra đi của thầy đã làm bao thế hệ nghẹn ngào.
Từ hình ảnh buổi chia tay đầy xúc động của học sinh trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) khi thầy hiệu trưởng Nguyễn Trọng Khánh chuyển công tác; từ những hình ảnh về học sinh trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) trong giây phút tiễn đưa thầy Văn Như Cương, đề ra hết sức ngắn gọn: Từ hai hình ảnh trên, anh/chị có suy nghĩ gì? Trình bày trong một bài văn nghị luận khoảng 300 từ.
Ngoài ra, đề Văn khối 12 cũng của Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM được học sinh chia sẻ liên tục vì sự kiện buổi chia tay GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu xuất hiện trong đề.
Đề trích dẫn từ bài viết trên một tờ báo về sự kiện buổi chia tay GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương ngày 2/10 vừa qua. Buổi chia tay lay động mọi cảm xúc và lương tri được chia sẻ nhiều trong thời gian qua.
Trong văn bản này cũng đề cập đến chia sẻ, tâm tư và nhắn nhủ của GS.TS. Nguyễn Anh Trí. Ngoài văn bản, hình ảnh về buổi chia tay cũng xuất hiện trong đề.
Từ đó, đề đã yêu cầu học sinh thể hiện kiến thức xác định phong cách ngôn ngữ và cảm nhận về GS. TS. Nguyễn Anh Trí qua câu nói của ông: “Cuộc đời đã cho tôi nhiều thứ, tôi sẽ cống hiến bằng tất cả trái tim và tấm lòng của mình... Tôi luôn luôn coi người bệnh là người nhà. Được cứu chữa cho bệnh nhân là niềm hạnh phúc lớn lao của mình. Tôi luôn cố gắng truyền những điều này đến đội ngũ cán bộ trong Viện”.
Cũng từ sự kiện này, đề thi đã so sánh 2 hình ảnh gần 1.000 y bác sĩ, bệnh nhân xếp hàng chia tay Viện trưởng Nguyễn Anh Trí về hưu trong nước mắt với hình ảnh là những vấn nạn của ngành y như phong bì bỏ túi áo blouse, những sai phạm trong đấu thầu thuốc, đưa thuốc trị ung thư giả về Việt Nam… Qua đó, đề nêu yêu cầu học sinh trình bày trong một đoạn văn khoảng 15 câu những suy nghĩ về đạo đức ngành y.
Sau khi kết thúc buổi thi, học sinh tỏ ra vô cùng thích thú vì các em được bày tỏ suy nghĩ, quan điểm về một sự kiện có thật trong đời sống - một sự kiện lay động lòng người. Cũng như được thoải mái nêu quan điểm, thể hiện mong muốn về vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm là đạo đức nghề y.
Được biết, đề thi trên do cô Nguyễn Thị Thương, Trưởng khối 12 môn Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Du biên soạn. Cô Thương chia sẻ, học sinh bây giờ có nhiều cơ hội tiếp xúc thông tin, bên cạnh những thông tin tiêu cực thì có không ít những sự kiện, hình ảnh đẹp. Và sự kiện về buổi chia tay GS.TS. Nguyễn Anh Trí hồi đầu tháng 10 quả thật đã đưa đến những cảm xúc cho bao người, trong đó có bản thân cô.
Thế nên cô chọn sự kiện này vào đề Văn để học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng phân tích, thể hiện quan điểm về các những vấn đề tích cực. Từ đó, học sinh có niềm tin hơn vào cuộc sống và giáo dục cho các em sống đẹp, sống ý nghĩa.
Phải nói, trong vài năm trở lại đây, đội ngũ giáo viên nhiều bộ môn ở TPHCM có nhiều thay đổi rất tích cực trong việc ra đề thi. Đề thi sử dụng những chất liệu trong cuộc sống, đề mở để học sinh có thể bày tỏ quan điểm, suy nghĩ thật của bản thân. Và đặc biệt những “phá cách” về đề thi làm học sinh không còn nặng về học thuộc, học tủ, học nhồi nhét.
Đổi mới đề thi cũng là định hướng của ngành giáo dục TPHCM. Việc đổi mới đề thi cũng tác động tích cực ngược trở lại đến việc thay đổi phương pháp dạy và học của thầy trò.
Hoài Nam