Sóc Trăng:
Hiệu trưởng trường chuẩn quốc gia bị tố thiếu minh bạch tài chính
(Dân trí) - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Tú 1B, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) bị giáo viên tố thiếu minh bạch về tài chính, thậm chí có biểu hiện của sự tư túi.
Theo phản ánh của một số giáo viên (GV), trong năm học 2013-2014, Trường Tiểu học Hòa Tú 1B được ngành GD-ĐT Sóc Trăng chọn thực hiện Chương trình Đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (gọi là Chương trình SEQAP). Đây là chương trình do Ngân hàng Thế giới, Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh (DFID), cơ quan Phát triển Vương quốc Bỉ tài trợ theo mô hình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu.
Theo mục tiêu của chương trình, ở các trường có chương trình này, các em học sinh (HS) được học trên 5 buổi/tuần đã góp phần cải thiện về mặt chất lượng, những em có khó khăn về kinh tế, đời sống được hỗ trợ ăn trưa (15.000 đồng/bữa/HS), các buổi học tăng cường, những em nghèo được trợ cấp tập sách, gạo, quần áo… Từ đó góp phần giảm thiểu số HS bỏ học. Ngoài ra, các em HS dân tộc thiểu số có điều kiện mở rộng môi trường giao tiếp Tiếng Việt và tham gia các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, cơ sở vật chất được cải thiện và tăng cường, phòng học mới, nhà vệ sinh được xây bổ sung, góp phần giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất cho địa phương.
Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao tay nghề cho đội ngũ GV, Chương trình SEQAP đã dành phần lớn kinh phí phục vụ cho công tác đào tạo, hội thảo, quan tâm bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lí và GV. Khi thực hiện bồi dưỡng chuyên môn này, các GV được nhận bồi dưỡng 195.000 đồng/người/mô-đun.
Thế nhưng, khi thực hiện kinh phí của chương trình này, hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Tú 1B đã không làm đúng khiến GV bất bình. Cụ thể, với số tiền cho bữa ăn trưa của HS, theo nguyên tắc, HS không ăn thì cắt, số tiền còn lại thì phải trả cho dự án. Thế nhưng, ở trường này có 15 HS của năm học 2013 - 2014 không ăn, mỗi em 12 buổi nhưng hiệu trưởng giữ số tiền của các em (2,7 triệu đồng). Khi GV phát hiện, thắc mắc thì hiệu trưởng mới cho các em này ăn bù trong khi các em đã lên lớp 6 và đang học ở trường THCS.
Về kinh phí tập huấn Chương trình SEQAP, Trường Tiểu học Hòa Tú 1B được giao thực hiện 4 mô-đun trong năm 2014 cho 26 GV của trường, mỗi GV tham gia tập huấn sẽ được nhận tiền bồi dưỡng 195.000 đồng/người/mô-đun. Thế nhưng trường này chỉ mới thực hiện được 2 mô-đun, trong khi đó tiền đã nhận đủ, cho GV ký nhận (khống) trước. Ở mô-đun 1, sau khi tập huấn, hiệu trưởng giao thủ quỹ cho GV nhận tiền 180.000 đồng/người, trừ lại 15.000 đồng/người với lý do tiền mua văn phòng phẩm. Khi GV thấy tiền ký trong hồ sơ cao hơn tiền được nhận nên thắc mắc thì hiệu trưởng cho biết thủ quỹ đang giữ số tiền trên 20 triệu đồng. Sau đó, hiệu trưởng cho phát mỗi GV 195.000 đồng/mô-đun thứ 2. Riêng 2 mô-đun còn lại, theo kế hoạch kết thúc vào cuối tháng 12/2014 nhưng sau khi GV phản ánh, ngày 14/3/2015, hiệu trưởng mới cho tập huấn để tất toán về tài chính.
Về việc này, Phòng GD-ĐT huyện Mỹ Xuyên đã có kết luận: Việc phát tiền cho GV 180.000 đồng/người/mô-đun là sai quy định; việc trừ 15.000 đồng/người/mô-đun với lý do trừ tiền văn phòng phẩm là sai vì Chương trình đã cấp riêng 15.000 đồng/người. Vì vậy, Phòng GD-ĐT Mỹ Xuyên yêu cầu trả số tiền này lại cho GV.
Thứ hai, trong năm học vừa qua, nhà trường hợp đồng may đồng phục cho HS với một đơn vị may mặc. Đổi lại, đơn vị nhận may chi 5% tiền hoa hồng cho nhà trường, giảm 10% cho HS nghèo với số tiền 10.401.550 đồng nhưng hiệu trưởng không công khai số tiền trên. Khi GV thắc mắc thì hiệu trưởng cho biết trả tiền mua 33 bộ đồng phục cho HS nghèo hết 4.620.000 đồng, cộng với tiền thưởng Lao động tiên tiến xuất sắc của trường 1.725.000 đồng thì trường đã chi vào các khoản như tiếp đoàn từ thiện (620.000 đồng), hỗ trợ ngày 20/11 (500.000 đồng), mua bục phát biểu (3.200.000 đồng), chi trả cho nhà báo viết bài về trường (5.500.000 đồng), hỗ trợ tiếp đoàn phổ cập (350.000 đồng), tiếp đoàn kiểm tra chương trình SEQAP (400.000 đồng); tổng cộng chi hết 10.570.000 đồng. Khoản chi này cũng được Phòng GD-ĐT Mỹ Xuyên kết luận chi không hợp lệ vì tiền chi lấy từ nguồn tiền hoa hồng may đồng phục và tiền khen thưởng tập thể, muốn chi phải thông qua tập thể GV, được đồng ý chi thì mới chi.
Ngoài ra, Phòng GD-ĐT Mỹ Xuyên cũng kết luận trong 3 năm học liên tiếp (2011-2012, 2012-2013, 2013-2014), trường đạt danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến xuất sắc, được khen thưởng bằng tiền mặt là 4.025.000 đồng thì số tiền này hiệu trưởng tự ý sử dụng sai mục đích khi chi cho các hoạt động của trường mà chưa xin ý kiến và công khai trước tập thể.
Trao đổi với PV về những nội dung trên, ông Võ Quốc Miền - hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Tú 1B thừa nhận: “GV khiếu nại là có thật. Sự cố này xảy ra là do tôi chủ quan khi chưa thông tin kịp thời tới GV chứ tôi không có tư túi gì cả”.
Một cán bộ xã Hòa Tú 1 cũng thẳng thắn: “Việc GV tố hiệu trưởng Võ Quốc Miền là có thật. Phòng GD-ĐT cũng như UBND huyện đã cử đoàn công tác xuống làm việc nhưng chưa xong vì GV không đồng ý với kết luận cũng như cách giải quyết của các đoàn công tác. Họ muốn lãnh đạo phải xử lý kỷ luật thầy Võ Quốc Miền, không cho làm hiệu trưởng nữa họ mới chịu”.
Trong khi đó, một GV của trường cho biết: “Lãnh đạo Phòng cũng như huyện cử cán bộ xuống làm việc với chúng tôi, thừa nhận hiệu trưởng sai nhưng không đưa ra biện pháp kỷ luật vì sai phạm của hiệu trưởng chưa đến mức xử lý kỷ luật, thậm chí còn nói với GV là bỏ qua vì uy tín của trường, của địa phương, của ngành. Làm hiệu trưởng một trường đạt chuẩn quốc gia mà như vậy thì làm sao chúng tôi phục được”.
Một GV khác tố thêm, vợ hiệu trưởng là người chưa được đào tạo chuẩn về chuyên môn nhưng không biết bằng cách nào được đưa vào biên chế GV đứng lớp. Trong khi đó, một cô giáo có thâm niên công tác trên 20 năm đang đứng lớp thì bị đưa xuống làm nhân viên thư viện. Khi cô giáo này phản ánh với cấp trên thì hiệu trưởng mới đưa trở lại giảng dạy. Trong vụ mua đồng phục, hiệu trưởng Miền cũng đưa vợ tham gia vào việc thu tiền của HS dù việc này là của thủ quỹ hoặc kế toán nhà trường (Phòng GD-ĐT Mỹ Xuyên cũng có kết luận về nội dung này là không đúng, yêu cầu hiệu trưởng không nên cho vợ tham gia thu tiền).
Kết luận của Phòng GD-ĐT Mỹ Xuyên nêu rõ: Hiệu trưởng Võ Quốc Miền chưa thực hiện việc công khai hóa trong nhà trường, tự ý sử dụng kinh phí không đúng nguyên tắc, thiếu niêm yết công khai trước tập thể dẫn tới khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, cho đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Theo thông tin của GV cho biết: Ngày 12/5/2015, UBND huyện Mỹ Xuyên đã cử đoàn công tác gồm cán bộ Phòng Nội vụ, Thanh tra, Phòng Kế hoạch-Tài chính, Phòng GD-ĐT có buổi làm việc với những GV tố cáo hiệu trưởng Võ Quốc Miền. Tại buổi họp này, Trưởng Phòng Nội vụ cho biết sẽ tham mưu cho UBND huyện này chuyển ông Võ Quốc Miền đi làm hiệu trưởng một trường khác (theo diện luân chuyển cán bộ). Thông tin này khiến nhiều GV bất bình vì có sai phạm nhưng không xử lý mà lại điều chuyển đi nơi khác.
Bạch Dương