Hiệu trưởng ĐH Sư phạm: "Điều đáng sợ là nghĩ mình giỏi giang hơn người"
(Dân trí) - "Tấm bằng là sự ghi nhận chặng đường nỗ lực học tập, nghiên cứu gian nan, vất vả của mỗi người nhưng điều đáng sợ của một trí thức là sự tự thỏa mãn, nghĩ mình đã giỏi giang hơn người".
Trên đây là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐH), tại lễ trao bằng cho 835 nghiên cứu sinh, học viên hoàn thành học tập, nghiên cứu, bảo vệ luận án, luận văn tốt nghiệp diễn ra ngày 22/3.
Trong đó, 68 nghiên cứu sinh được trao bằng tiến sĩ ở 42 chuyên ngành đào tạo và 767 học viên được trao bằng thạc sĩ ở 54 chuyên ngành.
Theo GS Minh, tấm bằng là sự ghi nhận chặng đường nỗ lực học tập, nghiên cứu rất gian nan, vất vả của mỗi người nhưng điều đáng sợ của một trí thức là sự tự thỏa mãn, nghĩ mình đã giỏi giang hơn người. Ông hi vọng, đội ngũ này sẽ đưa lại những hiệu quả thiết thực trong công việc.
"Kết quả học tập, nghiên cứu của mỗi người không phải dành riêng cho mình như báu vật. Vấn đề bạn sẽ dùng nó cho hiệu quả công việc tốt hơn không, có đóng góp gì hơn cho kho tàng tri thức hay một sản phẩm cụ thể; và hơn nữa, bạn đã lan tỏa điều đó cho đồng nghiệp, cho cộng đồng hay không.
Không ít người khi thu nhận được một lượng tri thức nào đó thì coi như độc tôn về quyền năng như bảo bối và không muốn chia sẻ với ai cả. Họ không hiểu rằng, cái tri thức mình có cũng là kết tinh của tri thức nhân loại. Chỉ biết nhận mà không biết trao gửi thì thật ích kỷ", GS Minh nói.
Ông nhấn mạnh, đội ngũ tiến sĩ, thạc sĩ là tầng lớp tinh hoa của đất nước. Thế nhưng họ có hình dung một ngày không xa, khi thiết bị máy móc thay thế các công đoạn sản xuất, khi những giá trị tốt đẹp, sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau ngày càng thiếu vắng thì sẽ thế nào?
Vậy nên không có con đường nào khác là thường xuyên tự học, tự nghiên cứu, tự cập nhật, tự làm mới mình về tri thức và cả phương pháp làm việc để hành động chính đáng. Điều đáng sợ của một trí thức là sự tự thỏa mãn, nghĩ mình đã giỏi giang hơn người.
Gửi lời nhắn nhủ đến đội ngũ tân tiến sĩ, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, trên chặng đường nghiên cứu khoa học, mỗi người có thể thành công và cả thất bại, thậm chí bi thảm. Điều quan trọng họ có dám đối diện để tìm cách khác tối ưu hơn, không phải tìm cách để biến cái sai thành cái đúng.
Đừng bao giờ nghĩ đã nghiên cứu thì ắt phải thành công. Vấn đề là chuẩn bị những nền tảng, điều kiện để có những dự báo ban đầu. Phải coi trung thực là danh dự, là phẩm giá của con người. Chỉ có vậy, thì con người mới có tự trọng.
"Tôi không dám nói điều to tát, mà chỉ lưu ý rằng, dù giảng dạy môn học nào đi nữa, trước hết và trên hết là giáo dục để trẻ trở thành một con người tử tế, biết yêu thương, sẻ chia, cảm thông, tha thứ với người thân và đồng loại; đồng thời giáo dục để trẻ biết được, hiểu được, dùng được cái đã học vào cuộc sống, trước khi mong muốn chúng trở thành những người sáng tạo.
Khi đã có một tầm tri thức, hi vọng các bạn sẽ lan tỏa tri thức đó đến đồng nghiệp, người học và đại chúng bằng con đường dễ hiểu nhất. Khi nghiên cứu, nghĩa là các bạn khái quát hóa vấn đề để rút ra điều phổ quát; còn khi giảng giải, dạy học thì lưu ý là biến cái phức tạp thành cái đơn giản nhất", hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh chia sẻ.