Chuyện chưa biết về nữ cử nhân bại não được Hiệu trưởng dắt tay, trao bằng
(Dân trí) - "Trong tiềm thức của tôi, những tưởng vị Hiệu trưởng oai phong, bệ vệ rất xa cách. Vậy mà thầy lại cầm tay dìu nữ sinh bại não ở lễ tốt nghiệp. Hành động khiến tôi xúc động, không kìm được nước mắt".
Đó là chia sẻ của chị Đinh Thị Thu Hảo, mẹ nữ sinh Nguyễn Mai Anh, cử nhân khóa 44 ngành Luật, Trường Đại học (ĐH) Luật Hà Nội.
Mai Anh là cô sinh viên bại não được thầy hiệu trưởng dắt tay lên sân khấu trong ngày ra trường gây "bùng nổ" bình luận trên các diễn đàn vừa qua.
"Tôi không kìm được nước mắt"
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Hảo cho hay, khi chứng kiến cảnh thầy hiệu trưởng dắt tay con gái mình đưa ra sân khấu, lòng người mẹ không kịp nghĩ gì nhiều, chỉ thắc thỏm lo con vấp vạt áo khoàng dài bởi vốn dĩ hàng ngày con đi lại đã rất khó khăn.
Sau lễ tốt nghiệp chớp nhoáng về nhà, xem lại hình ảnh được đăng tải, lan truyền trên khắp các mạng xã hội, chị không kìm được nước mắt.
"Trong tiềm thức của tôi, Hiệu trưởng là người oai phong, bệ vệ lắm, chưa nói đến việc đây lại là Hiệu trưởng trường đại học lớn như ĐH Luật, lại càng xa cách hơn.
Thế nhưng khi thấy thầy đón con, dắt lên rồi lại chờ đưa con rời sân khấu, tôi thực sự xúc động. Đấy là hình ảnh người thầy tinh tế, đầy trách nhiệm và tình yêu thương.
Nó khiến một nhà giáo như tôi phải giật mình và tự hỏi, mình có ứng xử được với học sinh như vậy"?, chị Hảo nói.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, đại diện Trường ĐH Luật cho biết, việc thầy Hiệu trưởng dắt tay em ở sân khấu diễn ra hoàn toàn tự nhiên.
Ban đầu gia đình định để Trúc Anh là em song sinh đưa nữ sinh lên sân khấu nhưng khi bước đến bục, có vẻ như Mai Anh muốn nỗ lực tự đi nên thầy hiệu trưởng vội vã chạy ra đỡ em, hoàn toàn không có sắp đặt trước.
Cũng theo đại diện nhà trường, trong suốt thời gian học, thấu hiểu hoàn cảnh và nỗ lực của em nên nhà trường tạo điều kiện để em ở ký túc xá ngay trong khuôn viên trường, hỗ trợ vay vốn để học tập.
Cũng theo mẹ Mai Anh, khi được thầy cầm tay lên sân khấu và hình ảnh đó được lan tỏa sau đó, nữ sinh vừa nhận tấm bằng cử nhân rất vui.
Hình ảnh thầy trò trường ĐH Luật thực sự truyền cảm hứng cho mọi người và ngược lại, sự quan tâm của mọi người tiếp thêm sức mạnh cho tân cử nhân. Đó là sự cộng hưởng nhiều chiều mà người làm giáo dục như chị Hảo tâm niệm phải học hỏi.
Được biết Mai Anh đã tốt nghiệp sớm vì hoàn thành các tín chỉ từ hồi tháng 2/2023. Lúc đầu Mai Anh không định tham gia lễ tốt nghiệp này bởi em đi lại vốn rất khó khăn, nhất là ở nơi đông người.
Tuy nhiên, khi đại diện nhà trường gọi điện động viên, gia đình Mai Anh quyết định xuống Hà Nội từ 6h.
"Con không đi được thang cuốn, chúng tôi dìu con từng bậc thang bộ, mệt bã để tới được phòng khánh tiết. Nỗ lực ấy được đền đáp khi chúng tôi chứng kiến trọn giây phút hạnh phúc của con trong lễ tốt nghiệp.
Khoảnh khắc dù ngắn ngủi nhưng ý nghĩa với Mai Anh và gia đình chúng tôi vô cùng.
Qua đó, tôi có thể soi lại mình, để lan tỏa những điều tốt đẹp không chỉ với học trò mà với bản thân nữa", mẹ Mai Anh xúc động nói.
Hành trình của những điều kỳ diệu
Mai Anh sinh ra ở Phú Thọ. Cô gái có một người em sinh đôi, tên là Nguyễn Trúc Anh, là sinh viên Trường ĐH Dược Hà Nội.
Theo chị Hảo, Mai Anh và Trúc Anh sinh non ở tháng thứ 7 thai kỳ của người mẹ. Cả hai phải nằm lồng ấp ở Bệnh viện Nhi Trung ương 20 ngày.
Khi con được 18 tháng tuổi, gia đình cho Mai Anh đi khám, bác sĩ chẩn đoán con mắc hội chứng bại não thể co cứng.
"Nghe bác sĩ nói xong, tôi run lẩy bẩy và khóc nấc ở viện. Nhưng sau đó, tôi tự nhủ không được yếu đuối, than thân trách phận không thay đổi được gì, dù chỉ một tia hy vọng mong manh cũng không được bỏ cuộc.
Kể từ đó, cứ 3 tháng hè, hai mẹ con chị vượt hàng trăm cây số, từ quê tới bệnh viện Nhi Trung ương tập hồi phục chức năng cho Mai Anh, hết hè thì về nhà tự tập thêm.
Lương hai giáo viên của hai vợ chồng thời điểm đó thường xuyên không đủ lo thuốc men, bấm huyệt, chỉnh hình, chạy chữa cho con. Nhưng ai mách có thuốc nam ở đâu hay, chị đều tìm mua.
Năm lớp 2, Mai Anh được phẫu thuật để cải thiện khả năng đi lại nhưng mọi thứ diễn ra với cô bé vẫn rất khó khăn. Em phải đi chậm, khó cầm nắm vật dụng, chưa nói đến viết.
Bằng nỗ lực tuyệt vời, năm lớp 8, Mai Anh đoạt giải học sinh giỏi cấp thị xã môn lịch sử. Lớp 9, em đoạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi môn lịch sử cấp tỉnh và trong 8 học sinh ôn thi vào lớp 10 Trường THPT chuyên năm đó, Mai Anh là một trong 3 học sinh đỗ.
Mẹ em chia sẻ, với những đứa trẻ như Mai Anh, sự kỳ thị hay ánh mắt của mọi người thường khiến con chạnh lòng.
Thậm chí trước kỳ thi đại học, có người bảo người như Mai Anh thì thi cử làm gì mất công, thuê lấy cái cửa hàng bán đồ lưu niệm thì phù hợp. Nhưng cô bé vẫn quyết thi và đỗ ĐH Luật Hà Nội với số điểm 26,75.
Hiện em thực tập tại Văn phòng Luật sư Trang Nguyễn và đi làm thêm ở Văn phòng Hội gia đình trẻ bại não Việt Nam để đồng hành và giúp đỡ những hoàn cảnh giống mình.
Dù gia đình mong muốn con gái chọn công việc gì đó nhẹ nhàng nhưng em vẫn đam mê và sẽ tiếp tục theo đuổi nghề luật sư.