Hiệu trưởng Đại học Cornell nước Mỹ: "Cấm ChatGPT là không khả thi"
(Dân trí) - Giáo sư Michael I. Kotlikoff khẳng định, việc cấm học sinh, sinh viên dùng ChatGPT là không khả thi, bởi bất cứ ai cũng có thể truy cập ChatGPT trên điện thoại.
ChatGPT - một công cụ chatbot AI được đánh giá là "trả lời câu hỏi như người thật" đang khiến nhiều người lo lắng sẽ giúp học sinh, sinh viên gian lận trong học hành, thi cử. Sở giáo dục của thành phố New York, Mỹ mới đây đã cấm ChatGPT trên các mạng của họ vì lo ngại về những tác động tiêu cực đến việc học tập của học sinh.
Một nhóm các trường đại học ở Australia cho biết họ sẽ thay đổi định dạng bài kiểm tra để loại bỏ các công cụ AI và coi chúng là hành vi gian lận.
Cấm ChatGPT là không khả thi
Trao đổi với báo chí bên lề chương trình bài giảng đại chúng "Đổi mới sáng tạo trong giải quyết các thách thức lớn" tại Hà Nội ngày 7/2, Giáo sư Michael I. Kotlikoff, Hiệu trưởng Đại học Cornell (đại học thuộc khối Ivy League, top 20 trường đại học xuất sắc nhất thế giới theo bảng xếp hạng QS World University Rankings 2023) đã đưa ra một số nhận định về ứng dụng ChatGPT.
Giáo sư Michael I. Kotlikoff khẳng định, việc cấm học sinh, sinh viên dùng ChatGPT là không khả thi, bởi bất cứ ai cũng có thể truy cập ChatGPT trên điện thoại. Để ngăn chặn mọi hoạt động sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chúng ta sẽ phải huy động nguồn lực khổng lồ.
"Tôi nghĩ việc chúng ta thật sự cần nghĩ đến là làm thế nào để sử dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác đào tạo như một công cụ học tập. Vì vậy, vấn đề liêm chính trong học tập là một vấn đề rất quan trọng. Chúng ta cần đảm bảo rằng khi nộp bài, các bạn sinh viên luôn cung cấp nguồn gốc tài liệu đã sử dụng, cũng như thông tin về cách các em đạt được kết quả cuối cùng", Giáo sư Michael I. Kotlikoff nói.
Phân tích kỹ hơn về điều này, Hiệu trưởng Đại học Cornell so sánh ChatGPT với máy tính thông minh cầm tay, hoặc máy tính cầm tay đã được giới thiệu cách đây 20 năm. Vào thời điểm đó, có nhiều ý kiến đưa ra về việc nên cấm máy tính trong các lớp học. Họ muốn học sinh tự mình giải quyết các câu hỏi và thực hiện các phương trình, lo sợ về việc học sinh sẽ không học được cách giải phương trình nếu sử dụng máy tính bỏ túi.
Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, chúng ta đều biết rằng máy tính bỏ túi là công cụ hữu ích giúp con người đạt được mục đích sử dụng của mình.
Theo Giáo sư Michael I. Kotlikoff, nên tập trung hơn vào việc sử dụng ChatGPT và các bot trí tuệ nhân tạo khác thế nào để cải thiện kỹ năng của con người, thay vì lo lắng về việc học sinh có sử dụng công cụ này để đạo văn mà không có ý tưởng của riêng mình hay không.
Khẳng định ChatGPT có thể dẫn tới những gian lận trong giáo dục là một thách thức, Giáo sư Michael I. Kotlikoff cho rằng các giáo viên, giảng viên cần chấp nhận thực tế này và thay đổi cách tiếp cận trong việc giao bài tập để giảm khả năng gian lận của học sinh, sinh viên.
"Điều quan trọng ở đây là giáo dục mọi người về tính liêm khiết trong học thuật và chia sẻ thông tin nguồn tài liệu. Tôi nghĩ điểm mấu chốt là không cấm cản mà trao đổi với học sinh, sinh viên rằng họ cần phải cung cấp nguồn, nêu rõ những nội dung bản thân đã bổ sung nếu sử dụng công nghệ này.
Chúng ta không nên nhấn mạnh việc công nghệ này có thể được sử dụng để gian lận, thay vào đó nên xem nó là một công cụ hỗ trợ con người", ông chia sẻ.
Cơ hội để ngành giáo dục đưa ra giải pháp, cách thức kiểm tra sinh viên hiệu quả nhất
Thạc sĩ Daniel Ruelle, Giám đốc Chương trình Tiếng Anh và Giao tiếp, Trường Đại học VinUni nhận định, ChatGPT thực tế không phải là hoàn hảo.
ChatGPT là sử dụng những kiến thức đã có trên mạng với sự hỗ trợ của nguồn dữ liệu khổng lồ và sự hỗ trợ của lập trình, từ đó trả lời những câu hỏi chúng ta đặt ra và có thể đoán được những câu hỏi trong tương lai để chuẩn bị cho câu trả lời. Đó là lý do tại sao ChatGPT có thể cung cấp thông tin, nhưng không phải chính xác 100%.
Vì sự phản ứng nhanh, có câu trả lời ngay khi chúng ta đặt câu hỏi nên ChatGPT khiến mọi người tò mò, bảo nhau sử dụng để so sánh trải nghiệm.
Ông nhấn mạnh, ChatGPT sẽ đặt ra rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, chúng ta không thể nào chạy trốn khỏi hay phủ quyết sự tồn tại của ChatGPT cũng như bất kỳ một công nghệ nào được ra đời mới.
Việc nên làm là tìm cách hiểu được công nghệ đó hoạt động như thế nào, tìm cách để có thể tồn tại, chung sống và áp dụng nó một cách hiệu quả nhất.
Một trong những thách thức đặt ra là làm thế nào để giảng viên có thể giúp sinh viên hiểu và sử dụng ChatGPT một cách có trách nhiệm nhất, tuân thủ đạo đức trong học tập.
Bên cạnh đó, cần giúp sinh viên biết được những thách thức, nguy hiểm khi sử dụng ChatGPT là gì và trong những lĩnh vực, khía cạnh nào nên sử dụng các công cụ như ChatGPT.
Thách thức thứ hai và cũng thách thức lớn nhất, theo Thạc sĩ Daniel Ruelle là làm thế nào để có thể đánh giá, kiểm tra được kiến thức của sinh viên, khi nếu chỉ kiểm tra những câu hỏi, yêu cầu viết bài luận thông thường thì ChatGPT hiện đã làm được.
"Đây thực sự là một thách thức rất lớn. Tuy nhiên, tôi nghĩ đây cũng là một cơ hội để tất cả nhà giáo dục, các trường ngồi lại với nhau, làm việc cùng nhau. Từ đó, đưa ra được giải pháp, cách thức để kiểm tra sinh viên một cách hiệu quả nhất, sáng tạo nhất", Thạc sĩ Daniel Ruelle nêu quan điểm.
Đề xuất giải pháp để việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả hơn sau khi có sự xuất hiện của ChatGPT, Thạc sĩ Daniel Ruelle chia sẻ, không nên xem viết bài học thuật là việc đưa ra một sản phẩm, mà cần nhìn nhận như một quá trình chúng ta sản xuất, khởi tạo ra một văn bản.
"Một trong những môn tôi giảng dạy là viết học thuật. Tôi dạy sinh viên có quá trình lên kế hoạch, lên các bản dự thảo, sau đó các bạn có thể viết dựa trên bản dự thảo đó và gửi lại cho giảng viên. Giảng viên đưa ra các góp ý để các em sửa lại bản thảo, sau đó mới ra được bản thảo cuối cùng. Cách xử lý một bài viết học thuật theo hướng như vậy sẽ khó để có thể sử dụng ChatGPT để gian dối", ông nói.
Giáo sư Wray Buntine, Giám đốc Chương trình Khoa học Máy tính, Viện Kỹ thuật và Khoa học Máy tính, Trường Đại học VinUni thì cho rằng, chúng ta không nên tránh né ChatGPT mà cần biết cách sử dụng công cụ này.
"Cũng như Google, chúng ta không thể cấm sinh viên sử dụng ChatGPT, vì thực ra khi trong phòng thi chúng ta có thể cấm, nhưng ngoài phòng thi sẽ không cấm được", ông nói.
Theo Giáo sư Wray Buntine, để tránh tình trạng sinh viên gian lận, các bài luận hay các yêu cầu của giảng viên đưa ra nên có độ khó nhất định. Điều này sẽ buộc lòng sinh viên vẫn phải tự làm, thay vì hoàn toàn sử dụng ChatGPT.
Bên cạnh đó, ông suy nghĩ đến phương án phân loại các bài kiểm tra theo cấp độ khác nhau, có những bài kiểm tra được phép sử dụng ChatGPT và có những bài không được phép sử dụng.
Ông cũng nhấn mạnh tới việc sẽ không sử dụng phần mềm ChatGPT miễn phí để ứng dụng vào quá trình đào tạo cũng như kiểm tra sinh viên. "Chúng tôi sẽ sử dụng phần mềm trả phí, là những phiên bản đặc biệt để đảm bảo nội dung tuân thủ nhất, hiệu quả nhất", Giáo sư Wray Buntine cho hay.