Hiệu trưởng ăn chặn hàng trăm triệu đồng tiền hỗ trợ giáo viên?
(Dân trí) - Dù đã được UBND huyện Lang Chánh cấp kinh phí hằng năm về trong đó có kinh phí chi trả tiền hỗ trợ cho giáo viên thế nhưng Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) đã “ỉm” luôn.
Ăn chặn hay sử dụng vào mục đích khác?
Từ năm học 2015, Trường THCS thị trấn Lang Chánh đã được UBND huyện Lang Chánh đầu tư nâng cấp thành trường trọng điểm chất lượng cao của huyện. Do trường ở thị trấn nên các giáo viên dạy giỏi được điều chuyển về trường không còn được hưởng các chế độ phụ cấp như ở vùng sâu vùng xa. Do đó, HĐND huyện Lang Chánh đã thông qua Nghị quyết số 70/2015/NQ-HĐND ngày 12/1/2015 về việc hỗ trợ thêm chế độ cho học sinh và giáo viên tại trường và nguồn này sẽ được lấy từ ngân sách của huyện Lang Chánh.
Trong 2 năm đầu thực hiện chế độ, Ban giám hiệu Trường THCS thị trấn Lang Chánh đã chi trả tiền hỗ trợ phần trăm đứng lớp cho giáo viên và cho học sinh có thành tích cao. Thế nhưng, trong năm học 2017-2018, số tiền hỗ trợ đứng lớp cho giáo viên là 217 triệu đồng (trong tổng số tiền hơn 800 triệu đồng được huyện cấp kinh phí về), hiệu trưởng trường này đã không chi trả cho giáo viên.
Hết năm học, giáo viên không nhận được số tiền trên, bước sang năm học mới 2018-2019, giáo viên cũng bị nhà trường “lờ” việc chi trả tiền hỗ trợ. Thắc mắc vì bất ngờ bị cắt chế độ, nhiều giáo viên trong trường đã có ý kiến, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh đã yêu cầu Phòng Tài chính và Phòng GD&ĐT về làm việc với nhà trường để làm rõ thông tin trên.
Tại giải trình của ông Phạm Chí Thọ - Hiệu trưởng trường này với cơ quan chức năng, ông Thọ cho rằng ông đã sử dụng số tiền hỗ trợ giáo viên vào việc sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất cho nhà trường.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Chí Thọ lúc thì cho rằng huyện không hướng dẫn cụ thể nên không biết có số tiền hỗ trợ giáo viên nằm trong gói tiền tổng ngân sách huyện rót về, lúc thì lại cho rằng do nhà trường gặp khó khăn nên đã lấy số tiền hỗ trợ giáo viên để sử dụng vào mục đích sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất.
“Do năm học 2017-2018 nhà trường gặp khó khăn nên đã sử dụng số tiền hơn 200 triệu hỗ trợ giáo viên để mua sắm cơ sở vật chất, chỉnh trang lại nhà trường. Cái này đã được Hội đồng nhà trường họp đồng ý, các giáo viên cũng có ký vào biên bản đồng ý. Chúng tôi cũng đã xin phép Phòng Tài chính và có văn bản đồng ý của phòng Tài chính huyện” - ông Thọ cho biết.
Thế nhưng, khi đề nghị ông Thọ cung cấp biên bản họp hội đồng nhà trường, biên bản được các giáo viên ký đồng ý chuyển số tiền hỗ trợ sang xây dựng cơ sở vật chất và văn bản được phòng tài chính đồng ý thì Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn viện lý do thầy giáo giữ các giấy tờ đó đi vắng nên không cung cấp được.
Trách nhiệm của cơ quan liên quan ở đâu?
Đáng nói, vào tháng 5/2018, UBND huyện Lang Chánh đã có cuộc thanh tra về việc quản lý sử dụng ngân sách tại trường này. Thanh tra cũng đã phát hiện ra việc chế độ giáo viên không được chi trả và có nội dung chỉ rõ: “Đối với khoản kinh phí hỗ trợ giảng dạy cho giáo viên, đơn vị đã sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ giảng dạy để chi đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị nhà trường như làm mái che, mua bàn ghế, sửa chữa nhà kho, nhà vệ sinh sân trường… Trong khi phần kinh phí đầu tư cơ sở vật chất đã được ngân sách đảm bảo và cấp hằng năm đầy đủ theo lộ trình thực hiện Đề án xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao”.
Thế nhưng, tại phần kết luận, Thanh tra không nói gì đến việc nhà trường phải chi trả lại chế độ cho giáo viên đúng quy định. Và từ tháng 5 đến nay, huyện này lờ luôn việc xử lý người đứng đầu nhà trường và phương án trả lại tiền hỗ trợ cho giáo viên.
Cho đến khi giáo viên tiếp tục thắc mắc thì Chủ tịch UBND huyện này mới tiếp tục chỉ đạo Phòng Tài chính và Phòng GD&ĐT xuống kiểm tra. Ngày 12/11, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lăng Chánh, ông Lê Minh Thư trực tiếp xuống trường để làm rõ việc làm trên. Thế nhưng khi trao đổi với PV, ông Thư không nắm được nhà trường đã nợ giáo viên số tiền là bao nhiêu, ngoài việc không chi trả năm 2017-2018 thì năm học này đã chi trả được bao nhiêu? Nhà trường sử dụng tiền hỗ trợ giáo viên vào mục đích gì?...
Vào ngày 12/11, ông Lê Minh Thư, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh xuống làm việc tại trường THCS thị trấn Lang Chánh. Tại đây, ông Thư đã yêu cầu thu toàn bộ điện thoại của các giáo viên khiến nhiều người vô cùng bức xúc. Giải thích cho việc làm trên, ông Thư cho rằng không muốn giáo viên ghi âm, chụp ảnh lại cuộc họp.
“Tôi đã yêu cầu nhà trường từ nay đến hết tháng 11 phải chi trả đầy đủ cho giáo viên. Nếu nhà trường lấy tiền của giáo viên sử dụng vào mục đích khác thì phải được sự đồng ý của giáo viên và thông qua hội đồng nhà trường. Sử dụng vào mục đích khác cũng không sai nhưng phải được sự đồng ý. Số tiền chi sai, chưa trả cụ thể bao nhiêu, cái này phòng tài chính họ nắm rõ” - ông Lê Minh Thư cho biết.
Đặc biệt, Phòng Tài chính là đơn vị cấp kinh phí về hàng năm và cuối năm nào cũng kiểm tra, rà soát việc chi như thế nào nhưng không hề phát hiện ra việc nhà trường không chi trả chế độ cho giáo viên. Đáng nói, khi được chỉ đạo làm rõ sự việc, thì phòng này cũng chỉ dừng lại ở việc làm rõ số tiền 217 triệu đồng không chi trả của năm 2017-2018 còn từ đầu năm 2018 cho đến nay, Phòng này cũng không nắm được nhà trường đã chi trả chế độ cho giáo viên hay chưa.
Bà Hà Thị Hoa, Trưởng Phòng Tài chính huyện Lang Chánh cho biết: “Ông Thọ có nói đã “mượn” số tiền này chi cho việc đầu tư cơ sở vật chất để trường được công nhận trường chuẩn Quốc gia giai đoạn 2. Việc chi như thế là sai, nhà trường phải có trách nhiệm trả lại số tiền hỗ trợ trên cho giáo viên. Việc ông Thọ cho rằng đã báo cáo phòng và được đồng ý là hoàn toàn không đúng. Không có chuyện ông Thọ báo cáo và chúng tôi đồng ý”.
Được biết, từ tháng 1/2018 đến nay, huyện Lang Chánh đã rót kinh phí về cho Trường THCS Thị trấn Lang Chánh gần 400 triệu trong đó có 78 triệu hỗ trợ cho giáo viên.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin!
Nguyễn Thùy