Hiểu thế nào cho đúng về ngành Kỹ thuật nhiệt?

P.V

(Dân trí) - Ngành kỹ thuật Nhiệt, với vai trò là trung tâm của quá trình sản xuất, biến đổi và sử dụng năng lượng, là nền tảng quá trình công nghiệp hóa, tạo sức bật để đến với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

Ngành kỹ thuật nhiệt, lĩnh vực hoạt động và nhu cầu nhân lực

Nhiệt của ngọn lửa đã góp phần quan trọng trong sự tiến triển từ cộng đồng nguyên thủy đến xã hội văn minh, từ việc đốt lửa để nấu ăn, sưởi ấm đến sản xuất điện và biến đổi thành các dạng năng lượng, vật chất khác trong mọi ngành mọi lĩnh vực để phục vụ con người.

Và trong xã hội văn minh này con người cần rất nhiều kỹ thuật khác nhau trong đó không thể thiếu kỹ thuật Lạnh để tạo các điều kiện nhiệt độ thấp để đảm bảo tiện nghi và bảo quản lâu dài các thành quả lao động của mình.

Ngành kỹ thuật Nhiệt với vai trò là trung tâm của quá trình sản xuất, biến đổi và sử dụng năng lượng đang là nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa, tạo sức bật để đến với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hiểu thế nào cho đúng về ngành Kỹ thuật nhiệt? - 1

Ngành kỹ thuật nhiệt (hay nhiệt - lạnh hoặc điện - lạnh) gồm có 3 lĩnh vực chính: Sản xuất và biến đổi các dạng năng lượng - lĩnh vực nhiệt điện và năng lượng tái tạo; cung cấp nhiệt và hơi dùng trong các ngành công nghiệp và thương mại, gia dụng - nhiệt công nghiệp; và công nghệ làm lạnh và điều hòa không khí.

Ngoài ra, lĩnh vực tự động hóa và điều khiển quá trình nhiệt - lạnh cũng có nhu cầu phát triển mạnh và đi theo cùng xu hướng của 3 lĩnh vực trên.

Có thể nói năng lượng, đặc biệt là điện năng, là chìa khóa của công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng của ngành điện gần gấp đôi tốc độ tăng GDP hàng năm.

Trong lĩnh vực sản xuất điện năng, nguồn thủy điện của nước ta đã được khai thác khá triệt để, nguồn điện mặt trời và gió có hiệu suất thấp, không ổn định và rất phụ thuộc vào thời tiết. Do đó, dù có được ưu đãi về đầu tư, trong 10-15 năm tới nguồn điện mặt trời, gió cũng chỉ cung cấp tối đa 5-10% tổng sản lượng điện (quy hoạch điện VII). Các nhà máy nhiệt điện bao gồm nhiên liệu than hay khí, dầu đang sản xuất ra 2/3 sản lượng điện, dạng năng lượng cao cấp nhất.

Tới năm 2030 lĩnh vực nhiệt sẽ sản xuất ra tới 70% sản lượng điện ở nước ta, nếu kể cả nguồn sinh khối con số này còn lớn hơn nhiều, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững năng lượng tái tạo theo Nghị quyết 55/NQ-TƯ ngày 24/02/2020.

Vì vậy, nước ta vẫn sẽ phải phát triển mạnh mẽ ngành nhiệt điện với dự kiến có thêm 46 nhà máy nhiệt điện cho tới năm 2030. Để làm được việc này, chúng ta sẽ phải cần khoảng 1.000-1.500 kỹ sư chuyên sâu về nhiệt điện.

Trong khi đó, tổng năng lực đào tạo hiện nay trong lĩnh vực này chỉ cung cấp tối đa 500-800 kỹ sư nhiệt điện trong vòng 10 năm tới. Vì vậy, trong thời gian sắp tới, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư nhiệt điện là vô cùng lớn.  

Hệ thống cung cấp nhiệt và hơi là thành phần không thể thiếu trong hầu hết các ngành công nghiệp như: luyện kim, cơ khí chế tạo, dệt may , hóa chất, dầu khí, chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo..., lò hơi công nghiệp, hệ thống cung cấp nước nóng cho các tòa nhà thương mại và các hộ gia đình.

Do đó, cùng với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu các hệ thống nhiệt công nghiệp và thương mại tăng lên nhanh chóng cùng với nhu cầu các kỹ sư nhiệt về thiết kế chế tạo, lắp đặt và vận hành sửa chữa bảo dưỡng các hệ thống này. Hàng năm, nhu cầu kỹ sư, cử nhân chỉ riêng lĩnh vực này đã 500-800 người.

Bên cạnh đó, với khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng với sự gia tăng các tòa nhà cao tầng hàng năm từ 10-15% nên nhu cầu sử dụng các thiết bị điều hòa không khí ngày càng tăng. Đặc biệt, do sự phát triển của công nghiệp 4.0, số lượng các trung tâm dữ liệu, trung tâm truyền thông, trạm BTS tăng lên chóng mặt đây chính là những hộ tiêu thụ lạnh rất lớn với các hệ thống điều hòa không khí chuyên biệt.

Không những thế, việc xuất hiện nhanh chóng các nhà máy chế biến linh kiện và thiết bị điện tử của các tập đoàn lớn và nhiều xí nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao khác đang làm tăng cao nhu cầu sử dụng các hệ thống điều hòa không khí chính xác có năng suất lạnh siêu lớn. 

Chính vì vậy, thị trường lao động ngành điều hòa không khí luôn thiếu nhân lực một cách trầm trọng, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước phát triển và các nước trong khu vực. Sinh viên học lĩnh vực này chưa tốt nghiệp đã có việc làm.

Một lĩnh vực ứng dụng rất quan trọng nữa của ngành kỹ thuật nhiệt là lĩnh vực lạnh công nghiệp, bao gồm thiết kế chế tạo, lắp đặt vận hành, bảo trì sửa chữa các kho lạnh, hệ thống cấp đông, làm lạnh, các hệ thống sấy nông sản ở nhiệt độ thấp. 

Để có một ngành nông nghiệp xanh sạch 4.0, chúng ta không thể tách rời với lĩnh vực chế biến và bảo quản lạnh, bảo quản đông rau quả, nông sản, thực phẩm. Đây là lĩnh vực còn tương đối mới mẻ và đang phát triển rất nhanh, vì thế luôn có sự thiếu hụt nhân sự được đào tạo bài bản.

Vì bản chất ngành nhiệt là nền tảng cung cấp năng lượng và nhu cầu về làm lạnh cho mọi lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng, y tế, dân dụng,… nên vị trí việc làm khi ra trường của kỹ sư ngành nhiệt rất rộng mở và đa dạng, nhu cầu tuyển dụng luôn lớn hơn nguồn cung.  Theo thống kê, 95% sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành.

Hiểu thế nào cho đúng về ngành Kỹ thuật nhiệt? - 2

Ngành kĩ thuật nhiệt học gì, học có khó không?

Ngành nhiệt do vai trò cung cấp nền tảng năng lượng cho công nghiệp và xã hội nên về bản chất là sự tích hợp rất đa dạng các các môn học của 4 lĩnh vực: cơ khí chế tạo - điện - năng lượng nhiệt - điều khiển tự động.

Trong số các môn học, không kể các môn cơ sở chung toàn trường, thì chương trình học của ngành nhiệt có khoảng 25% số môn thuộc cơ khí chế tạo, 15% các môn của ngành điện, 10% các môn về tự động hóa và điều khiển, 50% các môn còn lại là thuộc về lĩnh vực năng lượng nhiệt và năng lượng tái tạo.

Khối lượng các môn học cơ bản (đại cương) về toán, vật lý, hóa học cũng thuộc nhóm các ngành cao, chỉ kém các ngành về CNTT, toán , điều khiển - tự động hóa,… trong Trường ĐHBK Hà Nội. Chính vì vậy, học ngành nhiệt luôn là một thử thách không dễ dàng với các bạn sinh viên khi theo đuổi ngành này, đặc biệt trong 3 năm đầu.

Tuy nhiên, chính sự đa dạng mang tính tích hợp và với kiến thức nền tảng rộng trong chương trình đào tạo lại là điểm mạnh khiến cho kỹ sư ngành nhiệt khi ra trường rất dễ dàng tìm việc làm và thích nghi trong công việc với rất nhiều các vị trí việc làm khác nhau.

Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt – Lạnh (Trường ĐHBK Hà Nội) với bề dày lịch sử 60 năm đào tạo, hiện là đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo chuyên sâu về ngành kỹ thuật nhiệt với đầy đủ các lĩnh vực. Tại đây, sinh viên sẽ được học tập dưới sự giảng dạy của đội ngũ giảng viên trình độ cao với hàng chục năm kinh nghiệm giảng dạy và ứng dụng thực tế.

Bên cạnh chương trình giảng dạy lý thuyết, sinh viên còn được thực hành tại các phòng thí nghiệm, xưởng thực hành hiện đại, tham gia thực tập tại các nhà máy, làm việc theo các chương trình kết hợp với doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đặc biệt, hàng năm, các chương trình liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài nước đều tài trợ học bổng để khuyến khích, động viên sinh viên có thành tích học tập cao, học bổng toàn phần lên tới 25 triệu/năm và học bổng bán phần 10-15 triệu/năm, ngoài ra còn rất nhiều học bổng khuyến khích khác với tổng giá trị từ 200 đến 250 triệu/ năm; chương trình hỗ trợ nghiên cứu 150 triệu/năm, 1-3 suất thực tập tại nước ngoài (Nhật Bản hoặc Tây Âu)).

Do đặc điểm và môi trường đào tạo nên tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp của ngành nhiệt có việc làm ngay sau tốt nghiệp là rất cao, những năm qua luôn thuộc nhóm 5 ngành cao nhất trường ĐHBK Hà Nội.

Nền móng đầu tiên của Ngành kỹ thuật Nhiệt xuất hiện tại Việt Nam vào đầu những năm 1960, khi Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ nước ta xây dựng các nhà máy nhiệt điện để bắt đầu công nghiệp hóa miền Bắc. Nhằm cung ứng kịp thời nguồn nhân lực trình độ cao cho các nhà máy điện, tháng 10 năm 1960 tại khoa Điện, trường Đai học Bách khoa Hà Nội xuất hiện bộ môn Nhiệt điện có chức năng đào tạo những kỹ sư Nhiệt đầu tiên để phụ vụ các nhà máy điện.

Trong quá trình phát triển của nền kinh tế, nước ta lại là nước nông nghiệp nằm trong vùng nhiệt đới nóng ẩm, do đó không thể thiếu được ngành lạnh. Từ năm 1973 (từ khóa 18 của ĐHBK Hà nội), chuyên ngành Lạnh ra đời. Chuyên ngành kỹ thuật Lạnh là tạo ra nhiệt độ thấp. Ngành lạnh có 2 lĩnh vực chủ yếu là điều hòa không khí và làm lạnh, thông gió xử lý chất lượng không khí.

Trong giai đoạn từ năm 2000 tới nay, quá trình công nghiệp, hóa hiện đại hóa diễn ra mãnh liệt do đó nhu cầu của lĩnh vực nhiệt lạnh ngày càng cao. Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn này theo đề nghị của Lãnh đạo trương Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày 10/10/2000 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định 4166/BGDĐT/QĐ-TCCB thành lập Viện Khoa học & Công nghệ Nhiệt- Lạnh trên cơ sở sát nhập 2 bộ môn Công nghệ Nhiệt của khoa Năng lượng và Máy lạnh & Thiết bị Nhiệt của khoa Cơ khí. Đây thực sự là một cú hích để phát triển ngành Nhiệt với chức năng đào tạo đại học và sau đại học cũng như nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Tới nay, từ 6 cán bộ cơ hữu ban đầu, hiện nay ngành Nhiệt đã có mặt ở gần hết các trường đại học kỹ thuật và cao đẳng trên toàn quốc với hàng trăm cán bộ và hàng nghìn sinh viên. Tại Đại học BKHN ngành cũng đã có bước phát triển vượt bậc với quy mô đào tạo trên 1000 sinh viên đại học và sau đại học, đào tạo cho 3 lĩnh vực chuyên sâu (1) công nghệ năng lượng và nhiệt điện; (2) hệ thống và thiết bị nhiệt; (3) công nghệ lạnh và điều hòa không khí, cùng với đội ngũ giảng viên gồm hàng chục giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ giàu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc thành lập Viện đã thúc đẩy việc kết hợp đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.