Gia Lai:
Hiệu quả mô hình "dạy bán trú, nuôi nội trú"
(Dân trí) - Trong những năm qua, các thầy cô giáo huyện Kbang (Gia Lai) đã phải chịu nhiều thiệt thòi trong việc xây dựng các trường phổ thông dân tộc bán trú và tiểu học (PTDTBT và TH). Theo đó, chế độ của các trường là bán trú, nhưng thực tế các trường lại dạy theo nội trú để đầu tư thêm thời gian dạy và chăm sóc cho các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số được tốt hơn.
Chọn chất lượng hay chế độ
Theo ông Lê Thanh Hải - Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Kbang cho biết, việc xây dựng hệ thống bán trú ở các trường vùng sâu, vùng xa đã thực hiện được 6 năm và đã thấy được sự thay đổi rõ rệt từ mô hình bán trú mang lại.
Nói là bán trú nhưng thực ra là các trường ở “vùng khó” đều nuôi, dạy các em theo hình thức nội trú. Cụ thể, theo chế độ nội trú thì các em được hưởng 70% trợ cấp so với hệ lương cơ bản. Nhưng đối với các em học sinh bán trú thì chỉ được 40% trợ cấp so với hệ lương cơ bản (khoảng 520 ngàn đồng/tháng/em + 15kg gạo).
Nếu nuôi, dạy theo bán trú thì các em được ăn 1 buổi trưa và tối các em về nhà thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu vậy thì việc duy trì bán trú ở khu vực vùng sâu, vùng xa thì sẽ rất khó vì các em đi về nhà thì đường xa, giao thông hiểm trở. Cùng với đó là trình độ dân trí của bà con chưa cao nên không ý thức được sự cần thiết của giáo dục.
“Được sự nhất trí của huyện, Phòng Giáo dục đã triển khai là chọn kiểu dạy bán trú, nhưng nuôi theo kiểu nội trú. Theo đó, học sinh sẽ được ăn cơm 3 bữa/ngày và ở lại trường đến hết cuối tuần. Biết là như vậy sẽ thiệt thòi cho các nhà trường khi phải lo cho các em 3 bữa cơm và các chi phí sinh hoạt khác. Trong khi đó, mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên là 40% hệ lương cơ bản. Nhưng vì chất lượng giáo dục vùng cao nên chúng tôi cũng động viên các thầy cô giáo… Phòng Giáo dục cũng đã chia sẻ, kêu gọi các nhà thiện nguyện để hỗ trợ quần áo, sách vở, dồ dùng học tập cho các em. Nhưng con số đó rất ít nên mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống đều đè nặng lên vai những người thầy…”, thầy Hải cho biết thêm.
"Dạy bán trú, nuôi nội trú" - bao nhiêu khó khăn đều dồn lên vai những người thầy.
Theo anh Nguyễn Tiến Bình (Chuyên viên tiểu học- Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Kbang): “Mới đầu, khi triển khai việc dạy bán trú nhưng nuôi nội trú thì chúng tôi cũng sợ các thầy cô cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng qua nhiều năm thực hiện thì đã đưa nền giáo dục Kbang phát triển. Tỷ lệ học sinh tiểu học “ngồi nhầm lớp” hay yếu Tiếng Việt đã không còn. Để minh chứng, thay vì kiểm tra sổ sách tổng điểm của các em thì chúng tôi đã kiểm tra từng học sinh một để phản ánh đúng chất lượng. Chính vì vậy, sẽ không còn bệnh thành tích hay chạy đua theo phong trào và các thầy cô phải kèm từng em để mang lại hiểu quả giáo dục tốt nhất cho các em học sinh vùng khó khăn…”.
Thầy cô chịu khó nhưng học sinh được lợi
Tại trường PTDTBT và TH Krong (xã Krong, Kbang) đã xây dựng ngôi trường khang trang để phục vụ cho gần 300 em học bán trú. Theo đó, trường có 100% là các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông đi hiểm trở nên tình trạng bỏ học vẫn thường xuyên xảy ra. Chính vì vậy, thầy Nguyễn Văn Thuấn (Hiệu trưởng nhà trường) đã thực hiện theo chế độ dạy bán trú nhưng nuôi nội trú.
“Hình thức này là giữ các em học sinh ở lại trường cả tuần. Lúc đó, giám sát và duy trì sĩ số tốt hơn. Đồng thời, vào các thời gian rảnh rỗi thì các thầy cô và bạn bè có thể giúp nhau để học tập. Cái giá trị nhất khi các em sống trong môi trường nội trú sẽ giúp cho các em học được những kĩ năng sống cơ bản và vệ sinh ăn uống, tách được cuộc sống hoang dã nơi núi rừng…”, thầy Thuấn bộc bạch.
Mô hình "dạy bán trú, nuôi bán trú"
Thầy Thuấn chia sẻ về những khó khăn: “Nhưng đổi lại, các em phải ăn 3 buổi/ngày và phát sinh chi phí vệ sinh, ở, quần áo…Tất cả những thứ này đều do thầy cô cân đối hoặc đi xin từ thiện về cho các em mặc. Ngoài ra, các thầy cô phải tăng gia trồng rau sạch, nuôi heo để bổ sung vào bữa ăn cho các em. Đồng thời, nếu các em ở lại thì lại thiếu phòng cho các em ở nên chúng tôi phải dùng phòng học để có chỗ cho các em ở. Còn dành phòng hội đồng, phòng họp của giáo viên và tự làm thêm nhà tạm để cho các em học…Tất cả những thứ chúng tôi làm với một mong muốn là nâng cao chất lượng giáo dục và duy trì sĩ số…”.
Dạy bán trú, nuôi nội trú khiến nhiều trường thiếu chỗ ở, chỗ học cho học sinh.
Cũng tại một ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia, trường PTDTBT và TH Đăk Kroong đã thành công trong việc dạy bán trú mà nuôi nội trú. Thầy Phạm Quốc Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Trường Đăk Roong là một trong những trường đầu tiên thực hiện theo mô hình dạy bán trú như thực tế là nuôi nội trú. Mới đầu việc nuôi nội trú rất khó khăn khi những chi phí sinh hoạt, ăn mặc của các em các thầy cô giáo đều đi vận động xin giúp đỡ. Chính nhờ các nguồn giúp đỡ trên cả nước đã giúp chúng tôi xây thêm phòng ăn, ở và khu vui chơi cho các em. Có thể nói, đây là ngôi trường đẹp bán trú đẹp nhất Tây Nguyên cũng một phần từ xã hội hóa…”.
Hiện nay trên địa bàn huyện Kbang có tất cả 9 trường PTDTBT và TH ở các vùng đặc biệt khó khăn đều nuôi dạy theo hình nội trú, trong khi chế độ chỉ là bán trú. Bao gánh nặng đều đè lên đôi vai những người thầy, người cô. Nhưng đổi lại môi trường nội trú đã như một "đòn bẩy" đưa giáo dục vùng cao trỗi dậy.
Chất lượng giáo dục vùng cao sẽ được nâng lên khi dạy bán trú, nuôi nội trú.
Ông Hải đánh giá: “Việc nuôi nội trú sẽ là một gánh nặng cho các thầy cô. Nhưng đổi lại đó là trong những năm qua thì nền giáo dục của huyện Kbang đã không ngừng đổi mới. Tỉ lệ ngồi nhầm lớp, học vẹt… ở các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đã được khắc phục hoàn toàn. Có được sự thành công đó là cả một quá trình nỗ lực “bươn rừng, cõng chữ” như các báo đã phản ánh. Hai là sự hy sinh thầm lặng của các thầy cô khi phải đến từng nhà dân để xin quần áo, giày dép nhằm giúp các em có cuộc sống tốt nhất ở nhà trường… Còn về chế độ thì chúng tôi cũng chỉ mới dừng ở mức động viên, khích lệ. Đối với chúng tôi thì Chính phủ đã hỗ trợ chế độ bán trú như thế là cả một sự cố gắng và là niềm vui sướng cho thầy cô và học sinh lắm rồi…”.
Phạm Hoàng