Hiệp hội các trường ĐH, CĐ kiến nghị 10 giải pháp lên Thủ tướng Chính phủ
(Dân trí) - GS.Trần Hồng Quân vừa kí văn bản kiến nghị một số giải pháp cho các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập gửi tới Thủ tướng Chính phủ.
Kiến nghị bỏ điểm sàn
Theo Bản “Kiến nghị một số giải pháp cho các trường ĐH, CĐ ngoài công lập” mà Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam (Hiệp hội) gửi Thủ tướng Chính phủ, có 2 nhóm vấn đề lớn được nêu ra nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong tuyển sinh và xác định bản chất sở hữu của các trường ĐH ngoài công lập.
Theo đó, Hiệp hội kiến nghị, Bộ GD&ĐT cần bỏ quy định “điểm sàn”, trao quyền tự chủ cho các trường tư thục đồng thời siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh các trường công lập. Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách mở rộng quy mô hệ thống trường ngoài công lập và chưa nên giảm quy mô đào tạo đại học.
Theo GS Trần Hồng Quân, quy định “điểm sàn” theo sáng kiến của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm vừa qua, đã làm cho nhiều trường ngoài công lập và cả các trường công lập ở địa phương rất khó khăn trong tuyển sinh, do nguồn tuyển từ “điểm sàn” trở lên ngày càng cạn kiệt, đặc biệt khi các trường đại học công lập “tốp trên” xác định điểm chuẩn vào trường áp sát “điểm sàn” của Bộ.
Do đó, Bộ GD&ĐT phải kiên định quan điểm bỏ “điểm sàn”, trao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh để vừa phù hợp với Luật Giáo dục đại học, vừa phù hợp với xu thế của giáo dục thế giới. Bỏ “điểm sàn” kết hợp với siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh sẽ giúp cho từng trường lựa chọn được nguồn tuyển thích hợp, không lo rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn tuyển.
Nhà nước cần tiếp tục ban hành các chính sách phù hợp để từng bước xóa dần sự bất bình đẳng giữa các trường công lập và trường ngoài công lập, giữa sinh viên công lập và sinh viên ngoài công lập. Thí dụ như, học bổng không cấp cho trường mà chỉ cho các đối tượng chính sách, không phân biệt đối tượng đó học ở trường công hay trường tư. Nhà nước cũng cần nghiêm cấm “tệ phân biệt công tư” trong tuyển dụng lao động...
Nhóm vấn đề thứ hai mà Hiệp hội đề xuất liên quan tới việc xác định bản chất sở hữu của các loại hình trường ĐH ngoài công lập.
Cụ thể, Hiệp hội cho rằng, với mô hình trường không vì lợi nhuận, thì kinh nghiệm từ các nước đang phát triển vẫn cần có sự đền đáp vật chất hợp lý dưới dạng phần thưởng hàng năm cho các nhà góp vốn. Các cổ đông cũng có quyền lợi nhất định như cử đại diện vào Hội đồng quản trị, ứng cử chức danh quản lý trong trường, được nhận tiền thưởng hàng năm hợp lý…
Đối với loại hình trường tư thục, Hiệp hội cho rằng, cần hạn chế tối đa vận dụng mô hình quản lý công ty cổ phần vào việc quản lý trường ĐH tư thục với quá nhiều ưu tiên cho nhà đầu tư. Tốt hơn cả nên chuyển qua mô hình công ty TNHH có từ 2 thành viên trở lên của Luật Doanh nghiệp. Đồng thời có quy định hạn chế trần góp vốn của cổ đông và cổ đông nhóm để tránh tháo túng các nhóm lợi ích.
Gửi 10 kiến nghị đến Thủ tướng
Từ những nội dung đã trình bày, Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết kịp thời những kiến nghị sau:
1. Bỏ điểm sàn, trao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh kết hợp với siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh sẽ giúp cho từng trường lựa chọn được nguồn tuyển thích hợp.
2. Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam ủng hộ chủ trương trao quyền tự chủ cho các trường.
Tự chủ đại học có tác dụng tích cực, tiến tới xóa bỏ được sự không công bằng bấy lâu nay giữa trường công lập và ngoài công lập, do vậy cần được triển khai sớm, rộng rãi.
3. Để chủ trương lớn về xã hội hóa giáo dục (Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 29-NQ/TW khóa XI ) đi vào cuộc sống và đạt được hiệu quả, Nhà nước cần khẳng định lại cho thật sự rõ ràng và ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định, minh bạch, nhất quán để đông đảo người dân tin tưởng tham gia góp vốn, trí tuệ, công sức đầu tư cho giáo dục.
4. Mở rộng quy mô hệ thống trường ngoài công lập và xác định giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập giống như hai chiếc cánh của một con chim - hệ thống giáo dục quốc dân; cả hai cánh đều phải khỏe, cân đối thì Giáo dục Việt Nam mới có thể bay cao, vươn xa được.
5. Vấn đề đầu tư: Đây là vấn đề khó nhưng Nhà nước cũng nên đầu tư dưới dạng thức:
+ Cho mượn đất hoặc cho thuê đất với giá ưu đãi, trước hết nên áp dụng ngay cho các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
+ Có đánh thuế, nhưng dùng tiền thuế đầu tư lại cho Nhà trường
6. Nhà nước chưa nên giảm quy mô đào tạo đại học như kiến nghị của một số chuyên gia và tổ chức. Trong những năm tới, khi kinh tế phát triển, nhu cầu nhân lực bậc cao lại tiếp xuất hiện trở lại.
7. Các văn bản qui phạm pháp quy về giáo dục nói chung và giáo dục đại học ngoài công lập nói riêng, cần được Nhà nước nghiên cứu, xem xét điều chỉnh cho phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 29 Ban chấp hành Trung ương Khóa XI.
8. Nội dung “bản chất” sở hữu của các loại hình trường đại học ngoài công lập là “chủ” của các loại hình trường, cần căn cứ Bộ Luật Dân sự để qui định rõ ràng, cụ thể trong tất cả các các văn bản có liên quan.
Chưa có sự rõ ràng này là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng mất đoàn kết liên miên ở nhiều trường ngoài công lập. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã dùng đến chế tài “ngừng tuyển sinh” - đồng nghĩa với “cắt nguồn sống” đối với những trường này.
9. Thực hiện chuyển đổi các trường đại học dân lập qua loại hình trường đại học tư thục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 45/2014/TTBGDĐT cần được điều chỉnh theo 2 hướng đã trình bày ở trên.
10. Về đất đai, có chế tài đối với những cơ quan, địa phương có liên quan không, hoặc chưa thực hiện các quy định về cấp đất cho các trường thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Mỹ Hà
(Email:myha@dantri.com.vn)