Hiện tượng mạng Kaito Kid lại gây "bão" vì tiếp tục đoán trúng đề văn
(Dân trí) - Những giải mã bất ngờ về dãy số dự đoán đề thi môn ngữ văn mà trang facebook Kaito Kid đưa ra tối 29/6 khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Tối 29/6, sau khi các thí sinh hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, nhân vật bí ẩn mạng xã hội với tên truy cập Kaito Kid đã xuất hiện trở lại và đưa ra giải mã về dự báo đề thi ngữ văn.
Lời giải này tiếp tục gây choáng váng bởi đưa ra bởi đáp số lại chính là "Vợ nhặt" - tác phẩm được ra trong đề thi ngữ văn.
Theo lý giải của Kaito Kid, trong bài viết về "Blue Sapphire", nhân vật này đã đưa ra 2 dãy số 10124027 và 14370212.
Dãy số này được bắt nguồn từ việc Kaito Kid được mệnh danh là "siêu trộm 1412" trong bộ truyện tranh nổi tiếng "Thám tử lừng danh Conan", xuất xứ từ Nhật Bản.
Với cách lý giải về hình tượng học đầy rắc rối, Kaito Kid đã đưa ra đáp án dãy số 10124027 được dịch là "Vợ nhặt"; dãy số 14370212 được dịch là "Kim Lân" - tên nhà văn sáng tác tác phẩm này.
Để tăng tính thuyết phục, trang này còn đăng tải một bức ảnh được cho là chụp lại màn hình Zalo trao đổi với họa sĩ thiết kế bức ảnh dự đoán. Thời gian được hiển thị là 18h18 ngày 27/6, cách thời điểm đăng bức ảnh dự đoán gần 3 tiếng.
Phía dưới phần bình luận, nhiều người đồng tình với cách lý giải mà Kaito Kid đưa ra.
Tuy vậy, đa phần ý kiến cho rằng cách giải thích này khá khó hiểu và đánh đố bởi ít ai có thể suy luận được.
Cùng với đó, một luồng ý kiến khác cũng bày tỏ sự nghi ngờ về tính đúng sai của lập luận này.
Trước đó, mọi suy đoán và phân tích về hình ảnh mà Kaito Kid cũng dẫn đến tác phẩm "Người lái đò sông Đà". Do đó, nhiều thí sinh đã ôn rất kỹ tác phẩm này.
Kết thúc giờ thi môn ngữ văn tại TPHCM, Hoàng Thi - học sinh Trường Quốc tế Á Châu - chia sẻ đã ôn rất kỹ tác phẩm "Người lái đò sông Đà". Vì thế, khi đọc đề ra về tác phẩm khác khiến nữ sinh hụt hẫng.
"Lần đầu tiên, tim em hẫng đi một nhịp", Thi kể lại.
Cùng tâm trạng, Trần Quang Thịnh - học sinh Trường THCS-THPT Đăng Khoa cũng tập trung thời gian cho hai tác phẩm "Đất nước" và "Người lái đò sông Đà".
"Chuyến này, Tràng nhặt em đi luôn rồi. Em ra đẩy xe thóc với Tràng luôn", Thịnh giãy bày.
Cũng theo dõi diễn biến đoán đề thi của Kaito Kid nhưng Hoàng Thạch - học sinh Trường Quốc tế Á Châu - cho biết em không tin vào dự báo lắm, không "học tủ" nên không bị ảnh hưởng.
Tương tự, Trần Hữu Nguyên Sơn - học sinh Trường THPT Phú Nhuận - cũng cho biết có nghe thông tin đoán đề nhưng quyết định không tin tưởng.
Sau vụ ôn lệch tủ thi tốt nghiệp THPT 2023 vì nghe Kaito Kid, Thanh Thảo - thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THPT Phú Nhuận - bày tỏ đây là bài học kinh nghiệm và sẽ không "học tủ" nữa.
Trong 3 năm liên tục từ 2020 đến 2022, nhân vật mạng xã hội "Kaito Kid" đã "đoán trúng" tác phẩm sẽ có trong đề thi gồm "Chiếc thuyền ngoài xa" - năm 2022, "Sóng" - năm 2021 và "Đất nước" - năm 2020. Năm 2022, người quản trị của trang này là nhóm sinh viên đại học tại TPHCM vướng lùm xùm lộ đề thi. Đến mức, Bộ GD&ĐT và Bộ Công an phải vào cuộc điều tra.
ThS Phan Thế Hoài - giáo viên môn ngữ văn, Trường THPT Bình Hưng Hòa (TPHCM) nhận định, việc đoán trúng đề là do xác suất, vì các tác phẩm trọng tâm trong chương trình ngữ văn lớp 12 thường cũng chỉ dưới 10 bài.
ThS Đỗ Đức Anh - giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Bùi Thị Xuân có lời khuyên: "Nếu được, tôi khuyên các em nên tránh xa mạng xã hội trong giai đoạn thi cử bởi nếu các bạn không lọc được thông tin xấu độc, tin giả, câu view sẽ gây nhiễu".
ThS Đỗ Đức Anh cho rằng việc phó mặc tương lai, cuộc đời, kỳ thi quan trọng cho một dự đoán hết sức viển vông sẽ rất tai hại, không thể giao cuộc đời của chính mình cho người khác. Các em học sinh hãy tin vào năng lực của chính bản thân mình, đừng tin vào bất cứ ai.