Bạn đọc viết:
“Hiến kế” hạn chế học sinh gian lận trong kiểm tra
(Dân trí) - Hành vi “gian lận” trong kiểm tra của học sinh sẽ còn tồn tại và tiếp tục xảy ra, khi còn một bộ phận học sinh chưa có ý thức tự học hoặc thiếu tự tin trong học tập, cha mẹ lại ít quan tâm đến việc học của con…
1. Thực trạng hiện nay, cho thấy ở trường phổ thông (THCS, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên), cứ mỗi lần kiểm tra từ kiểm tra thường xuyên (kiểm tra miệng, 15 phút) đến kiểm tra định kỳ( kiểm tra 1 tiết, học kỳ) là có học sinh vi phạm quy chế kiểm tra. Đó là những học sinh lười học hoặc học yếu do kiến thức bị hổng bị từ các lớp dưới lại muốn có điểm trong bài kiểm tra nên trông chờ có cơ hội là “quay cóp”. Cũng có học sinh học lực khá nhưng thiếu tự tin vào kết quả học tập bản thân, khi có cơ hội cũng không bỏ qua.
Thế nên, hành vi “gian lận” trong kiểm tra của học sinh sẽ còn tồn tại và tiếp tục xảy ra, khi còn một bộ phận học sinh chưa có ý thức tự học hoặc thiếu tự tin trong học tập, cha mẹ lại ít quan tâm đến việc học của con.
Do vậy, để hạn chế hành vi “gian lận” của học sinh trong kiểm tra , thiết nghĩ nhà trường cần lắp đặt hệ thống camera ở tất cả các phòng học (hiện nay ở nhiều trường phổ thông đã có camera). Căn cứ vào hình ảnh được ghi nhận, tất cả học sinh “gian lận” (như xem tài liệu, chép bài của bạn…) sẽ được mời đến trường để làm kiểm điểm và viết cam kết không tái phạm (cùng với cha mẹ). Nếu tiếp tục tái phạm sẽ bị đưa ra hội đồng kỷ luật nhà trường xử lý và hạnh kiểm bị xếp loại yếu theo Thông tư 58 của Bộ GD&ĐT.
Một khi học sinh vi phạm quy chế kiểm tra đã làm cam kết với nhà trường và biết được nếu tái phạm có thể sẽ ở lại lớp hoặc không được dự thi tốt nghiệp THPT, tôi tin rằng sẽ không còn nhiều học sinh tái phạm.
Còn phụ huynh học sinh biết được nếu con tái phạm sẽ không được dự thi tốt nghiệp, họ sẽ ra sức giáo dục, nhắc nhở con họ học hành nghiêm túc, được như thế nhà trường sẽ bớt đi nỗi lo học sinh “gian lận” trong kiểm tra.
2. Thực trạng ở trường phổ thông hiện nay, cũng cho thấy có một bộ phận thầy cô khi coi kiểm tra đã “vô tư” để học sinh trao đổi bài làm, trao đổi tài liệu với nhau. Có thầy cô không lập biên bản vi phạm quy chế kiểm tra khi học sinh sử dụng tài liệu nếu đó là con em của họ, là học trò học thêm với họ hoặc là học trò được cha mẹ “gửi gắm”…
Thế nên “gian lận” trong kiểm tra của học sinh sẽ còn tồn tại và còn tiếp tục xảy ra khi giáo viên khi coi kiểm tra lại không làm tròn trách nhiệm.
Do vậy, để hạn chế tình trạng học sinh “gian lận” trong kiểm tra, thiết nghĩ sau mỗi lần kiểm tra, qua camera ghi nhận, hiệu trưởng mời tất cả giáo viên coi kiểm tra không nghiêm túc( như để học sinh xem tài liệu không lập biên bản vi phạm…) dự họp, để họ nghe giới thiệu về những sai sót cần được khắc phục. Được hiệu trưởng làm việc khi coi kiểm tra không nghiêm túc, tôi tin rằng thầy cô không ai để tái phạm nếu như họ có lòng tự trọng, không muốn bị cắt danh hiệu thi đua và họ sẽ nghiêm túc khi coi thi tốt nghiệp THPT hoặc coi thi tuyển lớp 10.
3. Thực trạng hiện nay ở trường phổ thông, còn cho thấy có hiệu trưởng sợ giáo viên nhận xét không tốt khi lấy phiếu tín nhiệm, nên ít tổ chức rút kinh nghiệm sau các kỳ kiểm tra và bỏ qua những sai sót của giáo viên. Cũng có hiệu trưởng tìm cách giảm nhẹ hoặc bỏ qua lỗi vi phạm của học sinh là con em của họ hoặc những học sinh được cha mẹ “gửi gắm”. Mặt khác có hiệu trưởng sợ “mất điểm” thi đua khi nhà trường có nhiều học sinh không được dự thi tốt nghiệp vì lý do hạnh kiểm trong đó có hành vi gian lận trong kiểm tra.
Thế nên “gian lận” trong kiểm tra của học sinh ở trường phổ thông sẽ còn tồn tại và còn tiếp tục xảy ra, khi hiệu trưởng còn “tình cảm, nể nang”, không công bằng, không quyết liệt trong xử lý học sinh vi phạm quy chế kiểm tra, không tổ chức rút kinh nghiệm đối với giáo viên coi kiểm tra không nghiêm túc.
Do vậy để “gian lận” trong kiểm tra của học sinh không còn là nỗi lo, tôi cho rằng hiệu trường nhà trường cần xây dựng kế hoạch chỉ đạo chuyên môn đề ra yêu cầu tất cả giáo viên các môn học phải củng cố kiến thức mà học sinh đã bị “hổng” từ các lớp dưới, hình thành thái độ học tập nghiêm túc để các em tự tin khi làm bài kiểm tra; giáo viên phải báo cáo với hiệu trường việc tổ chức kiểm tra tại lớp các bài kiểm tra thường xuyên và bài kiểm tra định kỳ các môn học không tổ chức kiểm tra tập trung, để nhà trường có kế hoạch theo dõi việc thực hiện qua camera.
Việc ngăn chặn hành vi “gian lận” của học sinh trong kiểm tra ở trường phổ thông cũng chính là việc nhà trường hình thành cho các em đức tính trung thực - một phẩm chất hàng đầu của nhân cách để khi đời các em không có hành vi “gian lận” trong cuộc sống.
Trần Vũ
(Tây Ninh)