Điểm tốt nghiệp môn Địa lý:

“Hiếm điểm giỏi và 99% sẽ không có điểm tuyệt đối”

(Dân trí) - Đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lí được đánh giá bám sát chương trình, không đánh đố, nhiều giáo viên tiên lượng điểm thi sẽ khả quan. Tuy nhiên, qua thực tế chấm thi, phổ điểm chỉ ở mức 5-6, không ít bài dưới trung bình.

Thông tin được thầy Vũ Quốc Lịch, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cung cấp.

“Hiếm điểm giỏi và 99% sẽ không có điểm tuyệt đối” - 1

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009

Hiện chưa có kết quả tổng hợp của Bộ GD-ĐT, tại sao thầy có thể nhận xét như vậy?

Qua chấm hơn 500 bài thi, bài được điểm 8-9 không nhiều. Nhiều giám khảo ở các hội đồng chấm ở các tỉnh khác cũng cho hay, họ chưa thấy bài nào trên 9,5 cả. Do vậy, có thể dự báo tới 99% rằng sẽ không có điểm tuyệt đối ở môn Địa lí.

Nhiều thí sinh thi xong, cho rằng đề Địa lí rất dễ, tự khẳng định bài thi của mình phải 8 điểm. Tại sao phổ điểm lại không cao?

Phần thí sinh dễ bị mất điểm nhất là phần IV.a, (2 điểm) đề yêu cầu: Dựa vào Atlat Địa lí Việt Nam và kiến thức đã học, kể tên các vùng nông nghiệp có cà phê là sản phẩm chuyên môn hóa của vùng. Giải thích tại sao cây cà phê lại được trồng nhiều ở các vùng đó.

Mặc dù ở bài 25 trong chương trình học “Tổ chức lãnh thổ nông nghiệp” vùng Bắc Trung Bộ được đề cập đến là 1 trong 3 vùng có cà phê, song đa số thí sinh chỉ xác định 2 vùng có cà phê là sản phẩm chuyên môn hóa là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Thế nhưng trong hướng dẫn chấm của Bộ thì thí sinh phải kể đúng 3 vùng là Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ thì phần 1 mới được điểm tối đa là 0,5 điểm, nếu kể thiếu 1 vùng sẽ bị trừ 0,25 điểm.

Còn phần 2 trong Hướng dẫn chấm nêu rõ nếu thí sinh giải thích riêng cho từng vùng mà đủ các điều kiện thuận lợi (như đáp án nêu) thì mỗi vùng cho 0,5 điểm. Như vậy có thể hiểu rằng, nếu thí sinh chỉ kể tên 2 vùng có sản phẩm chuyên môn hoá cà phê là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ thì phần giải thích lí do, thí sinh dù nêu đúng thì cũng chỉ là giải thích vì sao cà phê phát triển thuận lợi ở 2 vùng này thôi, thiếu giải thích cho vùng Bắc Trung Bộ. Tổng hợp nếu đã thiếu không kể tên Bắc Trung Bộ vào các vùng có sản phẩm chuyên môn hoá là cà phê thì thí sinh đã cầm chắc mất 0,75 điểm.

Ngay cả phần “giải thích”, thí sinh cũng khó được điểm tối đa. Đa số thí sinh đã không đưa phần các điều kiện kinh tế - xã hội vào phần giải thích, và như vậy theo đáp án các em đã mất 0,5 điểm.
 
Một số giám khảo cho rằng đáp án - biểu điểm chấm mà Bộ GD-ĐT đưa ra quá chi tiết và thí sinh khó giành điểm. Ý kiến của thầy như thế nào?

Nhận định đó chưa thật khách quan. Bởi trong hướng dẫn chấm cũng có những phần rất “thoáng” và thí sinh rất dễ dàng “ăn điểm”. Chẳng hạn như ở câu I phần 2a tính mật độ dân số 3 vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ theo bảng số liệu đã cho. Khi tính mật độ dân số thì thí sinh phải quy ra đơn vị chuẩn là người/km2, trong đáp án cũng vậy: Đồng bằng sông Hồng 1225 người/km2, Tây Nguyên 89 người/km2, Đông Nam Bộ 511 người/km2.

Tuy nhiên, Bộ đã chỉ đạo các Hội đồng chấm thi Địa lí vận dụng linh hoạt Hướng dẫn của Bộ là thí sinh tính ra số liệu mật độ dân số có đơn vị nghìn người/km2 cũng được điểm tối đa rồi. Không ít thí sinh đã được cứu bàn thua nhờ sự “mềm hoá” biểu điểm chấm này.

Hay như ở câu II, phần vẽ biểu đồ theo bảng số liệu đã cho thì phần kĩ thuật vẽ trong Hướng dẫn chỉ yêu cầu “Vẽ 2 biểu đồ hình tròn, mỗi năm 1 biểu đồ. Bán kính biểu đồ 2 năm bằng nhau hoặc năm 2005 lớn hơn năm 2000; có đủ các yếu tố, tương đối chính xác về các đối tượng biểu hiện” là được 1 điểm.

Phần kĩ thuật vẽ yêu cầu như vậy là nhẹ cho thí sinh. Bởi quy định vẽ biểu đồ cơ cấu hình tròn thì phải bắt đầu vẽ từ “tia 12 giờ”, tức điểm bắt đầu vẽ phải từ điểm tương ứng số 12 trên mặt đồng hồ. Trong quá trình học trên lớp nếu học sinh không vẽ như vậy thì ít nhất sẽ bị trừ ¼ số điểm vẽ. Thế nhưng trong hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp năm nay không nói đến yêu cầu vẽ “theo quy định” nên học sinh vẽ bắt đầu từ đâu cũng được, miễn là “có đủ các yếu tố, tương đối chính xác về các đối tượng biểu hiện” là được điểm tối đa.

Xin cảm ơn thầy!

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm