Thi tốt nghiệp THPT 2009:

Đề Địa hay nhưng hơi dài

(Dân trí) - Đề Địa hay, bám sát cấu trúc chuẩn là nhận định của cô giáo Trường THPT Năng khiếu TPHCM. Cũng thế, đa phần thí sinh Hà Nội, TPHCM hồ hởi sau môn thi tốt nghiệp thứ 3 này, còn các thí sinh Đà Nẵng lại “chê” đề dài quá. <i>(Xem hướng dẫn giải phía dưới)</i>.

Đề Địa hay nhưng hơi dài - 1

Thí sinh xem lại Atlat sau khi rời phòng thi môn Địa lý (Ảnh: Huỳnh Hải)
 
Hà Nội: Thí sinh phấn khích vì trời mát lạnh, đề vừa sức
 

Báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, môn Địa lý cả nước đã có 182 thí sinh bỏ thi, riêng Hà Nội đã chiếm 144 em.

 

Sau 3 buổi thi, cả nước có 431 thí sinh bỏ thi vì ốm, 64 thí sinh bị tai nạn giao thông và 50 thí sinh đến muộn không được vào thi, 173 thí sinh vi phạm quy chế.

Trải qua một đêm mưa to, sáng nay thời tiết Hà Nội rất mát mẻ, rất thuận lợi cho thí sinh khi bước vào ngày thi thứ hai.
 
Ra khỏi phòng thi với tâm trạng rất phấn khởi, Nguyễn Thị Tố Như, trường THPT Hai Bà Trưng ôm chầm lấy mẹ, “đề dễ mẹ ạ, con làm được hết, toàn phần đã được học”.
 
Cùng hội đồng thi với Như, Đặng Tuấn Anh trường THPT Trần Nhân Tông cho biết, đề dễ hơn thi thử ở trường. Thậm chí bài tập dễ hơn lý thuyết, đều có trong quyển Atlat. Nếu thầy cô giáo chấm chặt thì em chắc 6 điểm, còn chấm lỏng hơn chút em được khoảng 8 điểm.
 
Đề Địa hay nhưng hơi dài - 2
Tan thi môn Địa lý tại Hội đồng thi THCS Tô Hoàng
 
Cô giáo Vũ Thị Hậu, giáo viên dạy Địa lý trường THPT Trần Nhân Tông Hà Nội cho rằng, đề rất hay, câu hỏi được trải dài cho tất cả vùng miền trong cả nước. Với đề thi Địa lý này, học sinh nào cũng làm được vì kiến thức nằm hết trong chương trình cấu trúc đề thi Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn nên các em đều được ôn tập hết.  
 
TPHCM: Đề Địa hay, dễ đạt điểm cao nếu phân tích được Atlat

 

Trao đổi với Dân trí, cô Vũ Thị Bắc - Giáo viên môn Địa lý Trường THPT Năng khiếu TPHCM nhận định: “Đề thi phù hợp trình độ của học sinh. Có nhiều câu học sinh lấy điểm được bằng cách dùng Atlat. Chủ yếu những câu thực hành đòi hỏi vận dụng kỹ năng đọc Atlat, vẽ biểu đồ, nhiều hơn học thuộc lòng. Đề thi bám sát theo đúng cấu trúc chuẩn của Bộ GD-ĐT. So với đề thi thử tốt nghiệp của Sở GD-ĐT TPHCM thì đề thi hôm nay hay hơn và có nhiều phần nhận biết. Theo tôi, học sinh trung bình cũng có thể đạt điểm 5, 6 nếu phân tích được Atlat”.

 

Theo nhận xét của nhiều thí sinh TPHCM thì đề thi vừa sức, với những phần được học trong sách giáo khoa. Đặc biệt, biết sử dụng Atlat thì có thể làm được tới 60% bài thi.

 

Thí sinh Phan Hoàng Yến Nhi, lớp 12A21, trường Gia Định, Quận Bình Thạnh cho biết bạn làm xong sớm còn dư thời gian để ngồi chơi. “Tất cả đều có trong chương trình ôn, nếu học thuộc bài thì có thể làm được” - Yến Nhi hớn hở nói thêm.

 

Còn tại hội đồng thi Trường Chinh (Q.Tân Bình), bạn Phạm Minh Tuấn, học sinh lớp 12B5 trường tư thục Nguyễn Khuyến hồ hởi: “So với đề thi thử thì dễ hơn nhiều. Đa phần các câu hỏi sử dụng Atlat có thể làm được. Bài làm của em có thể được khoảng 7 điểm”.
 
Đà Nẵng: Ỉu xìu vì đề Địa lý dài
 
Không phấn khởi, cười tươi như ngày đầu, các bạn thí sinh tại Hội đồng thi trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP Đà Nẵng) tỏ ra ỉu xìu khi vừa kết thúc môn thi Địa lý sáng nay. Hầu hết các bạn đều có chung nhận định, đề Địa lý dài và hơi khó.
 
Đề Địa hay nhưng hơi dài - 3

Thí sinh Đà Nẵng kém vui sau môn Địa lý
 
Bạn Nguyễn Mỹ Phụng (học sinh trường Nguyễn Thượng Hiền) cho biết: “Đề thi năm nay dài quá. Em nhìn vào đề mà chóng cả mặt, cuống lên chẳng biết đâu mà lần. Một lúc sau mới lấy lại bình tĩnh nhưng em làm bài cũng không xong”. 
 

Còn bạn Nguyễn Thu Hương thì cho hay: “Đề Địa không những dài mà còn hơi khó. Em làm cũng gần xong nhưng không chắc là có đúng hay không. Trong phòng, nhiều bạn cũng như em. Chắc chẳng mấy ai được điểm cao đâu”.

 

Kết thúc buổi thi, các bạn thí sinh trao đổi với nhau khá lâu về đề thi bởi rất nhiều bạn chưa thấy hài lòng về bài làm của mình. Hầu như bạn nào cũng kêu, bài làm môn địa lý sẽ thấp.  

 

Hướng dẫn giải đề thi môn Địa lý (Cô Vũ Thị Bắc, giáo viên bộ môn Địa lý trường THPT Năng khiếu TPHCM)

Đối với phần chung của thí sinh:

Câu I :

1. Đây là câu hỏi dựa vào Atlat, học sinh cần phải nắm một số kiến thức nền trong bài số 6 phần khu vực đồi núi - đồi núi Tây Bắc. Học sinh phải kể ra được các dạng địa hình chính như : địa hình núi cao (dãy Hoàng Liên Sơn) ở phía Đông, phía Tây là địa hình núi trung bình, thấp hơn là các dãy núi sơn nguyên, cao nguyên, đá vôi, xen giữa là các thung lũng sông (sông Đà, sông Mã) 

Những đặc điểm địa hình đó làm cho vùng núi Tây Bắc có sự phân hóa khí hậu theo đồi núi và theo Đông - Tây, có một mùa đông lạnh, ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc suy yếu hơn so với khu vực miền núi Đông Bắc. 

2. Học sinh cần nhớcông thức tính mật độ dân số là (dân số/diện tích) đơn vị là người/km2 . Sau khi có số liệu, cần giải thích tại sao Tây Nguyên có mật độ dân số thấp dựa trên các kiến thức đã học trong bài phân bố dân cư.  

Câu II :

1. Trong câu này, học sinh cần vẽ hai biểu đồ hình tròn, cho hai năm 2000 và 2005 bao gồm các ngành chế biến, khai thác, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước dựa trên số liệu % đề bài đã cho.  

2. Dựa vào bảng số liệu, học sinh phải nhận xét được sự thay đổi (tăng, giảm) của các ngành như chế biến, khai thác, sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước (phải kèm theo số liệu cụ thể)  

Đây là một câu dễ lấy điểm, đối với tất cả thí sinh, chỉ cần nhớ các kỹ năng trong vẽ biểu đồ tròn và kết hợp với nhận xét. 

Câu III :

1. Để phân tích được những thuận lợi và khó khăn về tài nguyên thiên nhiên đối với việc phát triển nông nghiệp của trung du và miền núi Bắc bộ học sinh cần phải nhớ các kiến thức trong phần nông nghiệp của trung du miền núi Bắc bộ (trồng và chế biến các cây công nghiệp, cây dược liệu, rau quả cận nhiệt và ôn đới, chăn nuôi gia súc) như :

+ Đất đai (đất feralit trên đá phiến và đá vôi, đất phù sa)

+ Khí hậu : nhiệt đới ẩm gió mùa, gió mùa đông lạnh

+ Có nhiều đồng cỏ có thể phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê.

Hạn chế : Hiện tượng rét đậm, rét hại, sương muối, thiếu nước về mùa đông.

2. Trong câu này học sinh cần dựa vào bài số 33, phần 3 – thực trạng vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở đồng bằng sông Hồng : xu hướng giảm nông lâm ngư nghiệp, tăng công nghiệp xây dựng và dịch vụ, có sự chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng sự chuyển dịch này còn chậm (lưu ý có thêm số liệu dẫn chứng) 

Phần riêng, theo chương trình chuẩn

1. Trong câu này, học sinh cần dựa vào Atlat địa lý kể tên một số vùng nông nghiệp có cà phê là sản phẩm chuyên môn hóa của vùng như Tây Nguyên, Đông Nam Bộ rải rác ở Bắc Trung Bộ và mới được trồng ở Tây Bắc.

2. Dựa vào các điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu) học sinh giải thích sự phân bố ví dụ như cà phê được trồng nhiều ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ do vùng có đất đỏ badan, và khí hậu cận xích đạo … 

Theo chương trình nâng cao:

1. Dựa vào Atlat học sinh phải kể tên một số trung tâm công nghiệp nhỏ ở Đồng bằng Sông Cửu Long như Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang…

2. Trong phần này học sinh phải dựa SGK chương trình nâng cao để rút ra tình hình tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước GDP của nước ta từ 1990 đến nay. Lưu ý phải kèm theo số liệu cụ thể. 

 

Khánh Hồng - Lê Phương - Tùng Nam - Nguyễn Ly - Vân Sơn

Dòng sự kiện: Thi tốt nghiệp THPT 2009