Hậu Giang: Nâng điểm thi lại vì sợ… học sinh bỏ học

Có 15 trường hợp như trên xảy ra tại Trường THPT Vị Thanh (TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang).

Được biết cuối tháng 5/2014, bốn giáo viên thuộc Tổ Vật lý - KTCN của Trường THPT Vị Thanh được phân công chấm điểm thi lại môn vật lý của học sinh khối 10 với tổng cộng 72 bài thi. Sau khi chấm xong, toàn bộ bài thi (có rọc phách) được chuyển giao cho Phó Hiệu trưởng Phan Thị Bé để ráp phách và vào bảng điểm.

Đến ngày 30-5, khi nhà trường công khai danh sách kết quả điểm thi lại của học sinh khối 10, khối 11 và danh sách học sinh được lên lớp thì mọi người phát hiện ở môn vật lý khối 10 có sự bất thường. Cụ thể môn vật lý khối 10 có 72 bài thi của 72 em thi lại, qua tổng hợp sơ bộ của các thầy cô khi kết thúc việc chấm thi thì chỉ có 13 bài từ 3,5 điểm trở lên. Tuy nhiên, theo danh sách mà ban giám hiệu công bố thì con số lên đến 28 bài từ 3,5 điểm trở lên (đồng nghĩa việc 28 em này lên lớp - PV).

Thông tin nói trên sau đó được phản ánh đến ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Vị Thanh từ ngày 5-6 nhưng không được phản hồi. Ngày 17-6, ngay tại cuộc họp chi ủy của chi bộ, nhà trường đã có ý kiến yêu cầu làm rõ những bất thường trong điểm thi lại môn vật lý khối 10 và xem xét lại kết quả này để có hướng giải quyết nhưng mọi việc vẫn rơi vào im lặng. Tại cuộc họp chi bộ vào sáng 20/6, ông Lợi và lãnh đạo nhà trường không ai thông tin cho các đảng viên trong chi bộ về hướng xử lý việc sửa điểm và nâng điểm thi lại nói trên. Chỉ đến khi có ý kiến nêu lại vụ việc thì ông Lợi mới nhìn nhận trong vụ việc này có sai và hứa chỉ đạo thanh tra nhân dân vào cuộc làm rõ.

Trưa 20/6, trao đổi với Pháp Luật TPHCM, ông Lợi thừa nhận: “Cô hiệu phó thấy điểm thấp nhiều quá nên có đề xuất việc nâng điểm với tôi và tôi có nói nếu được thì xem xét mấy em thuộc trường hợp điểm trung bình đạt nhưng bị khống chế môn. Thế nhưng khi làm thì cô làm trật quy trình, đáng lẽ phải có sự trao đổi, bàn bạc với các thầy cô giáo. Cái này là sai và nhà trường đang tiến hành xác minh làm rõ có dấu hiệu tiêu cực hay không để có hướng xử lý” - ông Lợi nói.

Theo điểm d khoản 3 Điều 13 Nghị định 138/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì vi phạm quy định về điểm thi bị phạt tiền 5-7 triệu đồng đối với hành vi viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm bài thi trái quy định. Đồng thời biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi đối với hành vi vi phạm.
 
Theo Gia Tuệ
Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm