Tây Nguyên:

Hành trình đưa tri thức trẻ về nông thôn còn lắm gian nan

(Dân trí)- Những xã nghèo, vùng sâu xa, vùng đặc biệt khó khăn của các tỉnh Tây Nguyên đang thiếu trầm trọng nguồn nhân lực trẻ có trình độ. Các dự án của Trung ương Đoàn và Bộ Nội vụ nhằm đưa tri thức trẻ về công tác tại các địa bàn này vẫn còn nhiều trăn trở.

Theo tiếng gọi của xã nghèo 

Kon Tum là một tỉnh nghèo ở khu vực Tây Nguyên với 14 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn, ở một số xã như : xã Ngọc Tem, Đắk Nên, Đắk Ring, Măng Bút, Đắk Tăng (huyện Kon Plông); xã Đắk Kôi, Đắk Pne (huyện Kon Rẫy); xã Ngọc Yêu, Ngọc Lây, Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông) và các xã Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, Đắk Blô (huyện Đắk Glei). Chính vì thế, đây là những xã điểm của nhiều đề án, chương trình trọng điểm xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống nhân dân.  

Cách TP.Kon Tum 50 km về phía đông, vượt qua những đồi dốc quanh co, chúng tôi tìm đến xã Đăk Pne- một trong những xã nghèo, khó khăn của tỉnh Kon Tum. Ở đây chúng tôi được gặp gỡ những cán bộ trẻ của xã, nghe họ tâm sự về công việc mới hiểu được phần nào những khó khăn khi công tác ở một miền quê nghèo xa xôi.

Bí thư xã - anh Đinh Văn Hương là một cán bộ tuổi còn rất trẻ cho biết: “Xã Đăk Pne còn quá nghèo, 99% là người dân tộc thiểu số (người Bahnar), đường sá đi lại khó khăn, phương thức sản xuất lạc hậu, dân trí thấp… nên trong quá trình đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn. Vừa tìm mô hình phát triển kinh tế phù hợp cho bà con thoát nghèo, vừa phải cầm tay chỉ việc từng công đoạn hết sức vất vả”.

Hành trình đưa tri thức trẻ về nông thôn còn lắm gian nan - 1
Bí thư Đinh Văn Hương (đứng) trong một cuộc họp ở xã.

Anh Nguyễn Xuân Huy (30 tuổi) - cán bộ 253 (biên chế cán bộ hợp đồng 253 - đưa cán bộ khuyến nông, khuyến lâm về xã đặc biệt khó khăn), tâm sự thêm: “Công tác ở đây có không ít bất cập, sự phối hợp giữa các ngành gặp nhiều khó khăn do nhiều cán bộ cơ sở thiếu trình độ chuyên môn. Thậm chí nhiều người đánh máy vi tính còn chưa được. Hiện tại tôi là cán bộ 253, kiêm luôn chức vụ thủ quỹ”.

Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, các cán bộ, tri thức trẻ đã đi đầu, chấp nhận về công tác tại các xã nghèo, vùng sâu vùng xa. Họ mong muốn có một chế độ đãi ngộ hợp lý và được làm việc đúng theo năng lực chuyên môn của mình. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhu cầu đó vẫn còn chưa được đáp ứng đúng mức. Những cán bộ trẻ được nhận về để làm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho cán bộ xã (Chủ tịch và phó Chủ tịch xã) nhưng chưa có một chức danh hay công việc rõ ràng, đôi lúc phải kiêm nhiệm một lúc nhiều công việc không liên quan đến chuyển môn của mình. Chính vì thế mà dẫn đến tình trạng có nhiều người không kham nổi việc, thiếu nhiệt huyết đành cuộc giữa chừng. 

Còn nhiều bất cập

Hành trình thu hút cán bộ, trí thức trẻ đến với các xã vùng sâu, vùng xa là “hạt nhân” tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội địa phương gặp phải không ít chướng ngại, vướng mắc. Ngay từ khâu đào tạo, thu hút tuyển chọn nguồn nhân lực trẻ cũng không hề dễ dàng mà cần có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Không ít đề án, chương trình thu hút nhân tài đã bị “hụt hơi” do thiếu sức hấp dẫn hoặc càng về cuối càng “đuối” vì thiếu đầu tư dài hơi.

Để đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, Tỉnh ủy Gia Lai đã tiến hành một cuộc khảo sát chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã. Kết quả điều tra là: 57% cán bộ có trình độ THCS và tiểu học; 68,66% chưa qua đào tạo chuyên môn; 54,5% chưa qua đào tạo về lý luận chính trị; 91,96% chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về quản lý nhà nước; số cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ rất thấp.

Kết quả này đã làm rõ nguyên nhân dẫn đến khả năng giải quyết công việc của cán bộ, công chức cấp xã  rất hạn chế. Tháng 6/2009, Tỉnh ủy Gia Lai cho ra đời Đề án “Tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học đưa về cơ sở công tác” (Đề án 03-ĐA/TU). Đề án này đã đưa ra các quyền lợi hấp dẫn cho những sinh viên mới tốt nghiệp đại học như: được hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với cán bộ, công chức; sau 3 năm công tác sẽ được đánh giá và ưu tiên xét tuyển vào biên chế  bộ máy của các cơ quan huyện, tỉnh có nhu cầu; được bố trí làm cán bộ chủ chốt cơ sở (nếu có khả năng); được tạo điều kiện về chỗ ở; được hưởng trợ cấp ban đầu với mức 10 triệu đồng/3 năm (đối với sinh viên công tác ở xã vùng II) và 15 triệu đồng/3 năm (đối với sinh viên công tác ở xã vùng III).

Sau một năm triển khai, Đề án đã bắt đầu mang lại hiệu quả, nhiều địa phương đã có tiến bộ, thay đổi. Chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở đã có sự chuyển biến tích cực. Các công chức trẻ được đánh giá là tích cực, có trách nhiệm cao, đã gỡ rối rất nhiều cho địa phương mà đặc biệt là giải tỏa tình trạng ách tắc những công việc ở tuyến xã. 

Ông Nguyễn Văn Thọ, trưởng phòng Nội vụ huyện Chư Prông (một huyện khó khăn của tỉnh Gia Lai) cho biết: “Hiện nay chúng tôi đã bố trí cho 4 công chức trẻ về công tác tại các xã vùng 2 và vùng 3 của huyện. Những bạn trẻ này đã được huấn luyện, đào tạo và cho làm quen với công việc của một cán bộ xã trước khi đưa xuống cơ sở. Nhiệm vụ của họ là tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo xã, nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của cấp trên, xây dựng quy chế hoạt động, kế hoạch của xã, nghiên cứu về cơ chế một cửa...”.

Tuy nhiên, việc triển khai đưa trí thức trẻ về công tác ở vùng sâu, vùng xa không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Những bạn trẻ mới ra trường là những người có thừa nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm quản lý nên chưa giúp được nhiều cho cơ sở. Bên cạnh đó, có nhiều người đến với cơ sở không phải vì nhiệt huyết cống hiến mà chỉ vì không tìm được việc làm ở thành phố, vì chế độ ưu đãi cao. Để rồi khi gặp khó khăn hay tìm được việc làm mới, ưu đãi hết họ lại bỏ lại sau lưng những làng quê nghèo để trở về với sự phồn hoa của đô thị.

Thiên Thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm