Thanh Hóa:
Hàng loạt giáo viên miền núi điêu đứng vì bỗng dưng thất nghiệp
(Dân trí) - Mặc dù có thâm niên gần chục năm và được huyện cử đi học để đáp ứng nhu cầu nhưng hàng chục giáo viên trình độ trung cấp bỗng dưng mất nghề do tỉnh Thanh Hóa ra yêu cầu tuyển giáo viên có trình độ ĐH, CĐ sư phạm tiểu học.
Đó là hàng chục giáo viên của hai huyện miền núi nghèo Mường Lát và Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa).
Theo phản ánh của các giáo viên này thì họ là những giáo viên dạng hợp đồng thời vụ của huyện, trong nhiều năm trời họ liên tiếp nhận được các quyết định hợp đồng làm giáo viên ngắn hạn (chủ yếu là có thời gian ba tháng). Mỗi khi một hợp đồng hết hạn, lại tiếp tục nhận được quyết định mới,với thời gian hợp đồng tương tự như nhau.
Thầy giáo Lương Văn Tích (xã Hiền Chung, huyện Quan Hóa) cho biết: “Sau thời gian được huyện cử đi học và tốt nghiệp Trung học sư phạm Tiểu học, tôi về huyện nộp hồ sơ giấy tờ để nhận công tác. Năm 2007, tôi được UBND huyện Quan Hóa quyết định hợp đồng lao động, thời hạn ba tháng (từ 1/11/2007 đến ngày 31/1/2008), hưởng mức lương 600.000 đồng/tháng, cá nhân tự lo BHYT, BHXH. Cũng từ khi kết thúc hợp đồng này, từ 2007 đến 2013 tôi liên tiếp được UBND huyện Quan Hóa quyết định các hợp đồng lao động có thời hạn hai tháng, ba tháng và bốn tháng. Thế nhưng giờ đây, quyết định mới của tỉnh khiến những giáo viên như chúng tôi thật sự bất ngờ, chẳng biết xin việc ở đâu nên đành quay về làm ruộng”.
Cũng như thầy Tích, thầy Vi Văn Hoạch, thầy Lương Văn Xoa (từ 2006 - 2013), thầy Vi Văn Chuân (từ 2007 - 2013), cô Hà Thị Huyền (từ 2005 - 2012), Hà Thị Doanh (từ 2007 - 2013)… đều là những giáo viên thời vụ và cùng chung số phận bỗng dưng bị mất nghề sau quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ huyện Quan Hóa xảy ra tình trạng trên mà các giáo viên thời vụ tại huyện nghèo Mường Lát cũng đang lao đao trong hoàn cảnh bỗng dưng thất nghiệp. Là những người địa phương, những giáo viên trẻ chấp nhận công tác nhiều năm tại các bản đặc biệt khó khăn, mức lương thấp hơn những giáo viên biên chế để chờ ngày được tuyển dụng chính thức. Thế nhưng đến nay họ rơi vào cảnh thất nghiệp quả là điều thiệt thòi lớn. Đây thật sự là một sự lãng phí lớn trong công tác đào tạo nhân lực theo hệ cử tuyển.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Đức Hiếu, Trưởng phòng Nội vụ huyện Quan Hóa cho biết: “Từ năm 2007 đến nay huyện Quan Hóa chưa hề được phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên, vì vậy để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên huyện bắt buộc phải tiến hành ký hợp đồng lao động thời vụ với các giáo viên trong địa bàn. Cụ thể năm học vừa qua huyện Quan Hóa vẫn còn phải hợp đồng thời vụ với 38 giáo viên”.
“Trước đây Quan Hóa không thiếu giáo viên do có giáo viên miền xuôi tăng cường lên nhưng sau đó một bộ phận nghỉ hưu, chuyển công tác, số học sinh lại tăng lên nên dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên. Mới đây, để đáp ứng nhu cầu thực tế tỉnh Thanh Hóa cho phép Quan Hóa được phép tuyển dụng 59 giáo viên Tiểu học. Tuy nhiên, tỉnh Thanh Hóa chỉ cho phép tuyển dụng những giáo viên có trình độ Đại học, Cao đẳng sư phạm bậc tiểu học, chính vì vậy hàng loạt giáo viên có trình độ Trung cấp sư phạm bỗng dưng bị loại khỏi đợt tuyển dụng này, kể cả những giáo viên là người địa phương cử đi học, những người đã công tác lâu năm” – Ông Hiếu cho biết thêm.
Trong khi đó tại huyện Mường Lát, ông Mai Xuân Giang, Phó phòng giáo dục huyện cũng cho biết, tính đến nay Mường Lát đã cử đi đào tạo hệ cử tuyển, bằng ngân sách Nhà nước 123 đối tượng, đến nay vẫn còn 36 trường hợp đã tốt nghiệp mà huyện vẫn chưa phân bổ được việc làm.
Điều đáng nói là trong khi tình trạng giáo viên thất nghiệp hàng loạt thì việc thiếu giáo viên tiểu học giảng dạy cho đầu năm học mới ở hai huyện Mường Lát và Quan Sơn vẫn đang diễn ra. Đầu tháng 9, khi mà năm học mới đã được triển khai thì việc tuyển dụng giáo viên tiểu học ở hai huyện miền núi này vẫn chưa hoàn thành.
Nguyễn Thùy