Hà Tĩnh:

Hàng chục năm cống hiến cho ngành Giáo dục và con số không tròn trĩnh

(Dân trí) - Đa số các giáo viên, nhân viên của huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thuộc diện bị chấm dứt hợp đồng vừa qua đều đã công tác 3 đến 4 năm trở lên. Thậm chí có giáo viên đã từng công tác đến 12 năm. Và tất cả giờ đây đã trở về với con số không tròn trĩnh.

"Chúng tôi rất khó để xin một công việc khác"

Việc 214 giáo viên (GV), nhân viên của huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh bị chấm dứt hợp đồng, đồng nghĩa với từng đó con người thất nghiệp. Trong quá trình tìm hiểu sự việc này, chúng tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện đau lòng đến chảy nước mắt.

11994355-884856341549694-1769334226-n-1441296259935

Sau quãng thời gian gắn bó tâm huyết với nghiệp trồng người, giờ đây những người này không biết sẽ đi đâu về đâu?

Đa số họ đã có ít nhất 3 đến 4 năm công tác tại các trường học. Trong suốt quá trình đó, họ luôn cống hiến, truyền tải hết tình yêu cũng như những vốn kiến thức của mình cho các thế hệ học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Dung - GV dạy môn Mỹ thuật tại Trường Tiểu học Kỳ Phú đã có 4 năm gắn bó với ngành Giáo dục.

“Tôi đã công tác tại đây được 4 năm rồi. Trong thời gian đó, chúng tôi đã luôn nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Giờ huyện chấm dứt hợp đồng cũng không hứa hẹn gì cả. Với bằng sư phạm, chúng tôi rất khó để mà xin một công việc khác”, chị Dung tâm sự.

Chồng chị Dung không có việc làm ổn định, trong khi con còn nhỏ. Việc chị bị chấm dứt hợp đồng đã khiến cuộc sống của chị và gia đình bị đảo lộn hoàn toàn.

Đặc biệt hơn, trong số những GV bị chấm dứt hợp đồng này có nhiều GV đã có trên 10 năm công tác.

11944805-884857718216223-1212083233-n-1441296606877
Cô N đã cống hiến suốt 12 năm cho sự nghiệp trồng người và nay bị chấm dứt hợp đồng lao động. Giờ cô lại phải bắt đầu lại từ đầu từ con số không!

Chị N.T.N. là GV một trường tiểu học tại huyện Kỳ Anh. Chị đã có 12 năm cống hiến trong sự nghiệp giáo dục. Thế nhưng chị cũng là 1 trong hơn 200 GV, nhân viên bị huyện chấm dứt hợp đồng lao động.

“Tôi đã có 12 năm cống hiến trong sự nghiệp giáo dục. Tôi đã công tác tại nhiều trường của huyện Kỳ Anh, trường ở những vùng núi xa xôi hẻo lánh. Thế mà giờ bị chấm dứt hợp đồng lao động. Giờ sự nghiệp của tôi lại trở về con số 0”, chị N. tâm sự.

“Giờ mà tiếp tục đi xin việc thì rất khó. Vì tôi đã lớn tuổi, lại có chồng con nên việc đi ở các tỉnh khác thì hết sức khó khăn”, chị N. tâm sự thêm.

Đó cũng là tình cảnh chung của 214 GV, nhân viên này khi bị chấm dứt hợp đồng.

Sẽ thiếu giáo viên?

Một điều lạ và khó hiểu là tại các trường học có bộ phận y tế trong học đường. Mỗi trường chỉ có một nhân viên y tế nhưng tất cả đều bị cắt.

Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, nhân viên y tế học đường tại Trường Tiểu học Kỳ Giang cho biết: “Tôi đã làm ở đây được 6 năm rồi và đã đóng bảo hiểm cả 6 năm. Bây giờ mỗi trường chỉ có một cán bộ y tế học đường”.

Khi chúng tôi hỏi "Khi những cán bộ y tế học đường bị chấm dứt hợp đồng thì ai sẽ về làm thay?", chị Hoa cho biết: “Hiện giờ trường chưa có ai làm cả. Tôi đã bị chấm dứt hợp đồng và chưa bàn giao lại công việc nên tôi không biết rồi ai sẽ về làm thay tôi”.

Trước đó, PV Dân trí đã có phỏng vấn một số hiệu trưởng các trường học trên địa bàn Kỳ Anh thì họ đều mong muốn rằng, những GV, nhân viên này sẽ tiếp tục được ký hợp đồng lao động để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Việc đưa ra yêu cầu như thế là rất thiệt thòi với những đối tượng này. Và việc những lao động này bị chấm dứt hợp đồng sẽ dẫn tới việc nhiều trường học sẽ thiếu GV, nhân viên.

Một lãnh đạo khác tại một trường học tiểu học ở Kỳ Anh (xin được giấu tên) cho biết: “Trường của tôi phải chấm dứt hợp đồng với 8 người bao gồm cả nhân viên và GV. Nếu năm học tới không được bổ sung thì sẽ thiếu rất nhiều”.

Đánh giá về năng lực cũng như kinh nghiệm của những GV này, vị hiệu trưởng này cho biết: “Thực ra những người bị chấm dứt hợp đồng lần này thì họ đều đã có kinh nghiệm, hơn nữa nhiều người đã đóng bảo hiểm, việc chấm dứt hợp đồng như vậy là rất thiệt thòi”.

Vị này cũng chia sẻ thêm: “Trong những năm qua, với những khó khăn của nhà trường, cũng như huyện, lực lượng này đã có vai trò rất quan trọng. Tôi cũng rất mong muốn, họ sẽ được tiếp tục ký hợp đồng để làm lực lượng dự phòng. Sau này mà có GV về hưu thì thì mình sẽ bổ sung lực lượng này nhưng cũng phải theo đúng quy chế xét tuyển”.

Cũng theo tìm hiểu của PV thì mỗi trường bị cắt từ 3 đến 4 GV, nhân viên. Thậm chí có trường học chấm dứt hợp đồng đến 9 GV, nhân viên.

(Còn nữa)

Xuân Sinh

(Email: phamxuansinh@dantri.com.vn)