Đắk Nông:
Hàng chục đứa trẻ vẫn thất học dù năm học mới đã hơn 1 tháng
(Dân trí) - Những đứa trẻ trong cụm dân cư Suối Phèn (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) vẫn chưa được đến trường mà phải theo chân bố mẹ đi vào rừng, lên rẫy. Không đủ kiên nhẫn để chờ lớp học hoạt động, nhiều gia đình khác buộc cho con đi ở trọ cách nhà gần 20km.
Tiếng khóc ở Suối Phèn
Gần 2 tháng sau ngày khai giảng năm học mới, chúng tôi trở lại cụm dân cư Suối Phèn (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông). Dọc con đường bụi mù đất đỏ, những đứa trẻ lem luốc đưa mắt nhìn lạ lẫm khi có người lạ đi qua. Phần lớn trong đó là trẻ đang trong độ tuổi đến trường nhưng phải ở nhà vì chưa có giáo viên.
Tiếng khóc trẻ nhỏ vang lên thảm thiết trong căn nhà khép kín cửa của Ly A Chá (34 tuổi). Từ sáng sớm, vợ chồng Ly A Chá đã đi rẫy, để đứa con 4 tuổi ở nhà với chị gái năm nay cũng mới chỉ 5 tuổi. Đến giữa buổi, cậu bé Toàn ngủ dậy không có bố mẹ bên cạnh, cậu bé khóc ngặt vì đói và sợ.
“Do đi làm rẫy xa nên vợ chồng Chá để mấy đứa nhỏ ở nhà. Cả hai đứa đều đến tuổi đi học thế nhưng vì lớp chưa mở nên vẫn phải ở nhà. Sáng sớm bố mẹ nấu cho một nồi cơm rồi để đấy, hai chị em đói thì tự lấy ra ăn. Vợ chồng Chá đi làm đến tối mới về”, anh Giàng Seo Dín, cụm trưởng cụm dân cư Suối Phèn cho hay.
Đi sâu hơn vào phía trong cụm dân cư này, những mái nhà mọc san sát nhau, nhà nào cũng có một vài đứa trẻ quanh quẩn chơi phía bên trong. Gặp người lạ, những đứa trẻ giật mình rồi nhanh chân trốn vào một góc nhà vì sợ bị… bắt.
Chị Giàng Thị Giống và cô con gái đang trong độ tuổi đến trường
Giàng Thị Giống (31 tuổi) ôm đứa con thứ 6 vào lòng, nói như muốn khóc: “Sáng nay cho nó đi rẫy cùng mà nóng quá, con bé khóc nên mình phải đưa về nhà. Bây giờ có mỗi chồng đi làm, bốn đứa lớn phải cho ra ngoài xã trọ học chứ không đưa đón được”.
“Trường xa quá, không cho đi học được, chờ khi nào trường ở đây mở lớp thì mới cho con đi. Hai đứa nhỏ ở nhà. Nếu chịu đi lên rẫy cùng thì đi, nếu không ở nhà chơi với hàng xóm”, Giống nói.
Theo anh Giàng Seo Dìn, toàn cụm có trên 60 trẻ trong độ tuổi học mầm non hiện vẫn chưa được đến trường. Phụ huynh ở đây đã nộp hồ sơ cho con đi học đã mấy tháng nay rồi những do chưa có giáo viên nên lớp vẫn chưa được mở. Những đứa trẻ chưa được đến trường, hàng ngày cứ lang thang khắp cụm dân cư chờ ngày đi học.
Giao trường nhưng chưa giao cô
Sau khi báo Dân trí có bài phản ánh “Không có giáo viên, hàng chục học sinh sẽ ở nhà ngày khai giảng”, Bộ Giáo dục-Đào tạo có công văn yêu cầu Đắk Nông khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở điểm trường thuộc cụm dân cư Suối Phèn (Đắk G’Long). Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Đắk Nông sau đó đề nghị huyện Đắk G’Long phải có giải pháp điều chuyển giáo viên mầm non từ trường có đủ hoặc thiếu ít giáo viên sang điểm trường cụm dân cư Suối Phèn.
Việc mở lớp phải thực hiện trước ngày 13/9/2019 nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2019, các phòng học tại điểm trường cụm Suối Phèn vẫn cửa đóng, then cài.
Cô Nguyễn Thị Oanh, hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Pơ Lang cho biết, mới đây UBND huyện quyết định chuyển điểm trường Suối Phèn của Trường mẫu giáo Quảng Hòa cho trường quản lý từ ngày 27/9. Huyện cũng giao trường huy động trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp. Tuy nhiên, hiện nay trường vẫn chưa thể tổ chức dạy học được vì vẫn thiếu gần… 20 giáo viên.
“Ngày nào tôi cũng nhận được cả chục cuộc điện thoại của phụ huynh trong đó, hỏi bao giờ có cô giáo. Thế nhưng, điểm trường chính còn không có giáo viên đứng lớp thì làm sao có cô giáo vào trong đó được. Tôi mới nhận được quyết định giao cho quản lý điểm trường Suối Phèn, giao trường nhưng lại không giao giáo viên nên tôi cũng không biết trả lời sao với phụ huynh cả”, cô Oanh nghẹn ngào khi chia sẻ những khó khăn của trường.
Nữ hiệu trưởng cũng cho biết, nếu mở lớp tại điểm trường cụm dân cư Suối Phèn cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Riêng về chương trình học đã muộn so với khung chương trình gần 2 tháng. Thông thường trẻ sẽ học chính khóa vào buổi sáng. Buổi chiều các cháu được tổ chức các hoạt động vui chơi, ngoại khóa, ôn lại bài học buổi sáng, nhất là được tăng cường tiếng Việt.
Tuy nhiên, nếu mở lớp, thay vì học 1 buổi theo chương trình chính khóa, trường sẽ phải tổ chức dạy học cả ngày mới “đuổi” kịp chương trình. Trong khi đó 100% trẻ lại không biết tiếng Việt. Việc bố trí giáo viên được càng sớm sẽ càng tốt, giảm bớt vất vả cho giáo viên cũng như thiệt thòi cho trẻ.
Nhiều đứa trẻ vẫn lang thang ở nhà hoặc theo người lớn đi rừng, đi rẫy
Một điều lo ngại nữa là phần lớn giáo viên đều là nữ, có con nhỏ, nhưng khoảng cách đến điểm trường xa, đường lại rất khó để đi và về trong ngày. Trong khi đó, điểm trường không có phòng hiệu bộ, chỗ ăn ở cho giáo viên để ở lại.
Ông Đoàn Văn Phương, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đắk G’Long cho biết, hiện nay nhiều trường học của huyện thiếu giáo viên rất nhiều, nhất là bậc mầm non. Toàn huyện hiện có 157 lớp mầm non nhưng chỉ có 129 biên chế giáo viên mầm non. Như vậy, tỷ lệ giáo viên/lớp hiện nay chỉ đạt 0,82 giáo viên/lớp, trong khi quy định 2 giáo viên/lớp.
“Vì các trường vẫn chưa thể đủ giáo viên đứng lớp nên không thể điều chuyển vào điểm trường Suối Phèn. Theo dự kiến sẽ phân bổ về điểm trường Suối Phèn 3 biên chế trong quỹ biên chế do Bộ Nội Vụ phân bổ về. Tuy nhiên, hiện nay cũng chưa biết được thời gian nào sẽ có”, lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Đắk G’Long thông tin.
Dương Phong